Bộ ảnh thời trang dàn cảnh cướp giật
Cuối tháng 5, thương hiệu Môi Điên tung bộ ảnh thời trang mang tên "Cướp" với dàn cảnh nạn nhân và kẻ cướp diện trang phục của hãng. Các bức hình tập trung khai thác vào khía cạnh cảm xúc của nạn nhân và kẻ cướp thông qua biểu cảm trên gương mặt, hình thể người mẫu. Bộ ảnh nhanh chóng trở thành chủ đề tranh cãi trên các diễn đàn. Một số người cho rằng các bức hình đã tái hiện tình trạng cướp giật ở TP.HCM với góc nhìn hiện đại, mang đậm chất nghệ thuật. Giám đốc sáng tạo Dzung Yoko nhận định bộ ảnh xịn và màu sắc đẹp. Tuy nhiên, số khác lại nhận định bộ ảnh thiếu tính thẩm mỹ, cổ xúy cho tệ nạn xã hội. Họ cho rằng việc làm của thương hiệu khiến tư tưởng người dùng bị sai lệch khi khen người mẫu trong vai kẻ cướp điển trai. Thậm chí, họ còn chỉ trích thương hiệu Việt làm hỏng tư tưởng thế hệ trẻ và hình tượng hóa nhân vật đang bị xã hội lên án gay gắt. Ảnh: Môi Điên.
Calvin Klein tung quảng cáo nội y quay lén nhạy cảm
Năm 2019, Calvin Klein tung thước phim quảng bá cho dòng sản phẩm nội y lấy cảm hứng từ bộ sưu tập những năm 1980. Tuy nhiên, video tạo ra luồng tranh cãi về sự thật trần trụi và dung tục, cùng lời thì thầm: "Do you know what comes between me and my Calvins? Nothing" (tạm dịch: Bạn có biết điều gì xảy ra giữa tôi và Calvin Klein? Không có gì cả). Từ những cảnh quay phòng tắm, phòng thử đồ hay sự riêng tư trong phòng ngủ với sự góp mặt của dàn chân dài đình đám như Naomi Campbell, Bella Hadid... Điểm gây tranh cãi chính là các phân cảnh đều bị quay lén khi nhân vật không biết có máy quay trộm phía sau. Ngoài ra, vấn đề liên quan đến tình dục cũng được khai thác dưới góc độ trần trụi về ham muốn của phái mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng đây là chiến dịch quảng cáo dung tục. Quay lén là một trong những hình thức quấy rối tình dục phổ biến hiện nay, xâm phạm quyền riêng tư của con người. Thay vì làm thước phim quảng cáo mang tính nhân văn, nhãn hàng lại đi ngược mọi thứ và mọi người cần lên án điều đó. Ảnh: Calvin Klein.
"Câu chuyện kinh dị" của Vogue Italy
Những góc nhìn nhạy cảm về vấn đề trong cuộc sống đi ngược lại quy chuẩn của xã hội từng xuất hiện trên tạp chí quốc tế. Năm 2014, tờ Vogue Italy đăng tải loạt hình mang tên "Horror Story" (tạm dịch: Câu chuyện kinh dị) cùng khung cảnh những người đàn ông cầm dao, kéo truy sát phụ nữ. Nhiều người cho rằng thông điệp tạp chí thời trang hàng đầu gửi gắm bị bạo lực hóa không cần thiết. Số khác có ý kiến ngược lại khi nhận định Vogue Italy đang phơi bày những góc khuất trong xã hội và hiếm tạp chí nào làm được điều này. Trong cuộc phỏng vấn với The Independent, tổng biên tập quá cố Franca Sozzani giải thích ý tưởng lấy cảm hứng từ thực trạng bạo hành gia đình xảy ra ngày càng rộng rãi trên thế giới. "Nỗi kinh dị trong đời thực còn đáng sợ hơn bộ phim mà khán giả thường xem. Chúng xuất hiện trên mặt báo hàng ngày. Điều chúng tôi muốn hướng đến là giúp công chúng thấy được cuộc sống phụ nữ ngày nay mong manh đến mức nào. Họ có thể bị đánh đập, lạm dụng, thậm chí bị giết", bà nói. Ảnh: Vogue Italy.
Dior xúc phạm văn hóa người da đỏ
Năm 2019, hình ảnh và đoạn phim quảng bá cho Dior với sự góp mặt của Johnny Depp nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dân mạng. Theo tờ Washington Post, đoạn phim quảng cáo của nhà mốt Pháp được đăng tải trên mạng xã hội. Trong đó, nam diễn viên dạo bộ qua những tảng đá đỏ của bang Utah và một phụ nữ trẻ đi theo anh. Nhiều người chỉ trích hãng thời trang Pháp gắn văn hóa của người da đỏ bản địa Mỹ với từ "Sauvage" (tiếng Pháp: Hoang dại, mọi rợ). Diễn viên Dallas Goldtooth bảy tỏ bức xúc: "Chiến dịch này mang đầy tính phân biệt chủng tộc. Nhãn hàng phải tìm hiểu ý nghĩa của cụm từ này trước khi chọn hình thức quảng cáo như vậy". Crystal Echo Hawk - CEO của nhóm theo dõi truyền thông IllumiNative - cũng cho rằng động thái này xúc phạm và phân biệt chủng tộc. Sau khi nhận chỉ trích, Johnny Depp cho biết đoạn phim không mang ý miệt thị mà giống bức thư tình với văn hóa da đỏ. Laura Harris - giám đốc chiến dịch quảng cáo của Dior - nói với AP đã lường trước sự lên án từ dư luận trước khi phát hành. Cô cho biết chiến dịch muốn truyền tải các giá trị văn hóa và triết lý sống của người dân da đỏ. Nhãn hàng chấp nhận gỡ đoạn phim khỏi các kênh truyền thông và đăng tải phiên bản khác, không sử dụng hình ảnh diễn viên da đỏ. Ảnh: Dior.
LOEWE quảng cáo nhạy cảm với trái cây
Vittoria Ceretti là người mẫu được chọn để quảng bá cho chiến dịch Xuân - Hè 2018 của LOEWE mang tên "Fruits". Cô thể hiện biểu cảm trên đôi mắt với nhiều sắc thái khác nhau chụp cùng các loại trái cây miền nhiệt đới như măng cụt, lựu... Sự sáng tạo của nhà mốt Tây Ban Nha tạo nên luồng tranh cãi trái chiều về sự phản cảm trong thời trang. Vẫn tưởng thương hiệu sẽ được đông đảo công chúng yêu thích nhưng nhiều người nhận định bức ảnh người mẫu chụp với các loại trái cây dễ nhầm tưởng đến bộ phận nhạy cảm của phụ nữ. Ảnh: LOEWE.