Có sự khác biệt lớn giữa các cử tri Dân chủ và cử tri Cộng hoà. Zing.vn trao đổi với Jim Schneider, lãnh đạo công ty Clear Channel Outdoor, một cử tri Cộng hoà ở West Palm Beach (Florida) và chị Marni Halasa, huấn luyện viên trượt băng chuyên nghiệp và là người theo phe Dân chủ, người từng tham gia các phong trào như Occupy Wall Street và là người sáng lập tổ chức tư vấn về biểu tình Revolution Is Sexy, để có thể thấy sự khác nhau quan điểm giữa cả hai đảng.
Chị Marni Halasa trong phong trào Occupy Wall Street. Ảnh: Thanh Tuấn. |
- Có sự khác biệt lớn giữa phe Cộng hoà và Dân chủ. Giá trị nào của phe Dân chủ/Cộng hoà tốt hơn cho đất nước này?
- Marni Halasa (Dân chủ): Phe Dân chủ thường ủng hộ quyền lựa chọn của phụ nữ, tin vào hệ thống phúc lợi chung và thường bảo vệ quyền lợi của các nhóm thiểu số, các nhóm đồng tính. Phe Cộng hoà trong khi đó thường chống điều này, các chính sách kinh tế chỉ để có lợi cho tầng lớp giàu có, các nhóm tài phiệt Wall Street trong khi thắt chặt phúc lợi đối với người nghèo. Thả lỏng chính sách kinh tế cho các nhóm tài phiệt và thúc đẩy thương mại tự do.
Nhưng kể cả với những khác nhau vậy, cả hai đảng về cơ bản thường giống nhau. Thực tế họ đều là các đảng cho các tập đoàn, chịu trói buộc bởi tiền lobby.
- Jim Schneider (Cộng hoà): Phe Cộng hoà thường truyền thống hơn phe Dân chủ. Theo tôi, chính triết lý của phe Dân chủ đã phá hoại nhiều giá trị truyền thống của Mỹ và gây rất nhiều vấn đề của Mỹ. Sự tan vỡ của gia đình (xuất hiện mẹ đơn thân), thiếu trách nhiệm cá nhân, sự băng hoại đạo đức (gì cũng chấp nhận được) và không còn theo tôn giáo – những điều này đã làm suy yếu nước Mỹ.
Những người Dân chủ ủng hộ mô hình chính phủ lớn và đánh thuế cao nhằm giải quyết các vấn đề. Nhưng chính phủ lớn thì không hiệu quả trong giải quyết các vấn đề như tư nhân.
- Tôi đã thấy nhiều chỉ trích với Trump/Hillary. Ông bà nghĩ sao?
- Halasa: Tôi nghĩ là Hillary Clinton đáng bị phê phán, đặc biệt là với những tiết lộ của Wikileaks về chuyện lợi dụng cho quỹ Clinton.
- Schneider: Tôi ủng hộ Trump. Ông ta là tỷ phú tự lập nghiệp và hiểu về kinh doanh. Ông ta phải đối phó với chính quyền mới có được giấy phép để xây dựng các công trình khắp nước Mỹ. Ông sẽ bổ nhiệm những thẩm phán bảo thủ cho toà tối cao để đảm bảo Hiến pháp.
Hillary muốn bổ nhiệm các thẩm phán cho toà tối cao nhằm thay đổi luật theo những quan điểm tự do và được cho tiến bộ. Hillary Clinton chỉ là cái loa của đảng Dân chủ và bất tài.
Tôi đã thấy những chỉ trích của phe Dân chủ với Trump. Những chỉ trích này chỉ thu hút được những người thiếu học, thiếu thông tin. Tôi là người quan điểm độc lập hơi nghiêng Cộng hoà. Phe Dân chủ sẽ cần thu hút các nhóm cử tri gốc Phi, người đồng tính và người Latin để thắng được Nhà Trắng – Hillary sẽ xin xỏ nhóm này.
Tôi luôn đánh giá con người dựa trên cách họ đối xử với tôi, không quan trọng chuyện sắc tộc, tín ngưỡng, màu da hay quốc gia nào họ sống. Donald Trump là người từ bên ngoài, không phải một người bị những kẻ chính trị cũ mua chuộc.
- Đâu là những phê phán chính của ông/bà với Clinton và Trump? Đâu là điều quan tâm chính của ông bà trong cuộc bầu cử này?
- Halasa: Với tôi, những thông điệp đao to búa lớn của Trump là rất đáng sợ. Và dù tôi đã nghe những thông điệp này hơn năm nay, nhưng càng nghe thì càng sợ. Những thông điệp thù hằn với người Hồi giáo, với người Mexico, ông ta chỉ khuyến khích chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thù địch tôn giáo hoành hành.
Ngoài ra, đã có rất nhiều phụ nữ lên tiếng về các vụ quấy rối tình dục – đều là những điều rất kinh tởm. Sự xuất hiện của ông ta là mối đe doạ đối với nước Mỹ, vì ông ta quá bất ổn về cảm xúc, vô cùng thiếu kiến thức cả về chính sách đối nội và đối ngoại.
- Schneider: Hillary Clinton không đáng tin cậy. Bà ta để cho lính Mỹ ở Benghazi đơn độc rồi chết. Bà hoàn toàn kém cỏi trong ngoại giao và có tội trong sự tan rã ở Syria, Iraq và Libya. Bà ta “tái khởi động” quan hệ với Nga nhưng rồi Nga trở mặt rồi tấn công vào Crimea. Bà ta là người ủng hộ chương trình y tế Obamacare – một thất bại thảm hại.
Bà ta nhìn chính phủ như một giải pháp chứ không nhìn ra vấn đề của nó. Bà ta lấy tiền của các chính quyền nước ngoài cho quỹ Clinton, bà ta để người nhập cư trái phép vào nước Mỹ.
- Đã có những lo ngại rằng nước Mỹ sẽ thậm chí chia rẽ hơn sau bầu cử - giống như thời kỳ của Obama, đặc biệt sau khi Trump tuyên bố sẽ không công nhận kết quả nếu thua. Ông/bà nghĩ sao?
- Halasa: Tôi nghĩ sau bầu cử, mọi thứ có thể chia rẽ hơn nhưng với việc đảng Cộng hoà suy yếu và việc cuộc bầu cử cuối cùng đã chấm dứt, mọi người có thể sẽ thoải mái hơn và sẽ nhìn lại cách để tiến tiếp.
Là một người thường xuyên đi biểu tình phản đối, dù tôi muốn xé tan hệ thống tư bản này và bắt đầu lại từ đầu, tôi nghĩ hầu hết mọi người đều không muốn một cuộc cách mạng làm đảo lộn hết mọi thứ. Hầu hết vẫn muốn giữ những gì chúng tôi đang có và xây dựng tiếp.
Nhưng họ cũng giống tôi đều hiểu rằng như vậy là không đủ. Chúng ta muốn thấy một hệ thống bảo hộ cho người lao động, những hệ thống bảo vệ quyền lợi của công dân thông thường, giáo dục miễn phí, hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân, hệ thống lương và phúc lợi đủ tốt và môi trường trong sạch.
Những điều này sẽ không đến trong đời này của tôi nhưng mọi thứ đang đi theo hướng đó. Các phong trào như Occupy Wall Street, Fight for the $15 (đòi mức lương tối thiểu 15 USD/giờ), Black Lives Matter (ủng hộ người da đen) và Bernie Sanders chỉ là phần nổi của tảng băng...
- Schneider: Đúng đất nước này sẽ bị chia rẽ sau bầu cử. Nhưng chúng tôi không có tiền để tiếp tục nuôi một chính phủ mà đã tăng chi tiêu gấp 3 lần trong 50 năm qua, ra sức bảo vệ hết đồng minh mà không nhận được đồng nào và cấp các phúc lợi vô tội vạ cho những người không muốn làm việc. Chương trình của Lyndon Johnson (phe Dân chủ) đưa ra là để giúp những người nghèo và khó khăn, nhưng trên thực tế nó chỉ tạo ra một xã hội “dựa dẫm".