Trong khi nhiều dự án đang “loay hoay” với các cuộc thử nghiệm quy mô nhỏ thì dự án vắcxin của ĐH Oxford đã được phép thử nghiệm lâm sàng trên 6.000 người vào cuối tháng 5, theo The New York Times.
Mới đây, một nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy loại vắcxin này điều trị Covid-19 thành công trên loài khỉ vàng Rêzut (rheus macaque).
Cụ thể, các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Rocky Moutain (Mỹ) đã tiêm loại vắcxin này cho 6 con khỉ vàng Rêzut. Trước đó, những con khỉ này bị phơi nhiễm với một lượng lớn virus corona.
Viện Jenner là một trong những cơ sở nghiên cứu vắcxin không lợi nhuận lớn nhất trên thế giới. Ảnh: The New York Times. |
Theo nhà nghiên cứu Vincent Munster, cả 6 con khỉ đều hồi phục và khoẻ mạnh sau 28 ngày kể từ khi được tiêm vắcxin. “Khỉ vàng Rêzut là loài có nhiều đặc điểm giống người nhất”, tiến sĩ Munster nhận định.
Nếu chứng minh được dự án vắcxin an toàn và hiệu quả trên cơ thể người, ĐH Oxford có thể tung ra thị trường hàng triệu chế phẩm vào tháng 9 tới.
Những thành công bước đầu này đã đưa dự án của ĐH Oxford dẫn đầu trong cuộc đua điều chế vắcxin nhưng vẫn chưa thể đảm bảo hiệu quả tương tự trên con người.
Giám đốc chương trình vắcxin của Quỹ Bill và Melinda Gates, tiến sĩ Emilio Emini cho biết: “Thế giới chưa thể xác định được loại vắcxin phù hợp cho đến khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng”.
Cũng theo ông Emini, cần nhiều hơn một loại vắcxin trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vì mỗi chế phẩm có mức độ hiệu quả, liều lượng và chi phí sản xuất khác nhau. Bên cạnh đó, điều chế được nhiều loại vắcxin cũng sẽ giảm bớt gánh nặng trong công tác phân phối về sau.
Dù thành công hay thất bại, dự án của ĐH Oxford chắc chắn sẽ mang đến nhiều bài học cho các nhà sản xuất dược phẩm và giới khoa học, tiến sĩ Emini nhận định.
Báo Huffington Post dẫn thông tin từ Trường Y nhiệt đới và vệ sinh London, thế giới đang có khoảng 100 nghiên cứu về vắcxin phòng chống dịch Covid-19. Song chỉ có 7 dự án trong số đó đã tiến đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.