Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại hội VI: Đại hội giữa lòng khủng hoảng

Đó là một ngày đông nhưng nắng ấm. Từ diễn đàn Đại hội VI, Tổng bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.

30 năm trước, Đại hội Đảng lần thứ VI đã diễn ra trong bối cảnh cực kỳ khó khăn, thậm chí nguy nan của đất nước. 

Đảng phải “nhìn thẳng vào đại hội vào sự thật" để có câu trả lời sinh tử của mình trước kỳ vọng của nhân dân và tương lai Việt Nam. Và Đại hội VI giữa mùa đông Hà Nội năm 1986 đã để lại những dấu ấn lịch sử, một bước ngoặt cho tiến trình đổi mới và thịnh vượng sau này...

Đứng trước sự lựa chọn

Ông Vũ Mão, lúc bấy giờ là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nhớ lại: Đại hội VI tiến hành vào lúc khủng hoảng đã xuống đến tận đáy rồi, lòng dân không yên vui.

“Sự thật” mà Tổng bí thư Trường Chinh nói đến được khắc họa chân thực trong hồi ký của nguyên ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh.

Các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI

.

Ông Vũ Oanh kể: Giữa thập niên 1980, tình hình kinh tế - xã hội vẫn khó khăn gay gắt.

Cuộc khủng hoảng kinh tế nảy sinh từ cuối thập niên 1970 do cải tạo tư sản ở miền Nam quá mức, do chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc kéo dài gần 10 năm trời và càng gay gắt hơn khi xảy ra sự cố đổi tiền năm 1985.

Nạn đói hàng tiêu dùng kéo dài triền miên, thậm chí đến cây kim, sợi chỉ cũng khan hiếm, vật giá tăng nhanh.

Phát biểu tại một hội nghị cán bộ cao cấp ngày 10/7/1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh nhận định:

“Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội quý báu... Khi Liên Xô viện trợ trong mười năm qua hàng chục tỷ rúp, nhưng với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, ăn không nên làm không ra, chúng ta cứ rút dần mòn mỗi năm vài trăm triệu rúp để chi cho tiêu dùng xã hội, cho bao cấp và bù lỗ, vài trăm triệu rúp khác thì rải ra trên rất nhiều công trình xây dựng”.

Như vậy, Đại hội VI được tiến hành trong bối cảnh rất xấu, khi tất cả lĩnh vực kinh tế đều lâm vào tình trạng khủng hoảng và lòng dân không yên. Họ hy vọng và chờ đợi.

Sự hy vọng và chờ đợi đó buộc những người lèo lái con thuyền đất nước đứng trước sự lựa chọn. Theo lời kể của ông Hoàng Tùng (nguyên trưởng Ban tuyên huấn T.Ư), trong một hội nghị cán bộ trước khi đại hội diễn ra, ông Trường Chinh nói:

“Trong lúc này chúng ta chỉ có hai khả năng lựa chọn: đổi mới để tiến lên hay đi theo con đường cũ để chết”.

... Đại hội VI khai mạc vào sáng 15/12/1986. Về dự đại hội có 1.129 đại biểu chính thức.

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Linh đọc diễn văn khai mạc đại hội nhấn mạnh: “Để làm chuyển biến tình hình, Đại hội lần thứ VI này phải đánh dấu sự đổi mới của Đảng ta về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ. Đó là đòi hỏi bức thiết của đất nước”.

Tổng bí thư Trường Chinh đọc bản trích yếu báo cáo chính trị, xác định nhiệm vụ bao trùm là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội.

Tiếp đó, Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt đọc báo cáo của trung ương về phương hướng và mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 1986 - 1990.

Những văn kiện được trình bày trong phiên khai mạc này đều thấm đẫm tinh thần đổi mới. Nhưng, không đơn giản để thông điệp đổi mới ấy vang lên mạnh mẽ tại đại hội lịch sử này.

Được tham gia giúp việc Bộ Chính trị, trung ương trước thềm Đại hội VI và là đại biểu đi dự đại hội, ông Nguyễn Đình Hương (nguyên phó trưởng Ban tổ chức trung ương) nhớ lại:

“Lúc bấy giờ lãnh đạo các tỉnh phía Nam có nhiều người ủng hộ đổi mới, nhưng ý kiến khác không ít. Thậm chí có ý kiến đặt vấn đề “hộp đen”, “hộp đỏ” và xếp những người có tinh thần đổi mới vào “hộp đen".

Giáo sư Đào Xuân Sâm

.

“Một suy nghĩ ngông cuồng”

Theo nhà nghiên cứu sử kinh tế Đặng Phong, trong các cuộc họp ở cấp cao cũng như cấp tham mưu vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/1986 và cho đến trước thềm Đại hội VI, vẫn còn những ý kiến phê phán gay gắt tư duy kinh tế mới, gọi kinh tế hàng hóa, kinh tế nhiều thành phần là “bắt chước các quan điểm của nước ngoài”, cho rằng phải “cẩn thận với những con ngựa thành Troy”...

Thậm chí một vị lãnh đạo đã cứng rắn tuyên bố: “Những biện luận của vị giáo sư trên báo Nhân Dân mấy ngày qua chỉ là một suy nghĩ ngông cuồng”.

Chuyện gì vậy và vị giáo sư đó là ai?

Là giáo sư Đào Xuân Sâm (Trường Nguyễn Ái Quốc), người sau này là thành viên tổ tư vấn của ông Trường Chinh. Giáo sư Sâm thuật lại với Tuổi Trẻ:

“Câu chuyện bắt đầu từ tháng 3/1986, tôi tham gia một cuộc hội thảo của Ban Bí thư trung ương Đảng tổ chức, bàn về cơ chế kinh doanh của quốc doanh. Đất nước lúc đó cực kỳ khủng hoảng, nhiều nơi có những nhân tố “xé rào” thành công nhưng quan điểm đổi mới chưa chiếm được ưu thế.

Bài viết tôi đọc tại hội thảo thẳng thắn phê phán quan điểm duy ý chí, đi ngược quy luật xã hội trong kinh doanh ...

Hội thảo đồng tình bài viết này. Ông Hồng Hà, tổng biên tập báo Nhân Dân, bảo tôi: “Anh sửa nhanh đưa tôi đăng báo”.

Tôi đồng ý và ngày 17/3 bài báo khởi đăng trên trang 2 báo Nhân Dân với nhan đề “Kinh doanh XHCN và quyền tự chủ của người kinh doanh”, dài ba kỳ, trình bày trang trọng...”. Nhưng rồi ngay tức thì, bài báo ba kỳ này bị giới lý luận và Ủy ban Vật giá nhà nước “đánh” mạnh. Có địa phương còn cấm không cho phổ biến bài báo này.

Tại sao? Theo nhà viết sử kinh tế Đặng Phong, “trong không khí chung của tư duy kinh tế lúc ấy, cách nhìn nhận như trên là một “quả bom”, gây phản ứng rất mạnh trong giới quản lý, thậm chí đã “đụng đến trời”. Vì “đã đụng đến trời” nên những ngày sau đó liên tiếp xuất hiện những bài báo lên án quan điểm của GS Sâm.

Nghiêm trọng hơn, vào ngày 8/5/1986, trưởng đoàn chuyên gia kinh tế cao cấp Liên Xô P.A. Paskar đã đến gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam. Tại cuộc làm việc này, P.A. Paskar đã bày tỏ sự phản ứng gay gắt về những bài báo rất sai trái về quan điểm của GS Đào Xuân Sâm. “Chúng tôi đã cấm và cho kiểm điểm tòa soạn!” - một vị lãnh đạo Việt Nam trả lời như vậy.

“Từ đây, thông tin tôi bị kỷ luật ngày một rõ ràng...” - GS Sâm nhớ lại.

“Nhưng rồi gần thời điểm Đại hội VI, một hội nghị quan trọng được tổ chức và bánh lái lịch sử đã được vặn ngược một cách dũng cảm và kiên quyết. Tôi mừng đến lặng người...” .

Trích Bài thơ tặng Đại hội VI của Đảng

... Nhưng đã mười một năm ai cũng nhận ra rằng

Đường hạnh phúc không phải trong gang tấc

Đã làm bạc những mái đầu ái quốc

Những suy tư khi nhắm mắt vẫn chưa rồi

Cảnh đói nghèo chạy gạo ngược xuôi.

Bởi vì: đơn độc, xa dân dù ta có triệu con người

Cũng là chỉ bóng mờ trên đường thẳm.

Và: Đừng ban lệnh từ trên và cũng không dọa dẫm

Lệnh từ cõi chín tầng dĩ vãng đã lùi xa

Lòng từ bi từ cửa Phật ban ra

Đó cũng chỉ mới là lời cầu nguyện

Mọi ý cao siêu mọi điều phúc hạnh

Không phải từ tấm lòng mà phải từ cuộc sống đặt ra.

Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, viết năm 1986. Trích tư liệu của Tuổi Trẻ)


http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20160119/dai-hoi-giua-long-khung-hoang/1040488.html

Theo Võ Văn Thành/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm