Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Đại sứ Pháp: 'Hà Nội đẹp như Paris, càng xanh càng quyến rũ'

Nhân ngày Quốc khánh Pháp, Zing phỏng vấn độc quyền Đại sứ Bertrand Lortholary về mối quan hệ Việt - Pháp và tương lai của nước Pháp sau cuộc bầu cử vừa qua.

Ha Noi dep nhu Paris,  cang xanh cang quyen ru anh 1

- Sau 9 tháng đảm nhiệm cương vị Đại sứ tại Việt Nam, ông nghĩ như thế nào về cuộc sống và công việc ở đây?

Tôi từng làm việc tại một số nước châu Á, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Trước khi đến Hà Nội và tận hưởng cuộc sống mới tại đây, tôi cảm thấy rất hứng khởi. 

Người Pháp nói về đất nước của các bạn trong hàng thập kỷ qua: Cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng, con người thân thiện… Đó là những gì tôi hình dung về công việc và cuộc sống mới khi tôi đặt chân đến Hà Nội 9 tháng trước.

Sau 9 tháng, mọi thứ ở đây còn vượt trên kỳ vọng của tôi: Cuộc sống, việc phát triển mối quan hệ Việt - Pháp, những người bạn…, mọi thứ đều rất tuyệt.

Ha Noi dep nhu Paris,  cang xanh cang quyen ru anh 2

- Khi nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái, ông nhấn mạnh hợp tác kinh tế song phương là ưu tiên số một. Ông đánh giá thế nào về những thành quả hai nước đạt được trên lĩnh vực kinh tế trong thời gian qua?

Kinh tế chính là ưu tiên hàng đầu của tôi. Đó không chỉ là nhu cầu của Pháp mà của cả hai phía, trong đó có các lãnh đạo cấp cao. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Francois Hollande hồi năm ngoái, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác kinh tế. 

Kể từ đó đến nay, chúng tôi đạt được một số thành tựu đáng chú ý. Một trong những dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất là dự án tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, được ký kết hồi đầu năm. Hợp đồng gói thầu này có giá trị tương đương hơn 7.667 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp Pháp cũng đang mở nhà máy tại Việt Nam. Mới đây, công ty Bel sản xuất phô mai đã mở nhà máy gần TP.HCM.

Chúng tôi hợp tác và đầu tư thương mại thông qua những dự án quy mô lớn. Đồng thời, trong nửa cuối năm nay, Pháp sẽ triển khai một số dự án nhỏ liên quan tới việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Chúng tôi sẽ tham gia Triển lãm Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2017 (Vietnam Foodexpo) với tư cách là quốc gia danh dự vào tháng 11 tới tại TP.HCM. Pháp mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế với Việt Nam.

- Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian thăm Việt Nam và khẳng định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Pháp tiếp tục hợp tác hiệu quả với Việt Nam. Quá trình hợp tác này đã và đang diễn ra như thế nào?

Pháp đã hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng với Việt Nam trong nhiều năm qua. Hai nước phối hợp trong một số vấn đề, trong đó có đào tạo binh sĩ Việt Nam tại Pháp. Hiện tại, chúng tôi tập trung hợp tác quân y, đào tạo y bác sĩ phục vụ quân đội Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam và Pháp cũng kết hợp trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Việt Nam mong muốn tham gia tích cực hơn vào hoạt động này, vì vậy Pháp sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác.

Với những gì đã có, chúng tôi muốn tăng cường hợp tác về trang thiết bị quân sự với Việt Nam. Hai nước vẫn đang thảo luận, đàm phán về tiến trình này. Pháp là đối tác cung cấp thiết bị quân sự lớn của một số nước ASEAN như Singapore và Malaysia. Tôi nghĩ với mối quan hệ song phương Pháp - Việt, việc hợp tác trong lĩnh vực này là hoàn toàn hợp lý.

Hợp tác quốc phòng là một trong những vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước, chắc chắn các bạn sẽ nhìn thấy thành quả của sự hợp tác này trong thời gian tới.

Ha Noi dep nhu Paris,  cang xanh cang quyen ru anh 3

- Liệu tàu chiến Pháp có kế hoạch ghé cảng Việt Nam trong thời gian tới?

Chúng tôi đã làm điều này trong nhiều năm. Năm 2016 và 2017, tàu chiến của Hải quân Pháp đã tới Biển Đông và cập cảng Việt Nam. Gần đây, tàu đổ bộ tấn công Mistral đã đến TP.HCM, đánh dấu khoảng thời gian dừng chân lâu nhất của con tàu trong hành trình vừa qua. Hoạt động này rất quan trọng và Pháp sẽ tiếp tục triển khai.

Quan điểm của chúng tôi về vấn đề Biển Đông rất rõ ràng. Chúng tôi không can thiệp vào quá trình đàm phán hay thảo luận về vấn đề chủ quyền của các bên có liên quan.

Pháp có lợi ích chiến lược trong việc đảm bảo tự do hàng hải và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Tàu thuyền Pháp sẽ tiếp tục qua lại trong vùng biển quốc tế theo nhu cầu thực tế.

Ha Noi dep nhu Paris,  cang xanh cang quyen ru anh 4

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng dẫn lời doanh nhân Bạch Thái Bưởi với mong muốn làm Hà Nội đẹp như thủ đô Paris của Pháp. Ông nghĩ Hà Nội cần làm gì để đẹp như Paris?

Câu nói đó hàm ý rằng Paris đẹp hơn Hà Nội. Tôi không nghĩ như vậy. Cả hai thành phố đều rất đặc biệt và đẹp như nhau. Chúng đều có lịch sử lâu đời với sức cuốn hút riêng.

Tôi từng đến nhiều nơi ở châu Á, nhiều thành phố hiện đại, sôi động nhưng đôi khi chúng thiếu sự thu hút. Hà Nội là một thành phố rất riêng. Các bạn cần duy trì bản sắc ấy làm nền tảng cho sự phát triển. Kiến trúc, cảnh quan, sông hồ, cây xanh..., đó là nét đặc trưng của Hà Nội. Tôi không đưa ra lời khuyên nhưng tôi nghĩ rằng Hà Nội càng xanh, càng quyến rũ.

Đại sứ Pháp chia sẻ ấn tượng về Hà Nội Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary khẳng định Hà Nội là thành phố mang vẻ đẹp lôi cuốn và độc đáo.

- Như vậy cảnh quan, cây xanh là vấn đề duy nhất Hà Nội cần quan tâm?

Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất không phải là vì vẻ đẹp của thành phố mà còn là sự thịnh vượng của người dân. Hà Nội là thành phố đông đúc và đang gặp thách thức do tắc đường, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi nghĩ thành phố cần giải quyết vấn nạn tắc đường để cải thiện cuộc sống của người dân và giảm thời gian di chuyển của họ.

Bên cạnh đó là vấn đề sức khỏe. Chất lượng không khí của Hà Nội là vấn đề chúng tôi đang hợp tác giải quyết cùng Việt Nam. AirParis, cơ quan có trách nhiệm giám sát chất lượng không khí tại Paris, đang phối hợp với Hà Nội trong vấn đề này.

Ha Noi dep nhu Paris,  cang xanh cang quyen ru anh 5

- Pháp là điểm đến ưa thích của du học sinh Việt Nam. Sinh viên Việt Nam cũng là cộng đồng sinh viên châu Á lớn thứ 2 tại Pháp. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã và đang làm gì để thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa hai nước?

- Số sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp là 7.000 người. Nhưng chúng tôi muốn nhiều hơn thế. Pháp sẽ nâng cao chất lượng các chương trình học để thu hút sinh viên Việt Nam.

Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức Ngày hội Giáo dục Đại học Pháp với tên gọi "Chào mừng các bạn đến với nước Pháp". Sự kiện diễn ra tại cả Hà Nội và TP.HCM. Năm ngoái, 45 trường đại học lớn của Pháp đã tham gia. Con số này sẽ tăng trong năm 2017.

Tôi muốn sinh viên Việt Nam biết rằng họ không cần phải giỏi tiếng Pháp để theo học ở Pháp. 10 năm trở lại đây, nhiều trường đại học tại Pháp triển khai các khóa giảng dạy bằng tiếng Anh. Chúng tôi muốn thu hút những du học sinh xuất sắc nhất, bất kể họ nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, đến học tại Pháp.

Ha Noi dep nhu Paris,  cang xanh cang quyen ru anh 6

- Với sự lan rộng của chủ nghĩa dân túy, liệu chính sách của Pháp đối với du học sinh Việt Nam cũng như du học sinh nước ngoài sẽ thay đổi?

- Chính sách với sinh viên quốc tế là chủ đề nóng trong thời gian qua. Các cuộc bầu cử tại châu Âu cho thấy khu vực này không ủng hộ chủ nghĩa dân túy. Người Pháp đã bầu cho Tổng thống Emmanuel Macron và chúng tôi cam kết nước Pháp sẽ luôn cởi mở, thân thiện. Vì thế tôi khẳng định rằng Pháp sẽ tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa các sinh viên trẻ và xuất sắc của Việt Nam.

Ha Noi dep nhu Paris,  cang xanh cang quyen ru anh 7

- Pháp đã có tổng thống và quốc hội mới. Ông Macron cùng đảng Nền Cộng hòa Tiến bước đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

- Người Pháp quyết định mở ra một chương mới trong lịch sử chính trị bởi Tổng thống Macron, như bạn biết, là một người rất trẻ. Ông ấy mới hoạt động chính trị trong một vài năm gần đây.

Điều này có nghĩa Pháp lựa chọn đổi mới triệt để. Đây là dấu hiệu cho thấy sự lạc quan và năng động của xã hội Pháp. Tổng thống Macron có kế hoạch cải cách tham vọng và đó là lý do ông ấy được bầu. Vì vậy tôi tin rằng sẽ có những thay đổi lớn tại Pháp trong vài năm tới.

Nước Pháp luôn là một phần của châu Âu cũng như Liên minh châu Âu (EU). Chúng tôi đã bầu ra một tổng thống ủng hộ EU, luôn coi EU là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Ha Noi dep nhu Paris,  cang xanh cang quyen ru anh 8

- Những thách thức hiện tại của EU là gì?

- Tôi không dùng chữ “thách thức”. Sau khoảng thời gian tràn đầy thách thức do cuộc khủng hoảng kinh tế và những vấn đề liên quan tới nhập cư, EU đang hướng tới tương lai. "Thách thức" có thể là từ đúng với bối cảnh của 1-2 năm trước, hiện tại, tôi sẽ dùng chữ “cơ hội”.

EU và Việt Nam đã ký kết thỏa thuận tự do thương mại (EVFTA). Tôi hy vọng nó sẽ được thông qua sớm và có hiệu lực trong năm tới. Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu rộng lớn, hàng hóa từ các nước EU cũng sẽ đến với thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam. Chúng tôi mong muốn đưa EU và Việt Nam xích lại gần nhau hơn.


Thế Long - Duy Anh

Ảnh: Việt Hùng - Châu Châu

Bạn có thể quan tâm