Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại gia Lê Ân: 'Nói tui nợ, tui tức nên mua Rolls-Royce!'

Có người bảo: “Ông này thần kinh hình như có vấn đề”. Nhưng xét về mặt cuộc đời ông, phải công nhận là sóng gió.


Vào tù, ra khám

“Thực ra tui đã 75 tuổi  rồi. Khi ra tù, vợ phản, con hư. Đã vậy, người ta đồn là cha Lê Ân nợ như chúa chổm. Tui chán đời nên mua chiếc Rolls-Royce này cho cả thế giới biết chơi. Coi coi có cha chủ nợ nào thấy Lê Ân mua xe xịn mà tới đòi tiền không. Mà sao tui chờ hoài hổng thấy ai tới”, ông nói.

“Bực lên thì mua chiếc này, chứ có mấy khi tui đi, giờ nó lỗ muốn chết”, ông cười và thêm: “Tui tức nên làm vậy. Trước khi vào tù, tui có đội xe 3 chiếc, giờ tui mua 6 chiếc, toàn xe vài trăm ngàn đô trở lên”.

Tháng 8/1999, ngân hàng VCSB do Lê Ân làm chủ tịch hội đồng quản trị bị khởi tố vì tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lập ngân hàng huy động vốn, chiếm đoạt vốn và mất khả năng chi trả. Tháng 1/2000, Lê Ân và toàn bộ ban điều hành ngân hàng bị bắt và sau đó ông bị tuyên án tử hình.

Hành trình khiếu nại tiếp theo cùng với những thông số về tài chính cho thấy VCSB vẫn không mất cân đối, cộng với nỗ lực khắc phục hậu quả đã giúp ông từ từ được giảm án, xuống còn 20 năm tù, rồi còn 12 năm. Đến khi thụ án được 5 năm, 6 tháng, 17 ngày thì được thả.

"Làm vợ tui cực lắm"

“Người ta nói tui là đại gia cưới vợ trẻ. Thực ra làm vợ tui đâu có sướng. Từ hồi lấy tui đến giờ, bả sụt 4 ký lô vì phải làm đủ thứ chuyện: từ giúp tui điều hành khu du lịch (Chí Linh), kiêm luôn kế toán, rồi sáng sáng phải điểm báo cho tui, giờ thêm việc quản lý hoạt động của quỹ từ thiện Lê Ân”.

“Lần đầu tiên tui gặp bả, khi ấy còn là sinh viên đến thực tập. Tui hỏi: “Em có chịu làm vợ tui không?”. Bả sững người, lúng túng, nhưng một hồi cũng trả lời: “Chuyện này chú để cháu có thời gian suy nghĩ. Cháu phải xin ý kiến cha mẹ”. Tôi đồng ý vì như vậy là phải, áo mặc sao qua khỏi đầu. Tui mới đưa cho bả cuốn album của tui, nói “em cứ cầm về cho cha mẹ xem, tuần sau trả lời tui”.”

“Trời ơi, anh biết không! Khi nghe con gái nói là tui cầu hôn, má bả đóng cửa phòng khóc một tuần lễ. Bả chạy lại nói cho tui hay, tui nói “Vậy em có đưa cuốn album cho má coi chưa”, “Trời ơi, sao không đưa!”.”

Lê Ân trong lễ rước dâu người vợ hiện nay.

Cuốn album có tác dụng tức thì. Đó là cuốn album lưu lại những hoạt động của Lê Ân bên cạnh một số quan chức chính phủ, cho thấy “tầm vóc” của một tỷ phú.

“Tới lúc này ba má vợ tui, thiệt ra tui chỉ kêu là cậu mợ vì nhỏ tuổi hơn tui, lại hối cưới. Tui nói cứ từ từ vì phải coi ngày giờ đàng hoàng chớ không có làm ẩu được. Tui lấy vợ nhiều lần rồi, nhưng lần này có nhiều linh cảm báo cho tui biết đây mới đúng là người thực sự cùng tui chia sẻ cuộc sống”.

Làm giàu như Lê Ân

Rồi ông mải mê kể những câu chuyện ông đi kiện đòi lại tiền bạc, nhà đất. Trên chiếc bàn bầu dục trong ngôi nhà ông ở khu du lịch Chí Linh, tôi thấy một dãy hồ sơ cao ngất. Gần đây, báo chí hay đề cập đến chuyện ông kiện bà vợ lớn để đòi lại căn nhà trên đường Cách Mạng Tháng 8, TP.HCM.

"Tui kiện không phải vì tui thiếu tiền hay bần tiện. Bà này có với tui 5 mặt con rồi. Nhưng khi tui đi tù, bả làm đủ thứ chuyện như muốn tui chết luôn chứ không bao giờ được tự do trở lại. Tui nói chừng nào bả quỳ trước mặt tui xin lỗi thì tui sẽ cho, không kiện nữa".

“Cuộc đời tui mất tiền của bao nhiêu lần mà nói. Có bà ôm của tui vài chục ký vàng rồi bỏ đi là chuyện bình thường. Hồi xưa tui làm ra tiền lắm. Một ngày tui kiếm cả hai, ba chục lượng vàng”.


Lê Ân có máu kiếm tiền từ nhỏ. Thời chế độ Sài Gòn, ông giành được mối thầu cung cấp thực phẩm cho biệt kích Mỹ ở căn cứ Lộc Ninh, Bình Long ngày trước. Sau đó lên Sài Gòn, buôn bán đô la đỏ với mưu đồ lập ngân hàng.

“Sau giải phóng, tui buôn lậu vải. Hồi đó, người Bắc rất thích vải vóc từ trong Nam. Do đó, bên cạnh việc điều hành đội xe đò, tui còn buôn vải từ Nam ra Bắc. Mỗi ngày tui kiếm được vài chục lượng vàng. Rồi sau đó tui lập cơ sở gia công vàng bạc, nhưng thực chất tui sản xuất lậu vàng miếng nhãn hiệu Kim Thành để cung cấp cho dân vượt biên”.

Và đến khi mô hình hợp tác xã tín dụng rộ lên hồi cuối thập niên 1980, Lê Ân chính thức đặt chân vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Cho đến ngày 10/1/2000 định mệnh...

Theo Một Thế Giới

Bạn có thể quan tâm