Chiều 3/2, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tọa đàm trực tuyến “Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những dấu ấn nổi bật”.
Theo Phó ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng (Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XIII), Đại hội Đảng XIII thành công rất tốt đẹp trên nhiều phương diện, cả về công tác tuyên truyền, xây dựng văn kiện Đại hội, cả công tác nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương.
Trọng trách và tin tưởng
Ông Hùng chia sẻ nhiều dấu ấn của Đại hội. Trước hết, đó là Đại hội XIII nhìn nhận, đánh giá lại toàn diện 35 năm đổi mới của đất nước. Đại hội đã thống nhất nhận định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”.
Dấu ấn thứ hai là văn kiện Đại hội được bị rất công phu, khoa học, xuất phát từ thực tiễn đổi mới của đất nước.
“Ý Đảng, lòng dân hòa quyện trong văn kiện Đại hội”, ông Hùng nói.
Phó ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đánh giá Đại hội Đảng XIII thành công rất tốt đẹp trên nhiều phương diện. Ảnh: Báo Đảng Cộng sản. |
Trong dấu ấn về công tác chuẩn bị nhân sự, ông Hùng nhấn mạnh quy trình 5 bước được chuẩn bị kỹ lưỡng nên đã chọn được những người xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới. “Tôi thấy đây là điểm rất tâm đắc. Các đại biểu dự Đại hội tập trung thảo luận dân chủ, bầu một lần đảm bảo yêu cầu đề ra”, ông cho hay.
Chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, TS Nguyễn Mạnh Cường (Phó ban Đối ngoại Trung ương) cho rằng đây là một niềm vui, một niềm vinh dự rất to lớn.
“Tôi cảm nhận được rất rõ trách nhiệm của mình để không phụ sự tin cậy, tin tưởng của Đại hội”, ông Cường nói. Phó ban Đối ngoại Trung ương cảm nhận có một tinh thần đoàn kết, thống nhất rất cao trong Trung ương, trong Đại hội, toàn Đảng.
TS Nguyễn Mạnh Cường (Phó ban Đối ngoại Trung ương) chia sẻ việc lần đầu được bầu vào BCH Trung ương là niềm vui, niềm vinh dự to lớn. Ảnh: Báo Đảng Cộng sản. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Vũ (Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) nói cảm nhận của ông gói gọn trong hai từ: Trọng trách và tin tưởng.
Theo ông, Đại hội lần này có 3 cái nhất: Xác định mục tiêu phát triển dài nhất, lớn nhất; bối cảnh quốc tế và khu vực hết sức đặc biệt đặt ra thách thức lớn nhưng cũng mở ra những vận hội lớn chưa từng có cho sự phát triển. Và cái nhất thứ 3 là đất nước ta hội nhập rất sâu rộng, có thể nói chưa từng có ở khu vực nói chung.
Chia sẻ về dấu ấn của Đại hội XIII, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng Đại hội có rất nhiều cảm xúc và ấn tượng.
“Đây là một đại hội dẫn dắt và truyền cảm hứng, có lẽ chưa có đại hội nào mà Đảng ta đưa ra một tầm nhìn xa như thế, về tầm dẫn dắt, tầm định hướng”, ông Phú nói.
Theo ông, đây cũng là đại hội truyền cảm hứng mãnh liệt khi lần đầu tiên trong văn kiện vang lên 2 chữ “khát vọng”.
Theo GS Phùng Hữu Phú, Đại hội XIII là một đại hội truyền cảm hứng. Ảnh: Báo Đảng Cộng sản. |
Gắn trách nhiệm người đề cử nhân sự
Thông tin thêm về nội dung chuẩn bị nhân sự, ông Ngô Minh Tuấn (Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng) khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị bài bản, chặt chẽ, chất lượng.
Theo ông Tuấn, kế hoạch về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 có nhiều nội dung đổi mới về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy trình, cách làm đối với từng nhóm chức danh.
Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng thông tin về nhiều điểm mới trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII. Ảnh: Báo Đảng Cộng sản. |
Đồng thời, thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu trong công tác giới thiệu, đề xuất, bảo đảm nhân sự, quy hoạch cán bộ cấp trên được xác định rõ.
Sau khi quy hoạch, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị tổ chức bồi dưỡng, đào tạo được 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới của cán bộ cấp chiến lược và đây chính là nguồn nhân sự quan trọng để chủ động chuẩn bị cho nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
Việc chuẩn bị nhân sự theo phương châm từng bước, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thật thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.
“Đây là nét mới trong công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ này”, ông Tuấn đánh giá.
Ngoài ra, ông Tuấn nhấn mạnh 3 điểm mới trong quy chế bầu cử Đại hội XIII.
Đó là quy định cụ thể và trách nhiệm của người đề cử nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Điểm mới thứ hai là phải sử dụng phần mềm kiểm phiếu do Quân ủy Trung ương cung cấp và thứ ba là việc ghi phiếu bầu cử được thực hiện tại hội trường và phòng họp của đoàn đại biểu.
Nhiệm kỳ khóa XIII sẽ không có nhiều cán bộ sai phạm
Đề cập đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc lưu ý công tác cán bộ.
Theo ông, muốn cầm quyền tốt thì phải có đội ngũ cán bộ giỏi.
Nhắc đến thực tế vừa qua phải xử lý nhiều cán bộ, ông Phúc nhấn mạnh nội dung đáng lưu ý của Đại hội XIII là cần có cơ chế bảo vệ cán bộ.
Ông cho rằng phát hiện được một cán bộ giỏi và tốt là “quý lắm”, phải chăm chút chứ không chỉ chú ý xem xét sai phạm rồi thi hành kỷ luật.
“Phải làm sao cho cán bộ không sai phạm. Tôi tin nhiệm kỳ khóa XIII sẽ không có nhiều cán bộ sai phạm như khóa XII”, ông Phúc và nhấn mạnh cần có cơ chế bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.