Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dẫn dắt trẻ vào thế giới truyện cổ

Các nhà phê bình văn học và người làm công tác giáo dục cho rằng khi trẻ em đọc truyện cổ cần hướng các em tới điều thiện, đồng thời khuyến khích tư duy phản biện của thiếu nhi.

Trẻ em thời nay được tiếp xúc với công nghệ, tin vào sự chính xác, khoa học. Tuy vậy, không vì thế mà những yếu tố thần thoại, cổ tích, các câu chuyện ngụ ngôn… mất đi vị thế.

Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc tổ chức tại Thư viện Quốc gia, đại diện giới văn chương, người làm công tác khuyến đọc đã nêu phương pháp dẫn dắt trẻ em vào thế giới truyện cổ.

Truyen co cho thieu nhi anh 1

Thành viên câu lạc bộ Đọc sách cùng con đọc truyện ngụ ngôn tại Thư viện quốc gia dịp Ngày sách và văn hóa đọc. Ảnh: O.P.

Túi khôn của nhân loại

“Thời đại công nghệ, tại sao chúng ta vẫn phải đọc những câu chuyện cổ của người xưa?”, không ít người đặt ra câu hỏi đó. Nhà phê bình văn học, TS Mai Anh Tuấn nói truyện cổ, sáng tác dân gian là túi khôn nhân loại. Phần lớn truyện cổ, sáng tác dân gian cho chúng ta kinh nghiệm sống của người xưa. Cha ông gửi gắm kinh nghiệm ứng xử, đúc rút ra những giá trị, bài học đời sống trong truyện cổ.

Từ phương diện văn chương, các tác phẩm văn học dân gian chứa kinh nghiệm được thể hiện bằng ngôn từ. Những câu nói hay như tục ngữ, ca dao là sáng tác dân gian, ở đó, vẻ đẹp ngôn từ được biểu đạt. Thời đại truyền thông bùng nổ như hiện nay, các câu nói ngắn gọn, sử dụng phép tu từ cũng được ưa chuộng.

Khẳng định vị trí, ý nghĩa của truyện cổ, song không ít người băn khoăn nên cho trẻ em đọc những truyện nào, hướng dẫn con em đọc ra sao; bởi thiếu nhi có thể chưa nhận diện hết được thông điệp thiện - ác trong các tác phẩm mà người xưa để lại.

Theo TS giáo dục Thụy Anh - chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con - người lớn vẫn có sự áp đặt khi đọc, kể truyện ngụ ngôn, truyện cổ với các em. Trong đó, dễ nhận thấy ở việc người lớn áp đặt những bài học được rút ra từ truyện. Việc các em được tham gia vào câu chuyện, người lớn dừng ở đâu khi kể chuyện cho các em, đưa ra phương án phát triển câu chuyện gốc cho các em... rất quan trọng.

Truyện dân gian có nhiều khảo dị. Chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con khuyến nghị các chương trình ngữ văn trong nhà trường nên có độ mở khi đưa văn học dân gian đến các em.

“Chúng ta cũng nên tạo điều kiện, khuyến khích trẻ em phản biện lại truyện ngụ ngôn. Chúng ta cùng đọc, giới thiệu tác phẩm, để các em nhận xét về nội dung, bài học, tư duy ngôn ngữ của truyện dân gian”, bà Thụy Anh nói.

TS Mai Anh Tuấn đúc kết trong truyện cổ, nhân vật hiền lành, chăm ngoan sẽ được gặp trái ngọt, cái kết có hậu. Khi đọc truyện cổ, ta phải cho trẻ niềm tin truyện cổ luôn hướng thiện. Tuy vậy, cũng cần khuyến khích tư duy phản biện truyện cổ; hướng các em có cách tiếp nhận phù hợp với các tình tiết có phép màu, sự giúp đỡ từ trên trời xuống.

“Mỗi lần gặp khó khăn, cô Tấm lại alo cho Bụt để xin sự trợ giúp. Ngày nay, chi tiết như vậy chưa phù hợp lắm. Chúng ta luôn nói với con em mình rằng gặp khó khăn cần tìm cách giải quyết trước khi tìm sự giải cứu từ người lớn”, TS Mai Anh Tuấn nêu ví dụ.

Truyen co cho thieu nhi anh 2

Một số cuốn truyện cổ, truyện ngụ ngôn. Ảnh: Đ.T.

Những cuốn truyện cổ tiêu biểu

Khẳng định sự cần thiết của sáng tác dân gian, truyện ngụ ngôn… TS giáo dục Thụy Anh và nhà phê bình Mai Anh Tuấn giới thiệu một số cuốn truyện cổ phù hợp với thiếu nhi. Đây cũng là những cuốn sách đầu tiên trong Tủ sách đời người mới được thực hiện.

Trong đó, hai cuốn Truyện cổ nước Nam tập hợp những câu chuyện nổi tiếng của Việt Nam. Hai cuốn do học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc tuyển chọn, biên soạn, gồm quyển thượng: Người ta và quyển hạ: Muông chim.

Truyện cổ nước Nam tập hợp 120 truyện cổ quen thuộc, do người Việt sáng tác, thuần chất Việt. Hầu hết truyện đều có những câu thành ngữ, ca hát, phong dao liên quan mật thiết với nội dung truyện, gắn liền với thông điệp mà tác giả gửi gắm.

Học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc coi đó là những truyện cổ làm cho “nước Nam mới thật là nước Nam vậy”, “một kho vàng vô giá của ông cha để lại làm cái vốn rất quý cho con cháu”, bởi “làm người Nam nên biết truyện cổ nước Nam. Tinh thần người Nam hiện ra ở đấy, tinh hoa nước Nam muốn lưu lại cũng ở đấy”.

Truyen co cho thieu nhi anh 3

Truyện cổ nước Nam tập hợp những câu chuyện nổi tiếng nước ta. Ảnh: Đ.T.

Bên cạnh truyện cổ Việt Nam, những cuốn ngụ ngôn nổi tiếng thế giới cũng được giới thiệu. Truyện ngụ ngôn Aesop là tác phẩm kinh điển, cuối mỗi truyện đều rút ra bài học, thông điệp sâu sắc. Bản dịch của Bùi Phụng là bản chuyển ngữ quen thuộc và được đánh giá cao.

Thơ ngụ ngôn La Fontaine của tác giả Jean de La Fontaine do học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch, kèm minh họa của Ngô Mạnh Quỳnh. Ở đó, những câu chuyện chứa đựng kiến thức, giá trị nghệ thuật và thông điệp ý nghĩa được thể hiện qua các vần thơ gần gũi, dễ thuộc.

Bên cạnh truyện cổ Việt Nam, các tác phẩm ngụ ngôn nổi tiếng, cuốn Truyện cổ dân gian Nga cũng được xuất bản trong Tủ sách đời người. Tác phẩm do Alexander Afanasyev tuyển chọn, đến với bạn đọc Việt qua bản dịch của Nguyễn Bân. Tác phẩm tuyển chọn từ 600 truyện dân gian và cổ tích Nga - một trong những bộ sưu tập văn học dân gian đồ sộ của thế giới.

Sách là ngọn hải đăng rọi sáng để mỗi người làm giàu tinh thần

Khẳng định vai trò của sách, Hội Xuất bản Việt Nam phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng trên phạm vi toàn quốc.

Làm mới thói quen của người đọc trong thời đại công nghệ

Đơn vị xuất bản cần đa dạng hóa dòng sách như làm ebook, sách nói, sách tương tác để phục vụ nhu cầu của độc giả trẻ, từ đó phát triển văn hóa đọc thời công nghệ.

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm