Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại gia đua 'mua chui bán lén' cổ phiếu

Từ công ty "đại gia" tới doanh ngiệp nhỏ, giao dịch cổ phiếu không công bố thông tin của cổ đông lớn, nội bộ diễn ra tràn lan, bất chấp quy định xử phạt của cơ quan quản lý.

Đại gia đua 'mua chui bán lén' cổ phiếu

Từ công ty "đại gia" tới doanh ngiệp nhỏ, giao dịch cổ phiếu không công bố thông tin của cổ đông lớn, nội bộ diễn ra tràn lan, bất chấp quy định xử phạt của cơ quan quản lý.

Bán chui cổ phiếu, Chủ tịch Kienlong Bank bị phạt 70 triệu

Ngày 10/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) thông báo vi phạm giao dịch chứng khoán của ông Trầm Khải Hòa, con trai Phó chủ tịch Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank. Theo đó, ông Hòa đã mua hơn nửa triệu cổ phiếu trong tháng 6 nhưng không công bố thông tin. Với số cổ phiếu mua được, ông Trầm Khải Hòa hiện nắm giữ phần vốn tại STB nhiều gấp 3 lần ông Trầm Bê (Phó chủ tịch Sacombank chỉ sở hữu hơn 115.000 cổ phần).

Cùng ngày, Phó chủ tịch Sudico cũng bị HOSE phanh phui việc giao dịch chui lượng lớn cổ phiếu. Số cổ phiếu mà cá nhân này mua không báo cáo là hơn nửa triệu đơn vị, tương đương 5% lượng nắm giữ cổ phiếu của cổ đông cá nhân lớn nhất SJS.

Cổ đông lớn STB đua nhau mua bán "chui" dù liên tiếp nhận án phạt

Đây không phải là những trường hợp hiếm gặp trên thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2012. Sacombank là đơn vị dính tới nhiều vụ mua lén bán chui nhất trên thị trường trong thời gian qua. Ông Trần Phát Minh, sau 2 lần mua bán chui không còn là cổ đông lớn của Sacombank (tỷ lệ sở hữu giảm xuống dưới 5%). Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông không cần công bố thông tin trong những giao dịch kế tiếp đối với khoảng 48 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Tương tự như ông Minh là Công ty cổ phần đầu tư tài chính Á châu, với số lượng cổ phiếu còn nắm giữ là khoảng 47,88 triệu đơn vị.

Chỉ trong 6 tháng, giao dịch cổ phiếu STB đã ghi nhận tới 5 trường hợp mua bán “quên” báo cáo. Mức phạt của Ủy ban Chứng khoán cho mỗi trường hợp này cao nhất là 70 triệu đồng.

Vướng phải mua bán chui này còn có tên nhiều đại gia khác như Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) và Công ty cổ phần Tân Tạo (ITA). Thương  vụ mua bán chui lớn nhất trong những tháng đầu năm 2012 lại có liên quan đến bà Đặng Thị Hoàng Yến và cổ phiếu ITA. Theo đó, tháng 5/2012, HOSE thông báo về việc Đại học Tân Tạo bán tới 22,115 triệu cổ phiếu ITA từ quý I nhưng không công bố thông tin. Cả 2 công ty đều do bà Yến làm Chủ tịch HĐQT. Trong thời gian giao dịch này “âm thầm” diễn ra thì giá cổ phiếu của ITA đạt đỉnh 11.500 đồng một đơn vị, trước khi rơi xuống mức 9.200 đồng.

Trong tháng 7 vừa qua, Chủ tịch QCG thông báo trích cổ phần để biếu tặng, nhưng khác với lần trước cách đây một năm, lần này bà Loan đã thông báo thay đổi sở hữu. Trước đó, trong lần tặng 81.000 cổ phiếu cho các tổ chức giấu tên, bà Loan đã phải nộp phạt 40 triệu đồng do "quên" báo cáo.

Không chỉ có các “đại gia” trên sàn mua, bán chui bất cần quy định xử phạt, ngay cả những công ty nhỏ cũng tràn lan hiện tượng "tiền trảm hậu tấu" này. Hầu như ngày nào Sở cũng đưa ra thông báo về việc vi phạm công bố thông tin của các giao dịch Gần đây nhất, cổ đông của ASM, HOM, HGL, SVN, Vinalink,... đều bị SSC "sờ gáy" vì không công bố thông tin giao dịch hoặc tiến hành mua bán trước khi Sở ra thông báo.

Nhận định về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc các cổ đông "mua chui bán lén" có thể xuất phát từ sự vô tình phạm luật. Theo ông Hải, một số ít các nhà đầu tư vi phạm lỗi trên là những người mới gia nhập thị trường, chưa nắm được các quy định của luật, nên quên báo cáo. Bà Yến, trong vụ việc bán lén cổ phiếu ITA, trần tình rằng việc chuyển nhượng chỉ diễn ra trong phạm vi nội bộ, do không nắm vững các quy định nên chủ quan không thông báo.

Tuy nhiên, ông Hải cũng nhấn mạnh rằng phần lớn loại vi phạm này được cố tình thực hiện nhằm thu lợi bất chính nhờ việc tránh được ảnh hưởng của thông tin và những thay đổi bất lợi từ thị trường. Đồng quan điểm với ông Hải, một chuyên gia chứng khoán nhận định tình trạng trên dường như đang được hỗ trợ từ chính các quy định xử phạt "mềm" của SSC. Lỗi vi phạm lặp đi lặp lại do mức phạt chỉ vài chục triệu, trong khi lợi ích thu được lên tới hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng.

Mặc dù khẳng định ngay từ đầu năm về việc sẽ thực hiện nghiêm các quy định về giao dịch chứng khoán nhưng SSC vẫn bị cho là "ngâm thiu rồi mới phạt" khi để thời điểm xử lý cách quá xa so với thời gian diễn ra giao dịch. Mới đây, ông Vũ Bằng - Chủ tịch SSC - thừa nhận có hiện tượng này, đồng thời cho biết SSC đang gấp rút sửa đổi lại các điều khoản liên quan đến hành vi vi phạm theo hướng rút ngắn thời gian xử lý.

Ngoài rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao mức phạt đối với loại vi phạm này, theo Tổng thư ký Hiệp hội VAFI, SSC nên thực hiện biện pháp phòng ngừa giao dịch không công bố thông tin ngay từ bước đặt lệnh. Ông đề xuất các Sở giao dịch nên thiết lạp các "barrier" để ngăn chặn hoạt động mua, bán chui ngay trong hệ thống phần mềm giao dịch. Theo ông Hải, thay vì phải xin phép, các cổ đông có thể chỉ cần thông báo trước khi thực hiện giao dịch, thông tin được tích hợp lên hệ thống, vừa rút ngắn thời gian, vừa bảo đảm tính công khai của thị trường.

Hạ Minh

Theo Infonet

Hạ Minh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm