Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân còn e ngại 'chấm điểm' chính quyền

Một trong những khó khăn trong việc thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân với việc phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là dân còn e ngại “chấm điểm” chính quyền.

Tại hội nghị đánh giá việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) sáng 14/3, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết bắt bầu từ năm 2017, các bộ ngành, địa phương sẽ triển khai chỉ số SIPAS đồng bộ trên cả nước.

Dân chấm điểm làm thay đổi tư duy

Theo đánh giá của Phó thủ tướng, kết quả sự hài lòng của người dân, tổ chức phản ánh khá trung thực bức tranh về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở những lĩnh vực, thủ tục được triển khai. 

Qua đó cho biết người dân, tổ chức hài lòng như thế nào và mong đợi các cơ quan hành chính cải thiện những nội dung gì trong thời gian tới.

“Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đang có tác động làm thay đổi tư duy, phương pháp giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức để phục vụ người dân, tổ chức ngày càng tốt hơn”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc đo sự hài lòng của người dân còn tác động nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia của người dân, tổ chức vào quá trình ra quyết định của cơ quan hành chính nhà nước.

Cham diem chinh quyen anh 1
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. 

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng lưu ý còn một số khó khăn, hạn chế đáng quan tâm. Cụ thể như việc lãnh đạo, công chức ở nhiều cơ quan, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc dân “chấm điểm” chính quyền.

Đáng chú ý là người dân, tổ chức chưa được thông tin, tuyên truyền đầy đủ nội dung, kết quả của việc đo lường sự hài lòng, dẫn đến nhận thức chưa đầy đủ, còn e ngại tham gia hoặc tham gia không đầy đủ, khách quan nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng khảo sát…

Vì vậy, ông Bình đề nghị trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương từ năm 2017, triển khai việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức ở quy mô ngành, địa phương.

“Phải sử dụng triệt để kết quả đo lường sự hài lòng, để kịp thời phát hiện những tồn tại trong cải cách hành chính, trong việc giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân, tổ chức; kịp thời nắm bắt được nhu cầu của người dân, tổ chức”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý.

Không làm bây giờ không trả lời được dân hài lòng bao nhiêu

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, chỉ số SIPAS được Bộ Nội vụ, Mặt trận tổ quốc, Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp thực hiện từ năm 2015. Kết quả SIPAS 2015 cho thấy sự hài lòng của người dân đối với 6 thủ tục được khảo sát liên quan mật thiết đến đời sống của người dân.

Cham diem chinh quyen anh 2
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Đó là thủ tục cấp giấy CMND, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực.

Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về 6 thủ tục này là từ 73,5 - 88,7%, trong đó thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ hài lòng thấp nhất và thủ tục cấp giấy đăng ký kết hôn đạt tỷ lệ cao nhất. Tỷ lệ người dân cảm thấy hài lòng về sự phục vụ của công chứng từ 74,3 - 87,2%.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết một trong các mục tiêu quan trọng đối với công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016 -2020 Chính phủ đặt ra là bảo đảm sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 60% vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020.

“Nếu không triển khai bây giờ thì đến năm 2020 không thể trả lời được câu hỏi bao nhiêu người dân hài lòng”, ông Nhân nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch MTTQ Việt Nam, thời gian qua, chỉ số SIPAS được triển khai thí điểm tại 10 địa phương. Kết quả triển khai đã phần nào phản ánh được chất lượng giải quyết thủ tục hành chính hiện nay và sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Bên cạnh đó, một số bộ, ngành và hơn một nửa số tỉnh, thành triển khai với các phương pháp đa dạng và phong phú.

Tuy nhiên, cách làm còn mỗi nơi làm mỗi kiểu, chưa thống nhất. Vì vậy, ông Nhân cho rằng đã đến lúc cần có một phương pháp thống nhất để triển khai trong cả nước tạo cơ sở để đánh giá hài lòng của người dân mỗi năm ở tất cả các địa phương và bộ ngành.

Bí thư Hà Nội: Dân có mắng chửi, cán bộ vẫn phải vui

Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng cán bộ thì không được đòi hỏi người dân phải ứng xử tốt trước với mình.

 

 

 

 



http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/dan-con-e-ngai-cham-diem-chinh-quyen-361273.html

Thu Hằng/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm