Tư duy chuỗi
Chỉ khoảng 2 tháng sau khi lên sàn chứng khoán TP HCM (7/2014), Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của đại gia Nguyễn Đức Tài gây sốc với kế hoạch 2 ngày mở thêm một siêu thị điện thoại di động, hay nói cách khác cứ ngủ qua đêm là một siêu thị Thế giới di động mới xuất hiện.
Nhiều doanh nhân Việt đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất kinh doanh và thương hiệu. |
Kế hoạch này bị nghi ngờ khó thành hiện thực bởi để mở một siêu thị không hề dễ dàng. Trên thực tế, nhiều DN lớn trong lĩnh vực bán lẻ chỉ mở thêm được 2-3 siêu thị trong một năm, nhiều nhất cũng chỉ dám lên kế hoạch 2 tháng mở thêm 1 siêu thị. Trong năm 2013, một DN điện máy khá nổi tiếng ở Hà Nội cũng chỉ mở được 7 siêu thị, trong khi phải đóng cửa 1 siêu thị.
Tuy nhiên, ngay trong năm 2011, MWG đã gây sốc trên thị trường bán lẻ với việc mở thêm 130 siêu thị trong khoảng thời gian 52 tuần, tức trung bình 3 ngày/siêu thị. Còn trong năm 2014, DN này mở thêm được 135 siêu thị, phần lớn tập trung vào cuối năm.
Chưa hết sốc, trong năm 2015, ông Nguyễn Đức Tài đã mở thêm 235 siêu thị, nâng tổng số lên 600. Doanh nhân gốc Nam Định có kế hoạch nâng số cửa hàng di động và điện máy lên con số 1.000 vào cuối 2016, tức trung bình có thêm hơn 1 siêu thị được mở mới.
Không chỉ MWG, trong vài năm gần đây, một số doanh nhân Việt cũng có kế hoạch đẩy nhanh mở rộng chuỗi kinh doanh của mình.
Gần đây, giới đầu tư khá ấn tượng với chuỗi nhà hàng mang các thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng của Huy Việt Nam sau khi DN của doanh nhân Việt có trụ sở tại Cayman này mở hàng loạt nhà hàng mô hình giống nhau trên phạm vi cả nước.
Golden Gate với các thương hiệu Vuvuzela, Kichikichi, Gogi House… cũng dự kiến mở thêm hàng trăm nhà hàng để nâng tổng số lên 400 trong năm 2018.
Gắng sức giữ sân nhà
Trong khoảng thời gian này, giới đầu tư biết tới các thương hiệu như điện máy Nguyễn Kim, Trần Anh, Topcare, Mediamart, HomeCenter, FPTShop, ViettelStore… hay thương hiệu nhà hàng nổi tiếng.
Những doanh nhân thành công. |
Trong lĩnh vực ăn uống, Golden Gate Restaurant đã áp dụng mô hình chuỗi với hàng chục thương hiệu và cả trăm nhà hàng đã được mở trên phạm vị cả nước trong cả chục năm qua.
Không chỉ còn thuần túy tập trung vào các món ăn ngon, các DN đã tập trung xây dựng và phát triển nét văn hóa truyền thống của các món ăn, không gian và cách phục vụ khách hàng. DN giờ không chỉ còn cạnh tranh về giá mà còn cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và thương hiệu.
Ông chủ của Tập đoàn Vingroup - tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng là người ráo riết triển khai chiến lược tập trung phát triển và khai thác thị trường nội địa. Doanh nhân này xây dựng thành công khá nhiều thương hiệu hàng đầu trên cả nước và có tầm cỡ khu vực như: Vinhomes (BĐS), Vinmex (y tế), Vinmart, Vinpro, VinEcom (bán lẻ), Vinpearl (du lịch khách sạn), Vinschool (giáo dục).
Chiến lược của vị tỷ phú duy nhất tại Việt Nam là xây dựng và định vị đẳng cấp các thương hiệu hàng đầu. Ông Vượng muốn tạo một một hệ thống sản phẩm dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, tiện ích 5 sao và chuỗi giá trị liên kết bổ sung cho nhau.
Sự tham gia của Vingroup vào phân khúc bán lẻ đã khiến thị trường vốn đang rất nóng này thêm sôi động, cạnh tranh với những thương hiệu ngoại vốn làm mưa làm gió trên thị trường nội địa như: BigC, Metro, Lotte…
Trong lĩnh vực may mặc và thủy sản, hàng loạt các DN nội cũng đang dồn sức mở thêm nhà máy, mở rộng sản xuất. Hàng loạt các nhà máy may mới được mở ra thêm tại Bắc Giang, Nam Định, Bến Tre… Nhiều DN thủy sản lớn như Hùng Vương, Minh Phú… tăng cường thâu tóm DN nhỏ để tăng quy mô sản xuất.
Cuộc chạy đua mở rộng sản xuất kinh doanh và cả bán lẻ, dịch vụ tại Việt Nam sôi sục trong vài năm gần đây. Hàng loạt các thương hiệu mới xuất hiện như Canifa (dệt may), PhinDeli (cà phê), Chinsu Omachi (hàng tiêu dùng nhanh), Vinpro (điện máy)…
Nhiều DN đã rất thành công như ông Phạm Nhật Vượng có tài sản trên 1 tỷ USD, ông Nguyễn Đức Tài gia nhập danh sách những người sở hữu lượng cổ phiếu trị giá trên 1.000 tỷ đồng ngay khi mới chào sàn và hiện nằm trong tốp 10 người giàu nhất…
Có thể thấy, trong vài năm gần đây, cộng đồng DN Việt Nam khá chú trọng tới việc phát triển chuỗi sản xuất kinh doanh, chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu và phát triển quy mô. Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ khá khó cưỡng. Bên cạnh đó, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do có thể sẽ giúp xuất khẩu tăng mạnh. Việt Nam có thể trở thành trung tâm chế biến chế tạo của thế giới.
Làn sóng DN xây dựng các chuỗi kinh doanh và bán lẻ của riêng mình, do vậy, không có gì là lạ. Tuy nhiên, ở đâu đó, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại bởi sự thắng thế của DN ngoại trong hầu hết các lĩnh vực. Hàng loạt các DN lớn nước ngoài cũng đang dồn dập đến và cơi nới quy mô.
Trong năm 2015, trong số 162 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, khối FDI chiếm tới 111 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của nhóm này cũng vượt trội với 17,7%, so với mức tăng chung 7,9% của cả nước.
Nhiều lĩnh vực Việt Nam sắp thành công xưởng gia công của thế giới như giày dép, điện tử…
Một điểm cũng đáng lo ngại là, nhiều DN nội muốn xây dựng chuỗi DN để… dễ bán cho các NĐT nước ngoài. Trong vài năm gần đây, nhiều DN đã bán mình cho nước ngoài. Ngay cả những DN phát triển mạnh, lượng vốn ngoại cũng chiếm một tỷ lệ rất lớn, như trong MWG, Huy Việt Nam, Golden Gate… Cuộc chạy đua với đại gia ngoại xem ra vẫn khá mất cân bằng.