Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Qatar từ 30/10 đến 1/11. Ảnh: TTXVN. |
Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Qatar trong các ngày từ 30/10 đến 1/11, Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Huy Hiệp đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi về ý nghĩa chuyến thăm, các thế mạnh trong lĩnh vực hợp tác cũng như cách thức tăng cường quan hệ song phương.
- Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm Qatar lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính? Các hoạt động và nội dung làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại Qatar sẽ có những điểm nổi bật nào?
Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp: Chuyến thăm mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Qatar sau 15 năm (từ năm 2009) và 12 năm sau chuyến thăm cấp cao của Quốc vương Qatar tới Việt Nam (năm 2012). Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lựa chọn Qatar là điểm đến trong chuyến thăm Vùng Vịnh lần này là sự cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và tích cực thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025.”
Chuyến thăm lần này cho thấy Việt Nam đánh giá cao tiềm lực và vai trò của Qatar tại khu vực Trung Đông và trong thế giới Arập, coi trọng quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Qatar và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Qatar đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
Chuyến thăm Qatar của Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt trọng tâm vào việc tăng cường hợp tác toàn diện và sâu rộng với Qatar trên các lĩnh vực, thông qua việc đánh giá đúng tiềm năng và vị thế của Qatar hiện nay, tranh thủ một cách hiệu quả vai trò của Hoàng gia Qatar và tận dụng các cơ hội hợp tác đang nổi lên giữa hai nước.
Chuyến thăm được kỳ vọng góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước; tạo động lực, mở ra giai đoạn hợp tác mới trong quan hệ song phương, đặc biệt là thu hút đầu tư từ Qatar vào Việt Nam và tạo đột phá cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường Qatar và khu vực.
Lãnh đạo hai nước dự kiến sẽ trao đổi các biện pháp về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, năng lượng, hàng không, nông nghiệp, công nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực...; đồng thời, trao đổi các biện pháp và hình thức để đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục, du lịch, văn hóa, nghệ thuật, thể thao...
Với ý nghĩa đó, trong chuyến thăm này, ngoài hội đàm với Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có các cuộc gặp, làm việc với các lãnh đạo cấp cao Qatar, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành phụ trách kinh tế và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Qatar.
- Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Qatar, đặc biệt là những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh? Những lĩnh vực nào sẽ là trọng tâm trong hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp: Việt Nam và Qatar đang có nhiều cơ hội, tiềm năng và lợi ích trong tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương vì sự thịnh vượng của người dân hai nước và vì hòa bình, ổn định và phát triển ở mỗi khu vực. Tôi cho rằng Việt Nam và Qatar hiện nay có thể tập trung vào làm sâu sắc quan hệ song phương ở một số lĩnh vực mũi nhọn sau:
Thứ nhất, năng lượng và năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực chủ chốt. Với nguồn tài nguyên dầu khí phong phú, tiềm lực tài chính và công nghệ, Qatar có thể hợp tác cùng Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ và phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Hành khách của chuyến bay khai trương đường bay Doha-Đà Nẵng ngày 19/12/2018. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN. |
Thứ hai, lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia cũng có nhiều tiềm năng để thúc đẩy trong thời gian tới. Việt Nam với nền kinh tế phát triển nhanh chóng, môi trường đầu tư hấp dẫn, cùng với các chính sách mở cửa, có thể là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư Qatar trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Việt Nam hiện nằm trong top 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, top 20 quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) liên quan đến 60 nền kinh tế lớn trong khu vực và thế giới, là điểm đến đầu tư được ưa thích hàng đầu trong số các nước mới nổi và đang phát triển ở châu Á. Việt Nam đã sẵn sàng và có đầy đủ tiềm năng để trở thành đối tác quan trọng của Qatar.
Thứ ba, Halal cũng là một hướng hợp tác tiềm năng. Hai nước đều đang có mục tiêu xây dựng ngành Halal trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế quốc gia với việc Việt Nam đã ban hành chiến lược về tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030 trong khi Qatar cũng ban hành chương trình Sinh kế Halal nhằm đưa Qatar trở thành trung tâm về công nghiệp Halal trên toàn cầu trong thời gian tới.
Thứ tư là lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu. Việt Nam và Qatar có thể tổ chức các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên và giảng viên, hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ để nâng cao trình độ và năng lực cạnh tranh của cả hai bên.
Thứ năm là hợp tác du lịch và văn hóa. Hai nước có sự đa dạng về văn hóa và đều rất quan tâm đến phát triển văn hóa. Việt Nam và Qatar có thể tổ chức các sự kiện giao lưu, xúc tiến du lịch để tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa hai dân tộc.
- Thưa Đại sứ, đâu là khó khăn, thuận lợi và cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa hàng hóa vào thị trường Qatar? Hai nước cần thúc đẩy các cơ chế hợp tác cụ thể nào để có thể tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại song phương?
Đại sứ Nguyễn Huy Hiệp: Qatar có thị trường hàng hóa sôi động, phát triển nhanh chóng, đồng thời là cửa ngõ kết nối đến các thị trường tiêu thụ hàng hóa khác trong khu vực. Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng phía Qatar có nhu cầu như nông sản, thực phẩm, sản phẩm chế biến; linh kiện điện tử, hàng dệt may, giày dép; các loại máy móc... Nhìn chung, trong thời gian tới, Qatar vẫn có sẽ nhu cầu cao với các mặt hàng này và các doanh nghiệp Việt Nam có thể thúc đẩy tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Một thuận lợi khác là về chính sách. Hiện nay lãnh đạo cấp cao của hai nước đã và đang dành nhiều sự quan tâm tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại, cam kết mở cửa thị trường và tạo điều kiện cho hàng hóa của mỗi bên tiếp cận thị trường còn lại. Đó là nền tảng quan trọng, mở đường cho các chính sách thuận lợi và thông thoáng hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam cũng như Qatar có thể kết nối đối tác và tiến hành các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại mỗi nước.
Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng phía Qatar có nhu cầu như nông sản, thực phẩm, sản phẩm chế biến; linh kiện điện tử, hàng dệt may, giày dép... Ảnh: Trần Việt/TTXVN. |
Thị trường Qatar có những nét tương đồng với các thị trường Vùng Vịnh khác, trong đó có các quy định về tiêu chuẩn Halal đối với thực phẩm chế biến. Tuy nhiên, thị trường Qatar cũng có những đặc thù về quy mô, thành phần dân cư, khẩu vị tiêu dùng, từ đó tạo ra những khó khăn nhất định cho Việt Nam. Dân số Qatar nhỏ, trong đó 85% là người nhập cư, chủ yếu từ Nam Á.
Do vậy, hàng hóa của Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nước có cơ cấu xuất khẩu tương đồng và đã có chỗ đứng vững chắc tại đây, nổi bật là các nước Syria, Liban, Iran, Oman, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Thái Lan...
Trong bối cảnh này, ngoài chất lượng, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc thêm các yếu tố về giá cả, sự đa dạng khẩu vị, mẫu mã... để tạo tính cạnh tranh. Đại sứ quán khuyến khích các doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường, trực tiếp đánh giá khẩu vị và xu hướng tiêu dùng sở tại để có chiến lược phù hợp.
Hiện nay, hai nước vẫn duy trì và thúc đẩy các cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế, Thương mại và Kỹ thuật. Ngoài ra, hai nước cũng đang nghiên cứu, xem xét các cơ chế hợp tác cụ thể hơn đối với từng lĩnh vực quan tâm như lao động, thương mại, đầu tư..., và với từng đối tác Qatar, cả khu vực công và tư.
Đại sứ quán tin tưởng rằng các cơ chế hợp tác mới được hai nước thúc đẩy sẽ góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng, thực chất hơn nữa trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ.
Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và Đột phá
Cuốn sách Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và Đột phá của Thủ tướng, Phó Giáo sư Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng, khái quát bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam từ khi giành được độc lập tới cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Qua đó, giúp bạn đọc hiểu tường tận về một giai đoạn thăng trầm và đột phá của kinh tế nước nhà. Cuốn sách là kết quả của sự đầu tư nghiêm túc với lượng thông tin phong phú, được sưu tầm, tuyển chọn và tính toán từ nhiều nguồn trong nước và nước ngoài trong khoảng thời gian dài.