Về thời gian và khối lượng chào mua của Quỳnh Anh, cần lưu ý rằng khối lượng cổ phiếu KBC trung bình 10 phiên giao dịch trước đó, từ ngày 30/12/2013 – 13/1/2014, chỉ đạt ở mức gần 734.000/ngày, tương đương hơn 7 triệu cổ phiếu trong 10 ngày giao dịch. Trong khi đó, thời gian chào mua cổ phiếu công ty nhà của Quỳnh Anh khá lạ, từ ngày 17 đến 27/1. Chỉ trong vòng 10 ngày ngắn ngủi đã vướng tới 4 ngày thứ bảy, chủ nhật – vậy là chỉ còn 7 ngày giao dịch.
Sự kiện đăng ký mua cổ phiếu của con gái đại gia Đặng Thành Tâm đã mở đầu xu hướng dịch chuyển giao dịch của thị trường, nhờ cá nhân liên quan trong thời gian qua. |
Về mức giá, giao dịch không thực hiện được với lý do “giá thị trường không đạt kỳ vọng”, nhưng đối chiếu với khối lượng khớp lệnh mã cổ phiếu KBC trong khoảng thời gian thực hiện giao dịch trên, cổ phiếu KBC có những phiên tăng, giảm điểm, đứng giá đan xen, có thời điểm về mức 10.100 đồng/cổ phiếu, ngang giá cổ phiếu thời điểm Quỳnh Anh đăng ký mua vào.
Cụ thể, ngày 20/1, KBC được giao dịch ở mức giá tối đa là 10.400 đồng/cổ phiếu, tối thiểu là 10.100 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng giao dịch trong ngày đạt 674.440 cổ phiếu, trong đó, 29,39% khớp lệnh ở mức giá 10.100 đồng/cổ phiếu.
Đến ngày 27/1, ngày kết thúc thời điểm giao dịch của Quỳnh Anh, cổ phiếu KBC đóng cửa ở mức 10.700 đồng/cổ phiếu, tăng 600 đồng/cổ phiếu so với thời điểm công bố thông tin giao dịch. Như vậy, mặc dù giao dịch 10 triệu cổ phiếu không thành công, Quỳnh Anh vẫn mang về cho cha khoản tiền 60,75 tỷ đồng chênh lệch thị giá cổ phiếu.
Đầu tháng 2/2014, Quỳnh Anh tiếp tục đăng ký chào mua lần 2 cổ phiếu KBC với số lượng tương đương lần đầu. Mặc dù việc chào mua lần 1 không thành công vì lý do giá cả, KBC ở thời điểm tiểu thư 9x đăng ký mua lần 2 còn ở mức giá cao hơn - 10.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, vì "chê" mức giá không đạt kỳ vọng, tiểu thư 9x này thay vì bỏ 101 tỷ đồng để gom cổ phiếu KBC như đăng ký lần 1, đã phải bỏ ra 136 tỷ đồng để gom đủ số lượng này khi đăng ký chào mua lần 2.
Sau 2 lần chào mua số lượng lớn cổ phiếu liên tiếp, thị giá cổ phiếu KBC không ngừng tăng. Cuối phiên giao dịch ngày 21/3, KBC giao dịch ở mức 13.600 đồng/cổ phiếu, tăng 3.500 đồng so với thời điểm Quỳnh Anh đăng ký chào mua lần đầu. Với hơn 101 triệu cổ phiếu KBC trong tay, ông Đặng Thành Tâm nghiễm nhiên bỏ túi hơn 354 tỷ đồng. So với khoản tiền 136 tỷ đồng con gái bỏ ra gom cổ phiếu nhà, gia đình ông Tâm vẫn lãi lớn.
Trong khi Quỳnh Anh đăng ký chào mua cổ phiếu KBC lần 1 trong khoảng thời gian 10 ngày ngắn ngủi, thì ái nữ của Phó Chủ tịch HĐQT công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA) lại chào mua với mức giá quá thấp. Ngày 3/3 - thời điểm công bố chào mua cổ phiếu TNA của Thảo Nguyên, cổ phiếu TNA giao dịch ở mức 26.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, khi đăng ký chào mua số lượng lớn, Thảo Nguyên chỉ chào mua ở mức giá 24.900 đồng/cổ phiếu, ít hơn 1.900 đồng.
Thay vì bỏ ra 33,5 tỷ đồng mua cổ phiếu theo giá thị trường, tỷ phú 9X trên sàn chứng khoán Nguyễn Trần Thảo Nguyên chỉ chào mua số cổ phiếu trên với tổng chi hơn 31 tỷ đồng. Vì vậy, thông tin chào mua hơn 1,25 triệu cổ phiếu nhà của cô gái sinh năm 1992 này mới đây khiến thị trường đặt câu hỏi.
Chỉ còn 2 ngày nữa là thời điểm khởi đầu giao dịch trên, nhưng đến cuối phiên giao dịch ngày 21/3, TNA có giá 27.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 2.600 đồng so với giá chào mua của Thảo Nguyên. Với mức chênh lệch giá xa như vậy, cộng với thời điểm bắt đầu giao dịch cách khá lâu so với thời điểm công bố, giao dịch chào mua của Thảo Nguyên khó mà thành công. Tuy nhiên, dù giao dịch trên không thành công, hai cha con Nguyễn Quang Hòa – Nguyễn Trần Thảo Nguyên vẫn bỏ túi được gần 1,27 tỷ đồng nhờ cổ phiếu TNA tăng giá.Sức mạnh của việc gái cưng gom cổ phiếu mạnh mẽ nhất phải kể đến vụ việc con gái Chủ tịch HĐQT CTCP Xi măng Sài Sơn (SCJ). Sau khi thông tin con gái Chủ tịch công ty gom cổ phiếu nhà với số lượng không nhiều – 100.000 cổ phiếu - được đưa ra vào chiều 18/3, SCJ đã tăng trần 2 phiên liên tiếp trong 2 ngày 19 và 20/3. Tính đến cuối phiên giao dịch ngày hôm nay, 21/3, SCJ vẫn tăng trần, hiện giao dịch ở mức 15.200 đồng/cổ phiếu.
Chưa biết giao dịch trên có thành công hay không, nhưng với đà tăng như phi mã của cổ phiếu SCJ, Nguyễn Thị Thu Trang đã đem về cho cha 3,6 tỷ đồng chỉ vẻn vẹn sau 3 ngày công bố chào mua cổ phiếu, với số lượng khiêm tốn.