Đại hồng thủy biến sao Hỏa thành ‘tử địa’
Bản đồ công nghệ 3D thế hệ mới cho thấy, bề mặt sao Hỏa gặp phải biến động lớn nhiều tỷ năm trước đây, bằng chứng về một trận đại hồng thủy lan rộng khắp bề mặt hành tinh Đỏ.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, sao Hỏa bắt đầu trở nên lạnh và khô trong khoảng thời gian 2,5 tỷ năm trước đây. Tuy nhiên, dấu vết của những con kênh lớn dưới lớp bề mặt sao Hỏa cho thấy, chúng chính là dấu vết của một trận đại hồng thủy từng xảy ra trên sao Hỏa.
Elysium Planitia, khu vực được chọn để tiến hành nghiên cứu. |
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science danh tiếng cho biết, những con kênh ngầm được tìm thấy bên trong khu vực Elysium Planitia, vùng đồng bằng chạy dọc theo đường xích đạo Hỏa tinh.
Bản đồ 3D được lập bởi radar chuyên dụng trên vệ tinh thăm dò sao Hỏa Mars Reconnaissance của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Kết quả nghiên cứu dựa trên bản đồ 3D tối tân này được đưa ra bởi các chuyên gia làm việc tại Trung tâm không gian Goddard của NASA, Phòng khoa học hành tinh của Viện nghiên cứu Tây Nam và Viện nghiên cứu Smithsonian.
Chuyên gia địa chất Gareth Morgan làm việc trong chương trình nghiên cứu cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy quy mô bề mặt sao Hỏa bị chất lỏng xói mòn nhiều hơn hẳn so với chúng ta từng nghĩ. Nguồn nước lũ chúng tôi tìm thấy có nguồn gốc từ một hồ chứa khổng lồ nằm sâu dưới lòng đất. Rất có thể, nước trào ngược lên bề mặt bởi hoạt động tăng cường của những núi lửa nằm trong khu vực”.
Việc tìm hiểu nguồn gốc cũng như quy mô các kênh giúp chúng ta hiểu được hoạt động thủy văn từng tồn tại trên sao Hỏa, để từ đó xác định xem liệu một trận đại hồng thủy có phải nguyên nhân chính làm biến đổi hoàn toàn khí hậu sao Hỏa cũng như biến nơi đây thành hành tinh khó lòng tồn tại sự sống.
Hồng Duy
Theo Infonet