Bất động sản không còn là sân chơi “béo bở” cho các đối thủ ngoại, đồng thời thể hiện doanh nghiệp trong nước có tiềm lực mạnh.
Tập đoàn BRG vừa chính thức hoàn tất thương vụ mua lại khách sạn Sedona Suites Hanoi (Tô Ngọc Vân, Quảng An, Hà Nội) từ Tập đoàn Keppel Land Ltđ (Singapore). Thông tin từ CBRE Việt Nam cho biết, thương vụ có giá trị 31,5 triệu USD.
BRG Group là một trong những doanh nghiệp trong nước tiên phong thâu tóm dự án của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2012, BRG hoàn tất thương vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera từ tay các ông chủ Đức và Áo.
Đầu năm 2015, tập đoàn này cũng góp vốn vào Khách sạn Thắng Lợi. BRG đang nắm giữ cổ phần lớn ở một loạt khách sạn như Pan Horizon Hotel, InterContinental Hanoi Westlake...
BRG hiện là doanh nghiệp sở hữu nhiều sân golf nhất nước, trong đó có sân BRG Kings’ Island Golf Resort và BRG Legend Hill tại Hà Nội và BRG Ruby Tree tại Hải Phòng. Các dự án này đều được mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều dự án được mua bán trong thời gian gần đây. |
Một đại gia lớn trong lĩnh vực bất động sản là Vingroup cũng đã hoàn tất thương vụ mua lại dự án trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) từ nhà đầu tư nước ngoài Vinaland, theo báo cáo của CBRE Việt Nam. Khu phức hợp được xây dựng trên khu đất rộng 4 ha, liền kề Trung tâm mua sắm Big C, đối diện Trung tâm Hội nghị Quốc gia và gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Dự án được khởi công từ năm 2008 và đi vào hoạt động năm 2011 nhưng cho tới nay vẫn còn đang bỏ hoang.
Nếu nói về thâu tóm các dự án từ chủ đầu tư trong nước, Vingroup cũng đã khá thành công từ các thương vụ như mua lại Công ty Bất động sản Hồng Ngân, đơn vị sở hữu Dự án Thành phố Xanh tại Hà Nội với quy mô 17,6 ha, tổng vốn đầu tư 7.900 tỷ đồng.
Một cái tên khá xa lạ trong làng bất động sản Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa cũng nổi lên trong các vụ mua bán lớn trong thời gian gần đây. Thương vụ Sky Park Residence (Cầu Giấy), đối tác mua lại được biết đến khá bất ngờ, đó là Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa –CTCP, ông Trương Lâm làm Chủ tịch HĐQT.
Được biết, đơn vị này đã bỏ ra 143 tỷ để sở hữu dự án này. Công ty cũng chi hơn 100 tỷ đồng để mua dự án Khách sạn 4 sao trên phố Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) với 250 phòng.
FLC Group đã thâu tóm Dự án Khu đô thị Alaska Garden City tại Hà Nội và chuẩn bị khởi công dự án này dưới thương hiệu mới là FLC Garden City. Dự án 36 Phạm Hùng, FLC cũng đã mua lại và đang xây dựng chung cư để bán.
Theo khảo sát trên thị trường, các dự án được giao dịch thành công chủ yếu đã hoàn thành hoặc chưa được triển khai.
Lý giải về điều này, ông Phạm Xuân Cần, một chuyên gia trong lĩnh vực M&A nhận định, đa phần người mua không mặn mà với các dự án xây dựng dở dang. Vì các dự án này đã được đầu tư một số tiền khá lớn, nên muốn mua thì người mua phải chi đậm hơn những dự án chưa xây dựng.
Hơn nữa, việc phát triển kinh doanh các dự án xây dựng dở dang sẽ rất khó khăn, vì việc cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường rất mất thời gian và không dễ dàng.
Đánh giá về hoạt động chuyển nhượng dự án của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Marc Towsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cho rằng, việc nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng lại tài sản của mình ở Việt Nam vì thị trường ấm lên, là thời điểm thích hợp để các quỹ cơ cấu lại dòng vốn.
Bên nhận chuyển nhượng là các nhà đầu tư trong nước nhằm tránh đi những thủ tục gia hạn đầu tư khi thời hạn của giấy phép đầu tư đã đến gần hơn, chứ không phải do bất động sản kém hấp dẫn hơn.
Theo báo cáo của JLL, hoạt động M&A tiếp tục duy trì xu hướng từ năm 2015 với số lượng thương vụ giao dịch tăng lên trong ba tháng đầu năm, và có nhiều thương vụ đã giao dịch thành công trong thời gian này.
Theo nhận định của JLL, hoạt động M&A sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian còn lại của năm 2016, với lượng giao dịch nhiều hơn nữa nhờ vào những yếu tố tích cực gần đây như thị trường bất động sản cải thiện, những đổi mới tích cực liên quan đến hoạt động đầu tư và tình hình sự phát triển đang trên đà giảm tại một số nước trong khu vực.