Dòng sản phẩm iPhone 13 chính hãng được bán ra từ ngày 22/10. Tuy nhiên sau gần nửa tháng, tình trạng khan hàng vẫn chưa được giải quyết. Theo chia sẻ của các đại lý, Apple giao hàng trễ và lượng máy chỉ đạt khoảng 20% so với dự kiến.
Đến nay, các model bán chạy như iPhone 13, iPhone 13 Pro Max tại một số nhà bán lẻ vẫn chưa trả đủ khách hàng đặt trước.
Lô hàng iPhone 13 giao trong tháng 11 bị chia nhỏ
Theo các đại lý chính hãng, lượng hàng iPhone 13 (tất cả phiên bản) giao trong tháng 11 dự kiến sẽ cao hơn 15-20% so với tháng trước. Do đó, một số cửa hàng bắt đầu chương trình giảm giá những model bán chậm và cho khách mua trực tiếp, không cần đặt trước.
Tuy vậy, lượng máy iPhone 13 được giao trong tuần đầu tháng 11 thấp hơn nhiều so với dự kiến, các hệ thống rơi vào tình trạng thiếu hàng. Một đại lý ủy quyền lớn tại Hà Nội cho biết tình trạng khan hiếm iPhone 13 đã trở lại vì nhà phân phối giao hàng theo nhiều đợt thay vì một lô lớn.
Lượng hàng iPhone 13 (mini, Pro, Pro Max) cung cấp cho đại lý bị chia nhỏ thành nhiều đợt. Ảnh: Getty. |
“Theo dự kiến, lượng hàng về trong tháng 11 sẽ nhiều hơn 15-20% so với tháng 10. Đặc biệt, tỷ trọng model iPhone 13 Pro Max 128 GB sẽ lớn hơn, chiếm đến 50% lô hàng. Tuy nhiên, lượng máy chỉ được bổ sung chủ yếu sau 15/11. Số máy về nửa đầu tháng 11 chỉ đạt 30% dự kiến, gây ra tình trạng khan hàng ở các model iPhone 13 Pro/Pro Max”, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện nhà bán lẻ CellphoneS chia sẻ.
Tương tự CellphoneS, tình trạng thiếu hàng cũng được ghi nhận tại các hệ thống lớn như ShopDunk, Hoàng Hà Mobile, Minh Tuấn Mobile. “Theo lịch dự kiến, khoảng ngày 3-5/11 sẽ có một đợt hàng về. Tuy nhiên, thực tế lượng máy rất ít, không đủ trả cho khách đặt cọc, chỉ đạt 20% so với dự kiến”, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện ShopDunk trả lời Zing.
Theo ông Tuấn Anh, đợt hàng tiếp theo của Apple sẽ cập bến đại lý vào tuần sau nhưng lượng máy vẫn chưa đủ đáp ứng. Nhà bán lẻ dự kiến đến đầu tháng 12 tình trạng thiếu hàng mới được giải quyết.
Bà Hoàng Tâm, đại diện Hoàng Hà Mobile cho biết lô hàng iPhone 13 về hệ thống đang bị trễ 3-5 ngày. Đồng thời, đại lý này phải gọi điện đến các khách hàng đặt trước iPhone 13 Pro/ Pro Max 128 GB màu xanh để đề xuất đổi màu, đổi phiên bản vì thiếu hàng.
Tại Minh Tuấn Mobile, ngoài nhiều model iPhone 13 VN/A đã có thể mua bình thường, một số mẫu vẫn trong tình trạng cháy hàng đến khoảng một tháng nữa.
Apple bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng chip toàn cầu
Theo các đại lý, việc thiếu hàng kéo dài do nhu cầu của thị trường tăng cao, trong khi Apple phải cắt giảm sản xuất ở quý III. “Năm nay thị trường Việt Nam có nét đổi mới, khi phần lớn iPhone bán ra đều là máy chính hãng. Điều đó khiến cho thời gian để đáp ứng được lượng đặt trước của khách kéo dài”, ông Nguyễn Lạc Huy cho biết.
Ngoài ra, tỷ lệ máy phân bố không đều dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ ở một số model. “Có đợt hàng về chỉ có máy iPhone 13 Pro Max 128 GB, thiếu bản 256 GB. Trong khi đó, iPhone 13 lại nhiều màu Starlight, ít máy hồng”, ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Khủng hoảng chip bán dẫn ảnh hưởng đến việc sản xuất iPhone 13. Ảnh: Getty. |
Theo Nikkei, Apple đã cắt giảm mạnh lượng iPad được sản xuất để phân bổ nhiều linh kiện hơn cho iPhone 13. Hành động này cho thấy dấu hiệu của cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đang ảnh hưởng đến Táo khuyết nhiều hơn dự kiến.
Theo Bloomberg, Apple dự kiến phải giảm số lượng iPhone sản xuất 10 triệu máy vì tình trạng thiếu chip từ đối tác. Hiện tại, trạng thái ở cửa hàng Apple Store nhiều nước được đặt là "không sẵn hàng". Các đối tác là nhà mạng của Táo khuyết cũng chưa có hàng để giao.
CEO Tim Cook cho biết doanh thu của Táo khuyết trong quý III thấp hơn 6 tỷ USD so với dự kiến do khủng hoảng thiếu chip toàn cầu. Ông dự đoán tác động của việc khan hiếm linh kiện sẽ nghiêm trọng hơn trong những tháng cuối năm.
Ông Tuấn Anh cho biết trong cuộc họp gần đây với các đại lý ở Việt Nam, Apple đã thông báo về tình trạng khan hàng. Nguyên nhân do nguồn cung linh kiện lắp ráp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có các nhà máy tại Việt Nam.
Theo nguồn tin giấu tên, Apple giảm lượng máy cung cấp cho khu vực Đông Nam Á 40%, riêng Việt Nam mất khoảng 10%. Bên cạnh đó, lượng hàng xách tay được nhập cũng chỉ bằng 10% các năm trước, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng trong trong nước.