Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại gia ngược núi dời cả bản nhà sàn về Hà Nội

Hàng trăm nếp nhà sàn mọc lên tại hai xã Phú Cát, Hòa Thạch (Quốc Oai, Hà Nội), nhưng không phải của người dân tộc, mà của các đại gia mong muốn có một chốn đi về nơi sơn cước.

Làng nhà sàn giữa đồng bằng

Dọc theo các con đường làng thuộc hai xã Phú Cát và Hòa Thạch, đâu đâu cũng gặp những nếp nhà sàn đủ kiểu của nhiều dân tộc và vùng miền khác nhau được dựng nên trong những khu vườn đẹp đẽ và kín đáo.

Tại hai xã này hiện có đến hàng trăm nếp nhà sàn được dựng nguyên bản, biến nơi đây như một bản làng của người dân tộc thực sự. Những người dân ở đây lâu đời cho biết, cách đây 10 năm, các đại gia Hà Nội bắt đầu về đây mua đất làm trang trại hay khu nghỉ dưỡng gia đình. Họ là những người có tiền và mong muốn có một chốn đi về nơi "miền sơn cước" sát thủ đô.

 Dọc theo các con đường làng thuộc hai xã Phú Cát và Hòa Thạch, đâu đâu cũng gặp những nếp nhà sàn đủ kiểu của nhiều dân tộc và vùng miền khác nhau.

Theo ông Phan Đăng Huỳnh, một người chuyên thiết kế và thi công các trang trại và khu nghỉ dưỡng tại đây, đó là những đại gia. Nhưng cả đời họ chui trong nhà "hộp" bê tông và xế hộp; cuộc sống đối mặt với những ồn ào phố thị hay giam mình trong những văn phòng điều hòa khiến họ muốn về với đất đồng quê. Họ mua đất, lập vườn và trong không gian đầy cây xanh, thanh tĩnh, khí hậu trong lành thì việc có thêm một ngôi nhà sàn là điều thật lý tưởng.

Anh Nguyễn Phú Quý, một người thầu thi công nhà và vườn ở đây, cho biết, để có được những ngôi nhà sàn ưng ý, các đại gia phải chi nhiều tiền để thuê người lên vùng cao săn tìm nhà sàn cổ. Gần 100% nhà sàn ở hai xã Phú Cát và Hòa Thạch là được "bê" nguyên từ các vùng cao như Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai.. .về. Nhà càng cổ, càng nguyên bản càng có giá và được nhiều người ưa thích."Đó là niềm vui của rất nhiều đại gia sau những ngày làm việc mệt mỏi nhưng cũng là thú chơi thể hiện đẳng cấp của người có tiền", ông Huỳnh nói.

Anh Bùi Đình Nam, một người chuyên mua bán và phục dựng nhà sàn có tiếng ở Phú Cát, cho biết, có thời điểm anh phải nằm vùng hàng tháng trời ở Sơn La để tìm mua nhà sàn cổ đáp ứng nhu cầu của các đại gia. Ban đầu chỉ có vài đại gia có nhu cầu sở hữu nhà sàn làm nơi nghỉ dưỡng. Càng về sau, thấy hay và đẹp nên nhiều người chạy theo mốt chơi này như một phong trào.

Anh Nam kể, người Tây Bắc bây giờ không còn nhà sàn cổ to đẹp nữa để ở vì người miền xuôi đã mua hết. Bây giờ người dân muốn ở nhà sàn thì phải làm bê tông vì gỗ hiếm và rất đắt.

Đến nay, số lượng nhà sàn của hai xã đã lên đến hàng trăm căn, lập nên một làng nhà sàn độc nhất vô nhị giữa đồng bằng Hà Nội. Mỗi lần đến đây, người ta tưởng như lạc vào một bản làng dân tộc miền cao với nhiều nét nhà của nhiều dân tộc và vùng miền khác nhau.

Thậm chí, có người còn cho rằng, đây là một bảo tàng sống về nhà sàn lớn nhất và độc đáo nhất Việt Nam. Chỉ có điều, đó chỉ còn cái vỏ nhà trong một không gian khác xa với nguyên bản.

Lối sống vương giả trong nhà sàn

Chủ sở hữu những ngôi nhà sàn và các trang trại, khu nghỉ dưỡng là những người có tiền. Họ đầu tư vào nơi đây để nghỉ dưỡng cuối tuần nên nhà sàn được dựng nên cũng chỉ giữ kiến trúc vỏ ngoài, còn bên trong là nội thất và thiết bị đáp ứng cuộc sống sang trọng và hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Thư, chủ một trang trại có nhà sàn, cho biết, ông đầu tư nơi đây chỉ để về nghỉ ngơi mỗi lúc cuối tuần, tránh sự căng thẳng của công việc hàng ngày. "Sống trong căn nhà kiểu dân tộc nhưng có mấy ai sinh hoạt giống người dân tộc. Nếp nhà sàn chỉ như một bức tranh để ngắm, một phong cảnh đẹp để chơi và 'tự sướng'. Hàng tháng chỉ có thể về đây nghỉ ngơi 1-2 ngày, mỗi lần về rủ thêm bạn bè đến tụ tậm cùng nhau thưởng ngoạn không gian khác lạ rồi cũng phải về Hà Nội để tiếp tục công việc làm ăn", ông Thư chia sẻ.

Nhà sàn được dựng nên cũng chỉ giữ kiến trúc vỏ ngoài, còn bên trong là nội thất và thiết bị đáp ứng cuộc sống sang trọng và hiện đại.

Nhà sàn được dựng nên cũng chỉ giữ kiến trúc vỏ ngoài, còn bên trong là nội thất và thiết bị đáp ứng cuộc sống sang trọng và hiện đại. "Mỗi khi về, ông chủ thường mời thêm bạn bè đến nhà thưởng thức các món ăn dân tộc, toàn những món đặc sản đắt tiền. Những ngày đó liên tục là đại tiệc tốn kém và huyên náo. Những rồi mọi thứ cũng sớm tàn và khu này lại rơi vào vắng lặng", anh Xuân nói.

Không ầm ĩ, tụ tập như các đại gia khác, anh Nguyễn Văn Bình sở hữu nhà sàn tại xã Hòa Thạch, lại có một phong cách chơi khác. Anh không thích sự náo nhiệt, anh về đây cần sự yên tĩnh, thư thái đọc sách, tỉa cây cảnh... Vì thế, ngoài ngôi nhà sàn đậm chất dân tộc mà anh thích, anh còn đổ hàng trăm triệu đồng để tôn tạo, tự tay thết kế, phối cảnh xung quanh khu vườn làm nổi bật thêm vẻ đẹp của ngôi nhà sàn.

Mỗi căn nhà sàn nơi đây đều gắn với những trang trại lớn, khu nghỉ dưỡng đẹp của các đại gia Hà Nội. Hàng ngày, nó im lìm và biệt lập với xung quanh. Cuối tuần, xe cộ, người phố đổ về với một phong thái xa xỉ và khác lạ với miền quê nơi đây. Vì thế, dù gọi là làng nhưng cả chục năm nay, những ngôi nhà sàn và khu vườn nơi đây vẫn là bí ẩn lớn đối với đa số người dân bản địa.

 

 

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/177118/dai-gia-nguoc-nui-doi-ca-ban-nha-san-ve-ha-noi.html

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm