Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân công sở Sài Gòn 'được' nghỉ phép vì dịch đau mắt đỏ

Chỉ trong vòng 2 tuần gần đây, dịch đau mắt đỏ bùng phát dữ dội, khiến người Sài Gòn hoang mang, dân công sở buộc phải nghỉ phép.

Anh H.H chia sẻ trên trang cá nhân: “Con gái mang bệnh đau mắt về lây cho thằng em rồi đến lượt mẹ. Biết chắc mình sẽ là nạn nhân kế tiếp nhưng công việc thì không thể không làm. Cả buổi chiều hí hoáy viết để chạy đua với con “quỷ đỏ”.

Số là con gái anh đi học, bị “dính” mắt đỏ từ những người bạn trong trường, rồi mang virus về lây cho cả nhà.

Các bệnh viện và phòng khám đông nghẹt người đi khám bệnh đỏ mắt.

Tương tự, anh Vũ Trường Giang (thợ sửa điện, ngụ Q.Bình Thạnh), chia sẻ: “Tôi đi làm bị dính mắt đỏ, thấy cộm vướng rất khó chịu, nhưng cứ nghĩ là do đi đường bụi ảnh hưởng, chắc không sao. Ai ngờ về nhà lây sang cho vợ và cả con gái mới 8 tháng tuổi. Mắt bé sưng đỏ, quấy khóc do khó chịu. Cứ nghĩ bệnh đơn giản nhưng không ngờ chỉ cần một người bị là sẽ lây cho cả nhà. Tôi phải nghỉ làm cả tuần nay”.

Ở chung cư Ehome 1 (Q.9), nhiều gia đình bắt đầu “nếm mùi” dịch đau mắt đỏ. Anh Thi, có 2 con đang học tiểu học, cho biết 3 ngày trước, con trai lớn buổi sáng đi học bình thường, chiều về thấy mắt sưng húp.

Sáng hôm sau anh đưa đến trường thì cô giáo khuyên cho cháu nghỉ vì sợ lây cho các bạn trong lớp. Theo anh Thi, lớp cháu đã có 4 bạn bị bệnh được nhà trường cho nghỉ học ở nhà điều trị. Con không được đến trường, vợ anh cũng phải nghỉ làm ở nhà với con. Sau đó, vợ và đứa con gái nhỏ của anh cũng bị lây.

Cũng tại chung cư này, chị Trang, nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở Q.1, cho biết đi làm mà cứ hồi hộp, sợ bị… đau mắt đỏ. Ngân hàng đã có 3 người "dính" bệnh được “đặc cách” cho nghỉ. "Sáng nay, một số  phụ huynh kiến nghị bảo vệ chung cư “canh” những trẻ đau mắt đỏ, không cho xuống sân chơi, vì sợ lây cho con của họ", chị Trang nói.

Chị Ninh Kiều, nhân viên kế toán tại công ty T.T (đường Nguyễn Du, Q.1), chia sẻ, cả phòng kế toán có 6 người thì hết 4 bị dính bệnh đau mắt đỏ. Sợ tiếp tục lây cho những người còn lại, "sếp" đã cho họ nghỉ một tuần.

Chị Kiều cho biết thêm, mặc dù biết bệnh rất dễ lây, tôi lại đang có con nhỏ nên sợ mang virus về nhà lây cho con nên hạn chế ngồi gần, trò chuyện với các đồng nghiệp, nhưng không hiểu sao tôi vẫn bị. Và giờ đến lượt tôi… bị nghỉ phép.

4 ngày "chiến đấu" với dịch đau mắt đỏ, cả nhà anh H.H đã sử dụng hàng chục lọ nước muối sinh lý nhỏ mắt các loại.

Theo các chuyên gia y tế,  bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan, thường lây qua tiếp xúc với các chất tiết từ mắt, mũi, họng của bệnh nhân như nước mắt, ghèn, nước mũi hoặc các hạt nước li ti khi bệnh nhân ho, hắt xì, nói chuyện,… Một người bị đau mắt đỏ có thể là nguồn lây trong vòng 20 ngày, thậm chí lâu hơn nếu bệnh kéo dài. Tuy tránh chạm mặt nhưng virus vẫn có thể phát ra từ hơi thở và phát tán vào không khí. Một bác sĩ cho biết khi tay người bệnh chạm vào bàn phím, điện thoại, tay nắm cửa,… sau đó người khác chạm vào cũng bị lây.

Theo phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Mắt TP.HCM, hiện đang là mùa dịch đau mắt đỏ. Bệnh phần lớn do virus Andennovirus gây nên, lây lan khá nhanh và thông thường từ 7 - 14 ngày sẽ tự hết. Tốt nhất nên sử dụng nước muối sinh lý theo chỉ định của bác sĩ. Dù cả gia đình đều bị mắt đỏ nhưng cũng không được dùng thuốc nhỏ mắt chung. Nếu sau 1 tuần bệnh không giảm, nên đi khám lại vì có một số ít trường hợp bị biến chứng phần giác mạc (tròng đen) và gây ra hiện tượng giảm thị lực ở người mắc bệnh.

Tại bệnh viện Mắt TP.HCM, trong tuần đầu tháng 9, số người đến khám đau mắt đỏ đỏ là 1.100, tương đương với số bệnh nhân đến khám trong cả tháng 8 (1.123 người). Tại các phòng khám mắt của các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, mỗi ngày tiếp nhận từ 15 - 20 ca đau mắt đỏ.

Ngô Đồng

Bạn có thể quan tâm