Đại gia đua nhau “cứu giá”
Theo “lịch sử” của thị trường chứng khoán, tháng 5 là khoảng thời gian thăng trầm nhất của các chỉ số. Tháng 5/2015 cũng vậy. VN-Index liên tục đi xuống khiến cổ phiếu của nhiều đại gia rớt mạnh. HAG là một trong cổ phiếu giảm khá sâu khi rơi xuống “đáy” của 2 năm. FLC thậm chí giao dịch dưới mệnh giá. TH1 giao dịch ảm đạm... Để “cứu giá” cổ phiếu, không ít đại gia đăng ký mua vào cổ phiếu.
Trong tháng 5, bầu Đức là người đầu tiên gây chú ý khi công bố mua sẽ mua vào 5 triệu cổ phiếu HAG với mục đích đầu tư dài hạn. Giao dịch dự kiến được khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong thời gian từ 18/5 đến 17/6/2015.
Như vậy, bầu Đức sẽ phải chi ra khoảng 90 tỷ đồng để mua vào số lượng cổ phiếu như đã đăng ký. Nếu thành công, số lượng cổ phiếu của bầu Đức nắm giữ sẽ lên tới 347,77 triệu đơn vị, tương đương 44,03% vốn điều lệ.
Đại gia Việt đua nhau cứu giá, ai cao tay hơn? Không chỉ bầu Đức, Công ty Hoàng Anh Gia Lai cũng tham gia “cứu giá” khi đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu. Điều đó có nghĩa Hoàng Anh Gia Lai phải chi số tiền nhiều gấp đôi số tiền bầu Đức sẽ bỏ ra.
Mới đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn FLC bất ngờ khiến nhà đầu tư hứng khởi khi đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu FLC. Thời gian giao dịch dự kiến từ 1/6 đến 1/7/2015, phương phức giao dịch là thoả thuận và khớp lệnh.
Nếu giao dịch thành công, ông Quyết sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của mình lên mức 15,12% vốn điều lệ, tương ứng với 56.673.040 cổ phiếu FLC. Dự kiến, ông Quyết phải chi khoảng 220 tỷ để thực hiện kế hoạch lớn này.
Đây không phải lần đầu tiên trong năm FLC gây ấn tượng. Trước đó, FLC tạo tiếng vang khi công bố kế hoạch năm 2015 có nhiều bứt phá. Hiện tại triển khai cùng lúc nhiều dự án bất động sản với tổng quy mô vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Bầu Đức là người đầu tiên gây chú ý khi công bố mua sẽ mua vào 5 triệu cổ phiếu HAG với mục đích đầu tư dài hạn. |
Theo kế hoạch, các dự án sẽ lần lượt được khai trương, mở bán từ quý I/2015 và sẽ mang lại doanh thu, lợi nhuận đột biến cho Tập đoàn trong năm 2015. FLC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 5.535 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.158 tỷ đồng, cả hai chỉ tiêu đều gấp hơn 2,5 lần mức đạt được năm 2014.
Nếu ở Hoàng Anh Gia Lai và FLC, vị đai gia đứng lên “cứu giá” chính là chủ doanh nghiệp thì tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam, người mạnh tay gom cổ phiếu lại là một người “lạ mặt”. Đó là nhà đầu tư có tên Nguyễn Đăng Trường.
Ông Trường đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu TH1 (tỷ lệ 39,7% số lượng cổ phiếu TH1 đang lưu hành) với mức giá chào mua dự kiến là 25.000đồng/CP. Như vậy tổng số tiền mà ông Trường dự kiến bỏ ra để sở hữu 39.7% cổ phần TH1 là 125 tỷ đồng.
Mục đích của việc chào mua nhằm đầu tư tài chính, kỳ vọng vào khả năng phát triển của công ty.
Bầu Đức chưa cao tay nhất
Thông tin bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai mạnh tay mua vào cổ phiếu đã giúp HAG chặn đứng được đà giảm. Cổ phiếu HAG nhanh chóng tăng từ “đáy” 17.800 đồng/CP. Tuy nhiên, HAG không nóng. Sau gần nửa tháng “ra tin”, HAG chỉ tăng thêm 300 đồng/CP và dừng ở mức 18.100 đồng/CP cuối ngày 27/5.
Vì HAG chỉ tăng nhẹ nên bầu Đức chưa cao tay nhất trong việc cứu giá. Ông Trịnh Văn Quyết để lại nhiều dấu ấn hơn khi đã mang lại đà bứt phá cho FLC.
Cụ thể, ngay sau khi ông Quyết có kế hoạch mua vào 25 triệu cổ phiếu FLC, FLC bất ngờ tăng trần, tăng 600 đồng/CP lên 8.900 đồng/CP. Nhờ đà tăng này, khối tài sản của ông Quyết có thêm 22,8 tỷ đồng.
Nếu vụ ông Quyết mua vào thành công 25 triệu cổ phiếu FLC, ông Quyết sẽ có bước tiến lớn trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Hiện nay, ông chỉ đứng ở vị trí 46 nhưng sau giao dịch, ông Quyết có thể lọt vào Top 30.
Trong khi đó, thông tin ông Trường đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu TH1 cũng tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư. Kết quả là TH1 tăng trần, tăng 1.900 đồng/CP lên 20.700 đồng/CP. Vốn hóa thị trường của công ty TH1 có thêm 22,6 tỷ đồng.