William Taylor, nhà ngoại giao dày dạn, đã ra điều trần kín ngày 22/10 trước các ủy ban Hạ viện đang điều tra luận tội Tổng thống Trump. Ông được báo giới kỳ vọng lớn vì chính là người đã phản ứng lại việc Mỹ treo viện trợ cho Ukraine, thể hiện ở tin nhắn của ông. Ông đã không làm họ thất vọng.
Hãng tin AP còn ví lời khai của ông Taylor, quyền Đại sứ Mỹ tại Ukraine từ tháng 6/2019, là “phim giật gân”, nhưng thay vì dao hay súng, “bộ phim” của ông xoay quanh các tin nhắn điện thoại và các ghi chép - rất nhiều ghi chép. Lời khai của ông rõ ràng từng chi tiết - tên, ngày tháng, nơi chốn, các phát ngôn chính thức, cả những thông lệ ngoại giao - vốn không phải những thứ có tính giải trí.
Nhưng trong cuộc điều tra luận tội nhắm vào vị tổng thống quyền lực nhất thế giới, mọi chi tiết đều không bị báo giới bỏ qua. Phiên điều trần kịch tính bắt đầu với việc ông khai là đã nhận được hai lời khuyên trái ngược về việc có nên phản bác lại chính quyền hay không, ngay khi ông bắt đầu có những nghi ngờ.
Vợ ông nói không nên. Còn người mentor của ông, tức người đi trước, chuyên cho ông lời khuyên trong sự nghiệp, thì nói ông nên làm vậy. Ông đã nghe theo lời khuyên này.
Vì vậy, không lâu sau, ông Taylor phát hiện “một loạt các sự việc khó hiểu và đáng báo động” - ông nói trong tuyên bố mở đầu phiên điều trần.
Ông William Taylor được cảnh sát hộ tống khi tới Điện Capital để ra làm chứng trước các ủy ban Hạ viện đang điều tra luận tội Tổng thống Trump ngày 22/10. Ảnh: AP. |
Lời khai của ông Taylor sau đó hé lộ nhiều về nghi vấn ông Trump yêu cầu Ukraine điều tra đối thủ chính trị. Câu chuyện của ông Taylor đã phản bác lại một cách chi tiết các biện minh của Nhà Trắng, nói rằng yêu cầu của ông Trump là khá bình thường, không đáng luận tội.
Ông Taylor đã ghi lại chi tiết các trao đổi, khiến ông Trump khó bào chữa hơn, dù tổng thống luôn khẳng định không có quid pro quo (đề nghị đổi chác) nào giữa việc viện trợ quân sự cho Ukraine và yêu cầu Ukraine điều tra đối thủ Joe Biden.
Cuộc điều trần được chờ đón
“Kể từ khi thấy những tin nhắn của ông Taylor, mọi người đã chờ đợi nghe lời khai của ông”, Aaron Blake từ báo Washington Post bình luận. “Ông là người nghi ngờ nhất về việc viện trợ quân sự đã bị treo để chiến dịch của ông Trump đòi hỏi một lợi thế chính trị”.
Ông Taylor khai rằng ông đã thấy khó hiểu, khi thấy ông Trump có vẻ không giữ lời hứa mời tổng thống mới của Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, tới thăm Nhà Trắng, theo AP.
Tổng thống Trump trong buổi họp nội các ở Nhà Trắng ngày 21/10. Ảnh: AP. |
Các nhà ngoại giao Mỹ nói với ông Taylor rằng ông Trump cần phải “nghe thêm” từ Zelenskiy trước khi lên lịch gặp, và ông Zelenskiy không được chặn “cuộc điều tra”.
Sau đó, ông Gordon Sondland, một đồng minh của ông Trump và là đại sứ Mỹ ở Liên minh châu Âu (EU), “muốn đảm bảo rằng không ai ghi chép lại hoặc nghe” cuộc điện ngày 28/6 giữa một số nhà ngoại giao và ông Zelenskiy - ông Taylor khai như vậy. Bản thân ông đó là “một điều lạ”.
Không lâu sau, ông Taylor nhận ra đang có điều kiện đặt ra đối với tổng thống Ukraine: nếu ông muốn có chuyến thăm Nhà Trắng, thì phải đồng ý điều tra phía đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ 2016, và điều tra một công ty Ukraine mà con trai ông Joe Biden trong ban lãnh đạo.
“Rõ ràng là điều này là kết quả của một kênh trao đổi ngầm nào đó, mà tôi phát hiện ra là do ông Giuliani dẫn dắt”, ông Taylor khai. Ông nhắc đến Rudy Giuliani, cựu thị trưởng thành phố New York và giờ là luật sư riêng của ông Trump, nhưng lại dính dáng sâu vào vụ bê bối Ukraine.
Việc có hai kênh trao đổi với Ukraine là rất bất thường, theo AP.
Sau đó, ông Taylor còn thấy kỳ lạ hơn, khi gần cuối cuộc gọi video ngày 18/7 với các quan chức an ninh quốc gia ở Washington, một giọng nói không rõ danh tính tuyên bố rằng Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) sẽ không chấp thuận thêm viện trợ quân sự cho Ukraine “cho tới khi có thông báo thêm”.
Ông Taylor không biết giọng nói này của ai, vì trong cuộc họp video, có những người tham gia họp có cả hình và tiếng, nhưng cũng có những người chỉ quay số gọi tới, nên không có hình.
“Tôi và một số người khác ngồi đó kinh ngạc”, ông Taylor nói.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff của bang California phát biểu trước báo giới sau cuộc điều trần kín đối với Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland ngày 17/10. Ảnh: AP. |
Từ đó, ông phải tự mình lục lại nhiều cuộc trao đổi, tin nhắn, điện ngoại giao, và trao đổi với các mối quen biết để tìm hiểu tại sao.
Đối với ông, việc treo viện trợ quân sự cho Ukraine không chỉ là một vấn đề chính sách xa xôi như trong tâm trí của nhiều người Mỹ. Ông chứng kiến tận mắt các lực lượng vũ trang đầy thù địch do Nga dẫn dắt đang chống Ukraine.
“Sẽ có thêm nhiều người Ukraine thiệt mạng nếu Mỹ không viện trợ”, quyền đại sứ Mỹ tại Ukraine cho biết.
Ông cảm thấy bất bình đến mức xin gặp riêng cố vấn an ninh quốc gia John Bolton khi ông tới thăm Kyev cuối tháng 8.
Ông Bolton khuyên ông Taylor: gửi điện tới Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu lo ngại. Ông Taylor đã làm vậy, nhưng không nhận được phản hồi cụ thể.
Và ông Taylor không giải thích nổi cho phía Ukraine vì sao họ không nhận được viện trợ.
Thời gian cũng sắp hết, vì nếu viện trợ không được thông qua trước 30/9, ngày cuối cùng của năm tài khóa chính phủ Mỹ, thì khoản viện trợ cũng biến mất.
Các mảnh ghép dần hiện rõ
Cho đến lúc này, ông Taylor vẫn không nghĩ việc viện trợ quân sự bị treo có liên quan tới việc yêu cầu Ukraine điều tra đảng Dân chủ.
Nhưng đầu tháng 9, các mảnh ghép bắt đầu hiện rõ đối với ông Taylor. Việc Ukraine điều tra đảng Dân chủ không chỉ là điều kiện để tổng thống Ukraine tới thăm Nhà Trắng, mà còn là điều kiện cho viện trợ quân sự.
Ông William Taylor rời phiên điều trần kín trước cuộc điều tra luận tội của Hạ viện ngày 22/10. Ảnh: AP |
Ông Sondland cũng nói với ông Taylor rằng nếu ông Zelenskiy không công khai cuộc điều tra, thì sẽ “bế tắc”. Ông Taylor đoán rằng “bế tắc” ở đây là việc treo viện trợ.
Với bức xúc của mình, ông Taylor nhắn tin cho ông Sondland, đại sứ Mỹ tại EU: “Tôi nghĩ thật là điên nếu treo viện trợ quân sự để đòi hỏi ủng hộ một chiến dịch chính trị”, ông nhắn cho ông Sondland.
Theo Aaron Blake của báo Washington Post, tuần trước, ngày 17/10, ông Sondland đã khai rằng ông không biết về yêu cầu điều tra gia đình nhà Biden.
Nhưng ông Taylor ngày 22/10 lại khai rằng chính ông Sondland là người truyền đạt yêu cầu điều tra công ty Burisma cho bên phía Ukriane - chính là công ty mà con trai ông Biden ngồi trong bàn lãnh đạo.
Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland ra làm chứng trước cuộc điều tra luận tội của Hạ viện ngày 17/10. Ảnh: AP. |
Phải mất 5 tiếng ông Sondland mới trả lời tin nhắn của ông Taylor, và ông Sondland được cho là đã kịp trao đổi với Tổng thống Trump. Tin nhắn viết “Tổng thống đã nói rõ là không có đổi trác nào”.
Ông Taylor không bằng lòng với lời giải thích. Nhưng cuối cùng đến ngày 11/9, ông nghe tin khoản viện trợ không bị treo nữa.
Ông gọi lời khai của mình là “câu chuyện khó nghe về người tố giác, về ông Giuliani, các kênh trao đổi bí mật, sự đổi trác, tham nhũng và can thiệp bầu cử”.
Đảng Dân chủ đón nhận lời khai của ông một cách đầy hứng thú. Hạ nghị sĩ Dân chủ Raja Krishnamoorthi của bang Illinois mô tả ông Taylor “như một nhân chứng đóng phim”.
Trong khi đó, Nhà Trắng bác bỏ lời khai của ông Taylor, coi đó là chiến dịch bôi nhọ của các nghị sĩ cánh tả.