Tháng 1/2018, Pierre-Emerick Aubameyang khiến Arsenal phải chi số tiền kỷ lục 57,38 triệu bảng để đưa anh đến Emirates. Tiền đạo người Gabon ghi 10 bàn trong 13 lần ra sân đầu tiên tại Premier League, sau đó trải qua 2 mùa giải thăng hoa với cùng 22 pha lập công. Cuối mùa 2019/20, tiền đạo sinh năm 1989 tỏa sáng giúp Arsenal giành chức vô địch FA Cup. |
Tuy nhiên, Aubameyang lại sa sút kể từ khi được ký hợp đồng và nâng mức lương lên đến 340.000 bảng mỗi tuần. Chưa dừng ở đó, cựu sao Dortmund còn liên tục vi phạm kỷ luật dẫn đến việc bị gạch tên ở nhiều trận đấu lớn vào cuối năm 2021. Sau khi trở về từ CAN 2021, Aubameyang không đến London mà bay thẳng sang Barcelona. Ban đầu, Arsenal dự định để cầu thủ này đến Camp Nou dưới dạng cho mượn. Nhưng khi Barca cho biết họ không thể gánh mức lương cao của Aubameyang, CLB thành London quyết định giải phóng hợp đồng cho cựu đội trưởng. Anh trở thành ngôi sao mới nhất bị "Pháo thủ" loại mà không thu về khoản phí chuyển nhượng nào. |
Mesut Ozil tiêu tốn của Arsenal khoản phí chuyển nhượng kỷ lục (42,5 triệu bảng) vào hè 2013. Sau nhiều năm cống hiến (184 lần ra sân, 33 bàn, 54 kiến tạo tại Premier League), Ozil bị gạch tên khỏi kế hoạch của Arsenal bởi nhiều lý do, một trong số đó là không phù hợp với triết lý của HLV Mikel Arteta. Sau quãng thời gian dài ngồi không hưởng lương, tiền vệ người Đức rời Emirates để đầu quân cho Fenerbahce dưới dạng tự do vào đầu năm 2021. |
Mùa 2016/17, Alexis Sanchez là ngôi sao tấn công số một của Arsenal với 30 bàn. Đầu năm 2018, Sanchez bị xao nhãng bởi những lời đề nghị từ Man City và Man United. Cuối cùng, anh quyết định chuyển sang chơi cho "Quỷ đỏ" để hưởng thu nhập trong mơ (500.000 bảng mỗi tuần). Do cầu thủ người Chile còn vài tháng hợp đồng, Arsenal đành phải yêu cầu MU đổi ngang Mkhitaryan để lấy Sanchez. Ngôi sao sinh năm 1988 trở thành một trong những bản hợp đồng tệ nhất của "Quỷ đỏ" thời hậu Sir Alex Ferguson với 5 pha lập công sau 45 lần ra sân trên mọi mặt trận. |
Sau quãng thời gian dài Santi Cazorla phải nghỉ thi đấu vì chấn thương gót, Arsenal quyết định không gia hạn hợp đồng với cầu thủ này. Tưởng chừng sự nghiệp của Cazorla đã kết thúc, nhưng anh đầu quân cho Villarreal và tỏa sáng rực rỡ trong 2 mùa giải tại sân El Madrigal. Đến nay, "ảo thuật gia" người Tây Ban Nha vẫn đang thi đấu bền bỉ ở tuổi 38 trong màu áo Al Sadd (Qatar). |
Aaron Ramsey gắn bó với Arsenal từ năm 18 tuổi. Tiền vệ người xứ Wales để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt CĐV "Pháo thủ" nhờ nghị lực vươn lên sau khi dính chấn thương nặng vào năm 2010. Tuy nhiên, khi Ramsey đạt đỉnh cao phong độ, anh lại từ chối gia hạn hợp đồng với đội chủ sân Emirates để gia nhập Juventus dưới dạng tự do vào hè 2019. Ramsey thi đấu không thành công, nhưng quyết định này vẫn giúp anh hoàn thành mục tiêu giành ít nhất một chức vô địch quốc gia trong sự nghiệp. |
Andrey Arshavin gia nhập Arsenal vào năm 2009. Trong hơn 2 mùa đầu tiên, "Gấu nhỏ" là nhân tố không thể thiếu trong đội hình "Pháo thủ". Tuy nhiên, mọi chuyện dần xấu đi khi tiền đạo người Nga không được HLV Arsene Wenger trọng dụng từ mùa 2011/12. Sau nhiều lần Arshavin bày tỏ sự bất mãn, Arsenal đẩy cầu thủ này trở lại Zenit dưới dạng cho mượn cho đến khi hết hợp đồng. |
Jack Wilshere ăn tập trong màu áo Arsenal từ khi còn là cậu bé. Tiền vệ sinh năm 1992 sở hữu những phẩm chất để trở thành ngôi sao lớn. Tuy nhiên, chấn thương cùng lối sống buông thả khiến Wilshere chưa bao giờ đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ. Sau mùa 2010/11 với 49 lần ra sân, tuyển thủ Anh dần sa sút. Wilshere để lại nhiều tiếc nuối khi phải rời Emirates dưới dạng tự do khi mới 26 tuổi. |
Trong màu áo Arsenal, Bacary Sagna thi đấu ấn tượng và từng có 2 lần vào đội hình tiêu biểu Premier League. Hè 2014, cầu thủ người Pháp bị CĐV chỉ trích là kẻ hám tiền khi anh đầu quân cho Man City dưới dạng tự do. Sagna ngay lập tức đáp trả bằng những phát ngôn đanh thép về việc anh không yêu cầu tăng lương trong suốt quãng thời gian khoác áo "Pháo thủ", đồng thời luôn cống hiến hết mình trên sân, ngay cả khi chưa bình phục chấn thương. |