Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 8. Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã có những chia sẻ về ngành ngoại giao và các hoạt động của Đại sứ quán (ĐSQ).
Đoàn kết để "phát huy sức mạnh tổng hợp"
- Chủ đề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm nay là “Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”. Xin Đại sứ chia sẻ suy nghĩ của mình về chủ đề trên của Hội nghị.
- Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Tôi rất tâm đắc với chủ đề của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm nay. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.” (Văn kiện Đại hội Đảng XII).
Đây là trí tuệ, là quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, mà tất cả chúng ta là những “chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại” phải toàn tâm, toàn ý quán triệt và tích cực triển khai thực hiện.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường. Ảnh: Vietnamplus. |
Tôi cũng rất phấn khởi thấy rằng trong hơn 2 năm qua, ngành Ngoại giao chúng ta, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, tập thể Ban lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị trong và ngoài nước đã kế thừa tốt các truyền thống đáng tự hào của các thể hệ ngoại giao cha anh đi trước chúng ta, thể hiện đúng tinh thần “chủ động, sáng tạo và hiệu quả” trong việc thực hiện nghị quyết Đại hội XII, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Việc tổ chức hết sức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017 và việc xử lý hài hòa nhiều mâu thuẫn, phức tạp nảy sinh tại Hội nghị trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động là một minh chứng rõ nét cho tinh thần “chủ động, sáng tạo và hiệu quả” đó.
Nếu hỏi tôi có muốn bổ sung thêm yếu tố gì nữa góp phần vào những thành công chung đó thì tôi xin phép được bổ sung thêm hai chữ “đoàn kết” mà ngành chúng ta cũng đã làm rất tốt trong những năm qua.
Đoàn kết trong và ngoài nước, đoàn kết giữa ngành Ngoại giao với các bộ/ngành khác ở trong nước, đoàn kết giữa các thế hệ ngoại giao hiện nay và các thế hệ tiền bối của chúng ta, đoàn kết với các tỉnh, thành trong cả nước, rồi đoàn kết quốc tế… Có đoàn kết được như vậy, chúng ta mới “phát huy sức mạnh tổng hợp” như thời gian vừa qua để mà “chủ động, sáng tạo và hiệu quả” thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.
Chủ động tham mưu, tạo dựng quan hệ cấp cao, quảng bá hình ảnh Việt Nam
- Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trong nhiều năm qua luôn luôn là một trong những cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được xếp hạng xuất sắc, được nhận cờ thi đua của Bộ Ngoại giao, năm 2017 đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Xin Đại sứ cho biết Đại sứ quán đã thể hiện tinh thần “chủ động, sáng tạo và hiệu quả” của toàn ngành trong công việc của mình như thế nào?
- Đại sứ Nguyễn Quốc Cường: Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi xin chia sẻ thêm vài suy nghĩ cá nhân của một người đã có hơn 37 năm công tác trong ngành, đã từng làm việc ở các cương vị khác nhau ở trong nước và 4 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có hai cơ quan với tư cách là Đại sứ, trưởng CQDD là ở Mỹ (2011-2014) và Nhật Bản (2015 đến nay).
Tôi có một may mắn lớn đó là tại tất cả các đơn vị trong và ngoài nước tôi đã từng công tác, đơn vị nào cũng là đơn vị đoàn kết tốt, anh em đều biết nhường nhịn nhau, tất cả vì công việc chung. Tôi lại được làm việc dưới quyền và trực tiếp giúp việc nhiều “cây đa, cây đề” trong ngành, được trực tiếp học hỏi từ những bậc cha chú, đàn anh, đàn chị của mình, những người thực sự là vừa có “tâm”, vừa có “tầm” mà mình thực sự nể phục.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, một trong những điều tôi quan tâm đầu tiên khi sang nhận nhiệm vụ làm Đại sứ cả ở Mỹ cũng như ở Nhật Bản, đó là việc xây dựng, hoàn thiện các Quy chế làm việc với sự phân công phân nhiệm rõ ràng, sự phối hợp công tác nhịp nhàng giữa các bộ phận của Đại sứ quán, Quy chế chi tiêu nội bộ công khai, minh bạch, các nội quy sinh hoạt nội bộ, quản lý tài sản công rõ ràng, đồng thời quan tâm giải quyết các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của cán bộ nhân viên để cùng nhau xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh, toàn tâm toàn ý cho công việc.
Tôi muốn nhấn mạnh điều này trước hết vì đây là những điều kiện “cần” không thể thiếu để cơ quan đại diện có thể phát huy tốt sức mạnh tập thể khi triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đón Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono và đại sứ các nước ASEAN ở trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. |
Nói về công việc của ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản trong mấy năm qua theo tinh thần “chủ động, sáng tạo và hiệu quả” như bạn hỏi, tôi xin kể lại một số việc làm cụ thể:
Thứ nhất, Đại sứ quán đã chủ động trong công tác thông tin và tham mưu. Còn nhớ khi vụ Formosa mới xảy ra ở nước ta gây xôn xao dư luận, Đại sứ quán đã ngay lập tức chủ động tìm hiểu kinh nghiệm của Nhật Bản đã ứng phó với các sự cố ô nhiễm môi trường biển tương tự như ta trong những năm 1950, 1960 và từ đó Nhật Bản đã đề ra các quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn nước thải ra biển như thế nào để báo cáo tham khảo.
Hiện nay, khi cả thế giới đều nói đến cách mạng công nghiệp 4.0, Đại sứ quán đã sớm chủ động tìm hiểu về đánh giá của Nhật Bản về các tác động nhiều chiều của Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như Chiến lược Đầu tư cho tương lai nhằm tranh thủ cơ hội này.
Nhật Bản đã lên kế hoạch cụ thể và giao nhiệm vụ cho từng bộ/ngành nhằm xây dựng “Xã hội 5.0”, hay còn gọi là “xã hội siêu thông minh” trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, phân tích dữ liệu lớn và phát triển các công nghệ cốt lõi để tạo ra các giá trị và dịch vụ mới…
ĐSQ cũng đã nhận được những phản hồi tích cực về những loại báo cáo chuyên đề như vậy.
Thứ hai, Đại sứ quán đã chủ động tạo dựng và củng cố các quan hệ rộng rãi trong chính giới, chính quyền, học giả, doanh nhân, các tầng lớp xã hội khác nhau cả ở cấp trung ương và các địa phương của Nhật Bản, hình thành một mạng lưới đông đảo bạn bè, đối tác Nhật Bản quan tâm và ủng hộ Việt Nam.
Tôi chỉ đơn cử như việc thu xếp chương trình làm việc có hiệu quả cho các đoàn Việt Nam sang thăm Nhật Bản, nếu không có sẵn một mạng lưới bạn bè và đối tác lúc nào cũng sẵn lòng hỗ trợ mình thì khó mà hoàn thành được nhiệm vụ.
Trong bài phỏng vấn dịp đầu năm dành, tôi đã kể về việc tôi là Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản đã đi thăm tất cả 47 tỉnh, thành của bạn. Nếu không chủ động đề nghị mà cứ ngồi đợi người ta mời mới đi thăm thì chắc không thể đi được nhiều như vậy được.
Tất nhiên, để bảo đảm hiệu quả cho những chuyến đi thăm đó, ta phải đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể, cho nên nhiều khi đi thăm địa phương chỉ trong 1-2 ngày thôi cũng gặp đầy đủ với các lãnh đạo chính quyền, hội đồng tỉnh, rồi tổ chức các hội thảo dưới nhiều hình thức khác nhau với giới doanh nghiệp của từng tỉnh để giới thiệu về đất nước Việt Nam đang đổi mới và hội nhập, về các cơ hội hợp tác và đầu tư.
Do ta biết nhằm đúng “điểm rơi” là các địa phương Nhật Bản đang thực hiện chiến lược chấn hưng kinh tế, có nhu cầu mở rộng các cơ hội kinh doanh, đầu tư ra nước ngoài nên đi đến địa phương nào Đại sứ ta cũng được thu xếp đón tiếp chu đáo và được địa phương bố trí chương trình gặp gỡ theo đúng yêu cầu của mình.
Sau các chuyến thăm đó, ta lại tiếp tục giữ quan hệ, mời Thống đốc, lãnh đạo các tỉnh lên gặp gỡ trao đổi và giao lưu thân tình tại Đại sứ quán. Thống đốc của một số tỉnh đã nhận lời mời của Đại sứ ta và ngay sau đó đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp của tỉnh đi thăm Việt Nam như Thống đốc các tỉnh Mie, Aichi, Hokkaido, Kagoshima, Gunma, Saitama… và sắp tới là Chiba.
Một số nhân vật đã đi thăm một lần lại lên kế hoạch thăm Việt Nam hàng năm như Thống đốc tỉnh Kanagawa, Mie, Nagano lần sau lại mang theo nhiều doanh nghiệp của tỉnh đi cùng nhiều hơn lần trước. Cũng theo gợi ý của Đại sứ ta, một địa phương đã tiến hành lập mới nhóm liên minh nghị sĩ hay hội hữu nghị với Việt Nam như ở tỉnh Hokkaido, Gifu và Kagoshima.
Thứ ba là chủ động và sáng tạo trong các hình thức tuyên truyền, giới thiệu quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam, giới thiệu hoa quả và nông phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Một trong những “đặc sản” của ta ở Nhật Bản là các Lễ hội Việt Nam được tổ chức hàng năm ở Tokyo và nhiều địa phương khác nhau của Nhật Bản. Mỗi Lễ hội Việt Nam như vậy đã thu hút từ vài chục nghìn người đến vài trăm lượt người tham dự, thậm chí có năm Lễ hội Việt Nam tại tỉnh Kanagawa lên đến 400.000 lượt người, vượt quá mong đợi của cả ta và bạn.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trao thư cảm ơn tới thị trưởng thị trấn Komagane vào tháng 9/2017 về những hỗ trợ dành cho du học sinh Việt Nam. Ảnh: Vietnamplus. |
Nếu chỉ dựa vào nguồn kinh phí và nhân lực hạn chế của Đại sứ quán thì chắc không thể làm liên tục và hoành tráng như vậy được cho nên Đại sứ quán trong nhiều năm qua, kể cả từ thời các Đại sứ tiền nhiệm của tôi, đã chủ trương “xã hội hóa”, tìm kiếm sự hợp tác của các chính quyền địa phương hay các đối tác tổ chức chuyên nghiệp của bạn cùng làm với mình.
Ví dụ như tỉnh Kanagawa trong 3 năm qua, năm nào cũng tổ chức Lễ hội Việt Nam rất thành công. Khi có nhà báo hỏi tại sao lại là Việt Nam thì ông Thống đốc Kuroiwa trả thẳng là “làm theo gợi ý của Đại sứ Việt Nam”, trước là Đại sứ Hưng và tiếp nối là tôi. Thân nhau, quí nhau đến mức kết nghĩa làm anh em luôn.
Năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ hai nước, Thống đốc Kuroiwa đã quyết định tổ chức cả Lễ hội Việt Nam ở tỉnh (vào đầu tháng 9 này) và Lễ hội Kanagawa ở Hà Nội (tháng 11) và đã dành nguồn kinh phí gần 400.000 USD để tổ chức, trong đó kinh phí của Tỉnh là 200.000 USD và huy động từ các nguồn lực khác là 200.000 USD.
Rồi các chiến dịch quảng bá đưa xoài cát chu, thanh long và các nông sản và hàng hóa khác của Việt Nam vào các siêu thị của Nhật Bản. Hiện nay Thanh long Việt Nam đã chiếm vị trí số 1 trên thị trường Nhật Bản với sản lượng mỗi năm khoảng 1000 tấn, vượt xa ‘đối thủ’ đứng thứ hai là Mỹ khoảng 400 tấn, và thứ ba là Philippines với khoảng 60 tấn.
Thương vụ Đại sứ quán cũng chủ động tổ chức các Tuần hàng Việt Nam tại các siêu thị như AEON, hay trực tiếp đưa các đoàn doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, các nhà cung ứng hàng hóa cho các siêu thị của Nhật Bản sang Việt Nam đến tận các cơ sở trồng trọt, nông trang để khảo sát, đặt hàng và đưa ra các điều kiện yêu cầu xuất khẩu.
Thứ tư là công tác bảo hộ công dân. Với số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản tăng lên nhanh chóng từ hơn 50.000 người năm 2012, nay đã xấp xỉ 300.000 người, tức là tăng đến 6 lần trong vòng 6 năm, khối lượng công việc liên quan đến bảo hộ công dân ta cũng tăng lên rất nhiều.
Đại sứ quán đã chủ động phối hợp với 2 Tổng Lãnh sự quán ở Osaka và Fukuoka thống nhất chủ trương và các biện pháp cùng triển khai đồng bộ. Đại sứ quán cũng đã hướng dẫn và hỗ trợ để củng cố tổ chức các hội đoàn người Việt ta ở Nhật như Hội người Việt Nam, Hội doanh nhân, Hội thanh niên-sinh viên, Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản cũng như các chi hội người Việt tại các vùng, các địa phương khác nhau cùng chung tay hỗ trợ và phát triển cộng đồng.
Đại sứ quán cũng lên kế hoạch lập cơ sở dữ liệu về cộng đồng người Việt Nam tại Nhật, lên danh sách các đầu mối người Việt tại tất cả các địa phương Nhật Bản để kịp thời thông báo cho cộng đồng những chủ trương, chính sách liên quan của Đảng và Nhà nước ta tới Cộng đồng, cũng như mỗi khi có chuyện xảy ra như thiên tai, động đất thì ta có thể nắm bắt ngay được tình hình cộng đồng và có các phương hướng xử lý phù hợp.
Có lẽ sẽ còn rất nhiều câu chuyện như vậy trong công tác của Đại sứ quán cũng như hai Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở Nhật Bản theo hướng “chủ động, sáng tạo và hiệu quả” nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình và phát triển, nâng cao vị thế của đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.