Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đại lễ Vesak đã vượt trên một lễ hội văn hóa tôn giáo thông thường'

Sáng 12/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu tại đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2019. Sự kiện lần thứ 3 tổ chức tại Việt Nam quy tụ gần 3.000 đại biểu các nước.

Khai mạc đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2019 Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2019 khai mạc sáng 12/5 tại chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) và kéo dài tới ngày 14/5.

Sáng 12/5, Đại lễ Vesak 2019 chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc tế chùa Tam Chúc (Hà Nam). Phiên khai mạc có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nguyên thủ một số nước.

Phát biểu tại Đại lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc đã vượt trên một lễ hội văn hóa tôn giáo thông thường, là nền tảng cho việc thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc. "Đây là cơ hội cho Phật tử thể hiện sâu sắc niềm tin đồng thời phát huy tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình", Thủ tướng nhấn mạnh.

Dai le Vesak 2019 anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt tại chùa Tam Chúc - nơi tổ chức Đại lễ Vesak 2019. Ảnh: Việt Linh.

Tự hào được tổ chức Vesak

Trước thực trạng cuộc sống của người dân không ít nơi còn khổ đau do chiến tranh, xung đột, thiên tai gây và ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mọi người cùng tĩnh tâm chiêm nghiệm lời Phật dạy để cùng nhau tìm ra giải pháp bảo vệ, kiến tạo thế giới.

Tại sự kiện, Thủ tướng thêm một lần nữa khẳng định nhà nước Việt Nam quan tâm tôn trọng những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong đó có Phật giáo. Đây là tôn giáo hướng con người tới chân, thiện, mỹ, phù hợp với văn hóa đạo đức và lối sống hướng thiện của con người Việt Nam.

"Việt Nam tự hào được Liên Hợp Quốc chọn để tổ chức đại lễ Vesak 2019", Thủ tướng nhấn mạnh.

Dai le Vesak 2019 anh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nhà nước Việt Nam quan tâm tôn trọng những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong đó có Phật giáo. Ảnh: VGP.

Phát huy giá trị tốt đẹp của đạo Phật

Trong thông điệp gửi đại lễ Vesak 2019, đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Pháp chủ của Phật giáo Việt Nam - nhấn mạnh sự kiện này là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau tăng trưởng niềm tin vào chân lý giải thoát, phát huy giá trị những di sản mà Đức Thế tôn đã để lại cho nhân loại trong hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, triết lý vô ngã, tinh thần bất bạo động, những giá trị hòa bình và phát triển bền vững.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam cũng nêu thông điệp: "Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với những xung đột, khủng bố, chiến tranh, bất bình đẳng cùng hoảng môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu... thì hơn lúc nào hết chúng ta phải cùng nhau phát huy những giá trị cốt lõi của đạo Phật về tinh thần khoan dung vô ngã vị tha hòa hợp và hòa bình".

Dai le Vesak 2019 anh 3
Các đại biểu xếp hàng vào dự đại lễ trong sáng 12/5. Ảnh: Việt Linh.

Với chủ đề "Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững", đại lễ Vesak 2019 nhận được hơn 500 bài tham luận (15.000 trang) của các học giả quốc tế và Việt Nam.

Bên cạnh đó, Vesak 2019 còn có các hoạt động văn hóa như nghi lễ tắm Phật truyền thống; cầu nguyện quốc thái dân an; hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; triển lãm cổ vật phật giáo; diễu hành xe hoa…

Từ sáng sớm, đoạn đường từ quốc lộ dẫn vào chùa Tam Chúc đã đông kín các đoàn xe của đại biểu và phật tử từ khắp nơi đổ về. Ước tính có gần 3.000 đại biểu đã tham dự đại lễ, trong đó có 1650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dai le Vesak 2019 anh 4
Ước tính có gần 3.000 đại biểu đã tham dự đại lễ, trong đó có 1650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: Việt Linh.

Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó tổng thống - Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ và Chủ tịch Thượng viện Bhutan cũng đến dự đại lễ sau khi thăm chính thức Việt Nam. Cùng với đó là các vị tăng vương, tăng thống, chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái phật giáo các nước.

Theo ban tổ chức, hơn 7.000 tăng ni trẻ, thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia các đội hình tình nguyện phục vụ đại lễ Vesak 2019 ở các vị trí khác nhau như lễ tân, hướng dẫn đoàn, đón tiếp, hậu cần, ẩm hực, đêm hoa đăng…

Vesak là tên gọi tháng thứ 4 trong năm theo lịch cổ của Ấn Độ. Đại lễ Vesak, còn gọi là lễ Tam hợp Đức Phật, là đại lễ gắn liền với thân thế và sự nghiệp của Đức PhậtThích Ca (ba sự kiện: Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật Niết bàn đều diễn ra trong tháng Vesak).

Ngày 15/12/1999, theo đề nghị của 34 quốc gia có Phật giáo, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã công nhận đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

Với hệ thống chùa chiền đồ sộ, phật tử đông đảo và lịch sử phật giáo 2000 năm, Việt Nam từ lâu đã là trung tâm phật giáo lớn của vùng Đông Á. Từ 2008 đến nay, Việt Nam đã 3 lần được trao trọng trách chủ nhà của đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (năm 2008 tại Hà Nội và năm 2014 tại Bái Đính, Ninh Bình).

1.500 đại biểu quốc tế, 105 quốc gia tham dự Đại lễ Phật đản 2019

Công tác chuẩn bị cho Đại lễ Vesak 2019 đang được thực hiện kỹ lưỡng và khẩn trương. Dự kiến Vesak 2019 là đại lễ Phật giáo Liên Hợp Quốc lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.





Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm