Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân Bình Phước ồ ạt bán điều non

Những năm gần đây, tình trạng người nông dân ở nhiều vùng của tỉnh Bình Phước phải bán điều non, cầm cố vườn điều đã diễn ra phổ biến.

Dân Bình Phước ồ ạt bán điều non

Những năm gần đây, tình trạng người nông dân ở nhiều vùng của tỉnh Bình Phước phải bán điều non, cầm cố vườn điều đã diễn ra phổ biến.

Không cần đi đâu xa, chỉ cần chạy xe lòng vòng quanh các đường quốc lộ của tỉnh Bình Phước, cũng dễ dàng nhận thấy những “núi củi” điều bị chặt hạ bán cho các chủ lò gạch khu vực Lái Thiêu, Thuận An (Bình Dương), Tân Vạn (Đồng Nai). Tình trạng chặt điều bán củi để chuyển sang trồng cây cao su ở đây đang làm cho diện tích điều của Bình Phước ngày càng thu hẹp.

 
Rất nhiều vườn điều ở Bình Phước đã bị chặt để bán lấy củi.

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới việc điều bị chặt bỏ hàng loạt để làm củi, chúng tôi được biết, ở các vùng đồng bào dân tộc ít người thuộc các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phước Long, Bù Đốp... tình trạng điều bán non, cầm cố vườn điều đang diễn ra hết sức sôi động.

Chúng tôi đã tìm đến xã Bom Bo (huyện Bù Đăng), bà H, một chủ quán cà phê ngay trung tâm xã vốn có tiếng kinh doanh, thông tin việc mua bán điều non của đồng bào dân tộc. Khi đặt vấn đề, muốn bỏ vốn mua điều non cho niên vụ 2014, bà H đon đả tiếp chuyện ngay.

Rồi theo lời giới thiệu của bà H, chúng tôi đến nhà anh Điểu Thu ở thôn 4, người đang rao bán điều non gần 4 năm nay do cần tiền chữa bệnh cho con. Anh Thu cho biết: “Tôi bán 1,3ha điều có thời hạn 4 năm được 60 triệu đồng, tiền đều đã dùng để chữa bệnh cho con hết”. Những trường hợp bán điều non như anh Điểu Thu ở đây giờ không còn là hiếm, mà đã lên tới vài chục hộ.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Phước - Nguyễn Huy Phong cho biết: “Bình Phước hiện nay có 389 hộ đồng bào dân tộc phải bán điều non diện tích gần 700ha, 107 hộ đồng bào phải vay lãi suất cao từ 4-10%/ tháng và 631 hộ đồng bào cầm cố sang nhượng quyền sử dụng đất diện tích lên 899ha”.

Báo cáo của Công an huyện Bù Đăng cho thấy, việc cầm cố, cho vay nặng lãi của một số trường hợp có tính đặc thù như vụ ông Điểu Nhâm, ở thôn 4, xã Đồng Nai với số tiền cầm cố vay mượn lên hàng tỷ đồng.

Một số đối tượng lợi dụng khó khăn của đồng bào dân tộc cho lãi suất quá cao. Điển hình như trường hợp của Điểu Nho, Điểu Đố, Điểu Brang ở xã Đắc Nhau vay tiền của Kiều Văn Tính ở ấp 4, xã Bom Bo lãi suất lên 17% tháng, khiến họ rơi vào tình trạng khánh kiệt gia tài.

Hàng nghìn hộ đã phải cầm cố, bán điều non

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Đồng Nai - Nguyễn Đức Đăng cho biết: “Từ khi có công văn của tỉnh về việc siết chặt kiểm tra tình trạng mua bán điều non, chúng tôi đã kiểm tra sơ bộ những hộ dân trong xã. Bước đầu nhận thấy có 120 hộ đồng bào dân tộc do nhiều nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau phải bán, cầm cố điều non để mưu sinh. Họ ngấm ngầm giao dịch với nhau, có khi chỉ tờ giấy viết tay không cần chứng nhận của Uỷ ban Nhân dân xã, nên không kiểm soát được”.

Đến xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập, nơi được coi là thủ phủ của vựa điều Bình Phước, chúng tôi cũng được lãnh đạo xã này cho biết: “Xã có 13.000 nhân khẩu, thì có hơn 3.000 khẩu người STiêng dính đến chuyện mua bán cầm cố điều non, nhất là ở thôn 6”. Theo Trưởng thôn 6 - Lê Cao Hùng, thôn có hơn 303 hộ đồng bào STiêng, thì tất cả 100% đều phải vay mượn cầm cố vườn điều với thời hạn phổ biến từ 6 đến 10 năm.

Cũng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bất kể giá điều năm sau tăng, giảm nhưng giá 1ha điều nếu cầm 1-2 năm giá 8-11 triệu/ha đồng tùy vị trí xa gần và nương có dốc hay bằng phẳng. Nếu từ 4 - 10 năm giá 1ha điều có thể lên 15 đến 50 triệu đồng/ha.

Thực trạng bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng tăng cao trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Có những vùng quê, cả làng không còn một thước đất cắm dùi như tổ 7, ấp Thuận Tân, xã Thuận Lợi huyện Đồng Phú. Cả tổ dân cư có 44 hộ thì có tới 40 hộ đã bán đất sản xuất dẫn đến nghèo đói...

Theo Dân Việt

Theo Dân Việt

Bạn có thể quan tâm