Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại gia hút điếu cày đi Rolls-Royce: 'Làm khách sạn cho vui'

Sở hữu 21 khách sạn Mường Thanh từ 2 – 5 sao trên cả nước, nhưng ông Lê Thanh Thản chỉ tâm niệm khách sạn là nghề tay trái để tạo công ăn việc làm cho xã hội, không nghĩ đến lãi.

Đại gia hút điếu cày đi Rolls-Royce: 'Làm khách sạn cho vui'

Sở hữu 21 khách sạn Mường Thanh từ 2 – 5 sao trên cả nước, nhưng ông Lê Thanh Thản chỉ tâm niệm khách sạn là nghề tay trái để tạo công ăn việc làm cho xã hội, không nghĩ đến lãi.

Hệ thống khách sạn Mường Thanh vừa được tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là “Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam”, nhưng vị chủ nhân của chuỗi khách sạn này vẫn rất khiêm tốn khi nói về nghiệp làm khách sạn của mình.

Là một ông chủ lớn với hàng ngàn nhân viên, nhưng ít ai nghĩ trước mặt mình là một đại gia cỡ bự. Không hàng hiệu, cũng không ăn mặc chỉn chu, chải chuốt bóng lộn cho vẻ bề ngoài, trông ông bình dị như một gã nông dân chính hiệu với trang phục xuề xòa, thích hút điếu cày và ăn mắm tôm.

 
Ông Lê Thanh Thản.

Ông nói: “Niềm vui lớn nhất với tôi là giúp đỡ được nhiều người. Làm khách sạn nếu tính toán lỗ - lãi thì không ai dám làm. Nhưng tôi thích làm khách sạn vì nó tạo công ăn việc làm được cho nhiều người”.

Sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, năm 1978, ông Lê Thanh Thản được Tỉnh ủy Nghệ An tăng cường lên công tác tại huyện vùng cao Sìn Hồ, Lai Châu. Gần 10 năm sau, khi công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu, ông Thản đã mở xưởng sản xuất vật liệu xây dựng ở huyện Mường Lay, Lai Châu.

Và, sau hơn 20 năm xây dựng, trưởng thành, vượt bao thăng trầm của thời cuộc, cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động manh mún ở cấp huyện thủa ban đầu đã biến thành 1 công ty tư nhân hàng đầu của 2 tỉnh Tây Bắc là Điện Biên và Lai Châu với số vốn lên đến nhiều trăm tỷ đồng. Không những thế, ông cũng là chủ sở hữu của thương hiệu khách sạn ngày càng trở nên nổi tiếng là Mường Thanh.

Đặc sản tiếng Nghệ An

- Ông đã bắt đầu với sự nghiệp kinh doanh khách sạn của mình như thế nào?

- Đầu những năm 1990, khi quyết định mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực du lịch, tôi đã xây dựng khách sạn mini đầu tiên ở hồ Ba Khoang (tỉnh Điện Biên). Trên cơ sở khai thác thành công công suất sử dụng phòng, tôi đã xây thêm khách sạn Mường Thanh ở thành phố Điện Biên Phủ.

 

Khách sạn Mường Thanh Xa la. 

Tới năm 2003, tôi mới đầu tư về Hà Nội, mảnh đất nhiều cơ hội song cũng khá thách thức vì nhiều dự án bất động sản của các đại gia, cả trong và ngoài nước đang được triển khai.

Dù khó khăn, nhưng rồi chúng tôi cũng vượt qua. Hàng loạt khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt ra đời: Năm 2006 là khách sạn tại Vinh (Nghệ An) và Tam Đường (Lai Châu). Năm 2006 khai trương khách sạn Mường Thanh Thanh Niên tại Thành phố Vinh. Ngày 10/10/2009 khai trương khách sạn 4 sao Mường Thanh Best Western Hà Nội. Ngoài ra còn có các dự án cao cấp khác là khách sạn Mường Thanh Hạ Long (21 tầng), Mường Thanh Xa La Hà Đông (9 tầng), Mường Thanh Sa Pa ( 7 tầng), Mường Thanh Điện Biên ( 9 tầng) và tổ hợp trung tâm thương mại - khách sạn - nhà ở Diễn Châu có quy mô hiện đại…

- Tại sao ông lại chọn cái tên Mường Thanh để đặt cho hệ thống khách sạn của mình?

- Mường Thanh, theo tiếng Thái là Mường Trời, là vùng văn hóa Thái tiêu biểu, là một trong những cái nôi của người Thái. Chúng tôi kỳ vọng hệ thống khách sạn Mường Thanh sẽ trở thành một điểm đến, một miền thanh thản đất trời như cái tên của nó.

-Thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều đại gia lớn trong ngành khách sạn cũng phải bán lại hoặc chuyển nhượng một phần khách sạn cho đối tác khác vì khai thác không hiệu quả, thì ông lại quyết định đầu tư xây thêm nhiều khách sạn mới. Như vậy có vẻ hơi bất bình thường?

- Tôi luôn tâm niệm làm khách sạn, mục tiêu lớn nhất là tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Với hệ thống hơn 20 khách sạn Mường Thanh của tôi, cũng tạo được công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động ở quê hương tôi. Quê tôi vốn là vùng đất nghèo, không được thiên nhiêu ưu đãi, nên người dân giàu nghị lực mà vẫn khổ.

Vì vậy, khi tuyển nhân viên tôi thường ưu tiên người Nghệ An trước, rồi mới đến dân các tỉnh khác. Giờ đi đâu, cứ có khách sạn Mường Thanh là thấy người Nghệ An. Tôi hay đùa: “Tiếng Nghệ An cũng là đặc sản của khách sạn Mường Thanh”.

Vui vì nhân viên đi xe hơi

- Phải chăng vì thế nhiều người khi đến nhờ ông phải cố gắng tập nói tiếng Nghệ An để được ưu tiên?

- (Cười lớn) Tôi không biết họ có tập hay không, nhưng chưa phát hiện được ai nói tiếng Nghệ An “giả” cả.

- Nghiệp kinh doanh khách sạn đã mang đến cho ông điều gì?

- Niềm vui. Thấy nhân viên của mình giàu lên từng ngày, người mua nhà, người mua xe hơi, thế là tôi vui. Ngoài ra, khi xây khách sạn tại một tỉnh, tức là tham gia vào việc phát triển kinh tế ở tỉnh đó, thấy đời sống bà con đi lên, tôi cũng vui.

Tôi có hơn 20 khách sạn, một năm đi thăm hết là cũng coi như là được đi du lịch suốt rồi. Ở mỗi khách sạn tôi đều có một phòng riêng, đó cũng là ngôi nhà thứ hai của tôi.

- Nhiều đại gia trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nổi đình đám như chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển. Ông sở hữu hơn 20 khách sạn Mường Thanh, cũng thuộc hàng “đại gia” rồi. Nhưng hình như ông hơi “trầm” thì phải?

- Không so sánh thế được vì mình không biết được hoàn cảnh từng người. Mỗi anh có thế riêng. Mình là nhỏ, các anh ấy lớn vươn ra cả nước ngoài. Tôi mới chỉ có 20 khách sạn từ 3 - 5 sao tại 16 tỉnh, thành phố. Khách sạn chỉ là nghề tay trái để tạo công ăn việc làm cho xã hội và lấy chỗ dựa để thúc đẩy thêm ngành bất động sản. Khi nào bất động sản kém rồi thì lấy khách sạn làm chính.

Lấy giá rẻ, phục vụ tốt để cạnh tranh

- Được biết, mặc dù tình hình kinh doanh của các khách sạn hiện nay rất khó khăn, nhưng khách sạn Mường Thanh thì luôn kín tới 80% khách. Ông có thể tiết lộ bí quyết của mình được không?

- Tiêu chí làm khách sạn của tôi cũng như bất động sản, lấy giá rẻ nhưng dịch vụ tốt để cạnh tranh. Cũng 4 sao như nhau nhưng giá phòng khách sạn của tôi chỉ bằng nửa khách sạn của Tây.

Ví dụ, khách sạn của họ 60 – 70 USD/đêm, thì khách sạn của tôi chỉ 30 – 40 USD/đêm. Khách của tôi cũng chủ yếu là khách tour, nên giá rẻ, phục vụ tốt, ắt sẽ đông thôi.

- Nhưng như thế thì cũng đồng nghĩa là ông sẽ lãi ít?

- Tôi nói rồi, làm khách sạn là để tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Còn nếu tính lời lãi thì sẽ không ai đầu tư làm khách sạn giai đoạn này.

Chi phí đầu tư xây dựng một khách sạn không hề nhỏ, lại còn chi phí vận hành, quản lý. Trong khi đó, việc khai thác phải ít nhất trong vòng 12 – 15 năm mới thu hồi vốn và sau 15 năm thì mới có lãi.

- Trong bối cảnh nhiều đại gia giàu nhất trên sàn chứng khoán cũng phải than khó, thì việc ông đầu tư xây dựng hàng loạt khách sạn như thế này, có phải là “chơi ngông”?

- Tôi có bao nhiêu làm bấy nhiêu, không làm kiểu có ít làm nhiều. Làm thứ gì chắc thứ đó, không ở núi này trông núi nọ.

Ngoài ra, tôi hạn chế tối đa việc vay ngân hàng. Có nhiều nguồn vay, ngân hàng chỉ là một phần. Anh nào kinh doanh lấy ngân hàng làm nguồn chính là chết.

Tôi tận dụng qua việc mua vật tư sắt, thép, gạch, xi măng... chịu, có những đơn vị đến và nói bác cứ lấy cho em, tháng sau thanh toán cũng được. Tất nhiên, phải có uy tín mới mua chịu kiểu đó được.

Nguồn thứ 2 là huy động của dân. Nguồn thứ 3, ít ra mình cũng phải có 30 - 40% vốn chứ. Thứ 4 là uy tín. Uy tín cũng là tiền. Ngân hàng xem sau cùng, bí quá thì mới đi vay.

- Trong làm khách sạn, theo ông yếu tố nào quan trọng nhất?

- Vị trí. Tôi sẵn sàng trả mức giá cao cho một vị trí quan trọng.

Khách sạn Mường Thanh Vinh tại ngã ba đường Phan Bội Châu cắt đường Trường Chinh là một ví dụ. Nhờ vị trí thuận lợi cho khách đi tàu, ra sân bay, công suất khai thác phòng nghỉ ở đây luôn đạt trên 80%.

Hay tại ngã ba Diễn Châu, Nghệ An, tôi cũng đầu tư trung tâm thương mại, nhà liền kề ngay khu đất trung tâm thị trấn, nơi giao nhau giữa Quốc lộ 7 (sang Lào) và Quốc lộ 1A, sát đường xuống bãi biển Diễn Thành. Lô đất ôm trọn cả chợ Phủ Diễn, chợ lớn nhất huyện. Nhờ vị trí đẹp nên tòa chung cư và khu nhà liền kề, cũng như các gian hàng trong trung tâm thương mại đã được khách mua hết từ lúc còn đang xây dựng.

Các dự án khách sạn khác của tôi tại thị trấn Sapa (Lào Cai), thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), thành phố Hạ Long (Quảng Ninh)…cũng đều có vị trí rất đẹp.

Làm ở quê hương, tất cả đều phi lợi nhuận

- Ông vừa khánh thành khách sạn Mường Thành 5 sao đầu tiên tại Vinh (Nghệ An). Thực tế, ở Nghệ An đã có 2 khách sạn Mường Thanh rồi và tại sao ông không chọn Hà Nội hay một thành phố du lịch nào khác để đầu tư khách sạn 5 sao?

- Vì Nghệ An là quê hương tôi. Tất cả những công trình ở quê hầu như phi lợi nhuận. Thậm chí, tôi còn phải cấp tiền thêm để hỗ trợ. Con cháu trong họ, trong quê được tôi kéo đi làm khắp nước, thế là vui rồi.

- Bí thư Nghệ An Hồ Đức Phớc trong buổi khánh thành khách sạn 5 sao Mường Thanh ở Vinh có nói rằng ông từng góp tiền để xây dựng sân bay, làm bệnh viện, trường học. Những công trình này cũng đều là phi lợi nhuận?

- Đúng vậy. Khi nhìn lũ trẻ phải lội bộ đến trường trên những con đường xa lắc, rồi cảnh bà con ốm đau phải phó thác sinh mạng cho những cơ sở khám chữa bệnh nghèo nàn, thiếu thốn…tôi đã quyết định xây dựng trường học và bệnh viện tại Diễn Châu – Nghệ An.

Những năm đầu tôi đầu tư toàn bộ và bù lỗ tiền lương, chi phí. Những năm sau này bắt đầu có lời chút ít, tôi đặt ra định mức một năm trường học và bệnh viện phải trích tiền lời đó ra để làm từ thiện. Với người nghèo và gia đình chính sách đều có chính sách miễn giảm.

Theo VTC News

Theo VTC News

Bạn có thể quan tâm