Sân chơi của giới tỷ phú
“Đầu tư cho các chuyến bay thương mại vào vũ trụ đã trở thành xu hướng phổ biến trong nhóm những người giàu nhất hiện nay”, đó là nhận định của ông Liam Bailey, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn cầu Knight Frank.
Theo thống kê của công ty này, hơn 70 người giàu nhất thế giới (những người có tài sản ròng từ 30 triệu đôla Mỹ trở lên) đã đầu tư vào lĩnh vực du lịch vũ trụ. 13 người trong số đó là những tỷ phú có tổng giá trị tài sản khoảng 175 tỷ đôla.
Mô hình phi thuyền của XCOR. |
Trong vài năm qua, những tiến bộ khoa học công nghệ đã lọt vào tay nhóm tỷ phú công nghệ trẻ và doanh nghiệp tư nhân. Và đây chính là “điểm bùng phát” cho những đam mê đầy táo bạo trong lĩnh vực đầu tư vào vũ trụ của họ.
Hiện tại, có khoảng 10 doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực vận chuyển trong vũ trụ. Đó là SpaceX của nhà tỷ phú kiêm đồng sáng lập thương hiệu PayPal Elon Musk, là Blue Origin do tổng giám đốc điều hành của Amazon - Jeff Bezos làm chủ, hãng Virgin Galactic của đại gia Richard Branson và XCOR Aerospae của Jeff Greason.
Chiến lược đầu tư cho thị trường du lịch vũ trụ có thể xem như “một mũi tên trúng 2 đích”. Vì bên cạnh những tiềm năng lớn về kinh tế ở “trên trời”, các hãng tư nhân tham gia cuộc chơi này còn có cơ hội phát triển thị phần của họ “dưới đất”.
Virgin Galactic chẳng hạn, họ đã hướng tới các chương trình du lịch xuyên lục địa nhờ cắt giảm được thời gian di chuyển đáng kể. Nếu các công nghệ phát triển thành công, du khách sẽ chỉ mất vài giờ để đi từ London tới Sydney, từ San Francisco tới Singapore, chỉ mất 90 phút từ Dubai qua Vancouver và mất một tiếng từ Moscow đi New York.
New Space - cuộc cách mạng kinh tế tiếp theo?
Tiếp theo 2 “ông lớn” Space Exploration Technologies và Virgin Galactic, hãng Blue Origin LLC thuộc Amazon trở thành đại gia thứ 3 tham gia thị trường mới hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển nhanh và mạnh tại Mỹ có tên “New Space” (Không gian mới).
Sự kiện này được đánh dấu bằng hợp đồng trị giá 6,8 tỷ đô la của Blue Origin LLC với hãng máy bay Boeing công bố ngày 16/9. Trên thực tế, CEO Jeff Bezos của Amazon không phải tỉ phú duy nhất quan tâm tới thị trường “Không gian mới” - khai thác tiềm năng kinh tế từ vũ trụ.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ tại Mỹ đang tranh thủ nắm bắt cơ hội từ các hợp đồng với chính phủ và đầu tư nguồn lực khai thác tiềm năng ở lãnh địa kinh tế mà Branson, CEO của hãng Virgin Galactic gọi là “ranh giới cuối cùng” để khám phá.
Tổng giám đốc điều hành SpaceX, Elon Musk, phát biểu sau buổi ra mắt tàu vũ trụ Dragon V2 tại Hawthorne, California ngày 29/5/2014. |
Theo ông Dick David, CEO của hãng NewSpace Global, đơn vị chuyên cung cấp các bản phân tích về thị trường này tới các thành viên tham gia, thị trường “Không gian mới” được dự đoán sẽ là cuộc “cách mạng kinh tế” lớn tiếp theo, bên cạnh các lĩnh vực kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay là Internet, công nghệ sinh học, hàng không và ô tô. Đây sẽ là cầu nối giữa các tài năng công nghệ và những bệ đỡ tài chính.
Nhận định về cái lý của xu hướng mới này, ông David hóm hỉnh: “Các tỷ phú đã không trở thành tỉ phú nếu họ đưa ra những quyết định sai”.
Nằm trong chương trình Launch America của Mỹ, hợp đồng giữa Blue Origin LLC với hãng máy bay Boing nói trên thuộc kế hoạch “thoát Nga” của Mỹ trong lĩnh vực du hành vũ trụ. Mới đây, NASA đã chọn Boeing và SpaceX là hai hãng sẽ sản xuất tàu con thoi vào năm 2017.
Nhiều năm qua, Mỹ đã liên tục tìm kiếm cách thức phát triển ngành công nghiệp thương mại hàng không hiệu quả, họ gọi đó là “các hoạt động thương mại Không gian mới”. Theo đó, họ đã kêu gọi tìm ra những phương thức tiết kiệm và tin cậy có thể đưa con người đi lại giữa vũ trụ và trái đất.
Với sự tham gia nhiệt tình hơn của các doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực lâu nay nhiều nhà đầu tư còn ngần ngại, NASA hy vọng, sự cạnh tranh mạnh mẽ và tích cực của họ sẽ giúp người Mỹ được trở lại thăm chị Hằng trong một ngày không xa.
Nhà giàu sẵn sàng chi tiền
Khi bước lên chuyến tàu vũ trụ SpaceShip Two của hãng Virgin Galactic, du khách sẽ được thưởng ngoạn một cảnh quan mà chỉ cách đây 50 năm thôi hoàn toàn nằm ngoài nhận thức con người, đó là cảnh trên thực tế mới chỉ khoảng 500 người được chứng kiến: đường cong của Trái Đất đối diện với phần còn lại thăm thẳm của vũ trụ.
Hành trình du ngoạn kéo dài 2 tiếng đồng hồ sẽ thổi bùng cảm giác phấn khích tột độ của 6 hành khách và 2 phi công trong gần 70 dặm trên bầu
trời. Họ sẽ còn trải qua khoảng 5 phút tình trạng không trọng lượng rồi mới trở lại hạ cánh xuống Spaceport America ở New Mexico, một nơi được xem như là sân bay vũ trụ thương mại dầu tiên trên thế giới được xây dựng dành cho mục đích này.
Lẽ dĩ nhiên những trải nghiệm đầy đặc quyền như vậy có giá không hề nhẹ. Vé lên tàu vũ trụ là 250.000 đôla/người. Cho tới nay, hãng Virgin Galactic đã tích lũy được khoảng 80 triệu đô la từ tiền đặt vé trước của khách hàng.
Doanh nhân Richard Branson và mô hình tàu vũ trụ. |
Tổng giám đốc điều hành của Virgin Galactic Branson cho biết, ông và các con ông sẽ đi trên chuyến bay đầu tiên vào cuối năm nay. Có vẻ như có sự chậm trễ nào đó chưa được lý giải. Bởi trước đây ông này từng nói các du khách đầu tiên ghé thăm vũ trụ trên tàu của hãng ông sẽ khởi hành năm 2007.
Tuy đắt đỏ là thế nhưng đã có 700 người từ 57 quốc gia trên thế giới đăng ký (và dĩ nhiên cũng đã thanh toán) để đặt một chỗ trên chiếc SpaceShip Two
Trong số các vị thượng đế đầu tiên này, người ta thấy có cả nam diễn viên lừng danh Leonardo DiCaprio, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng Stephen Hawking, danh ca nhạc Pop Justin Bieber, v.v... Đặc biệt, cô ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mỹ Lady Gaga cũng đã đặt trước một vé và nếu mọi thứ diễn ra theo đúng dự kiến, năm tới, Lady Gaga sẽ trở thành ca sĩ đầu tiên biểu diễn ngoài vũ trụ.
Liệu có khả thi?
Mặc dù hứa hẹn nhiều tiềm năng lớn, nhưng diện mạo sắp tới của lĩnh vực kinh doanh này cũng vẫn rất khó dự đoán. Thực tế cho thấy, thị trường cho các dự án ngoài vũ trụ còn chưa phát triển, trong khi đây là lĩnh vực ngốn quá nhiều tiền đầu tư mà thời gian để thu hồi vốn và lấy lãi xem ra còn quá dài.
Hàng rào của sân bay vũ trụ Spaceport America. |
Người ta ngần ngại đặt câu hỏi, liệu số các tỷ phú tư nhân đã tham gia cuộc chơi có đủ để tạo nên một ngành du lịch vũ trụ thực sự phát triển.
Theo nghiên cứu của hãng The Tauri Group của Mỹ, trong một thập kỷ tới, sẽ có khoảng 4.000 người nữa mua vé trên các chuyến tàu thám hiểm không trung. Tổng doanh thu có được từ nguồn này vào khoảng 600 triệu đô la, số tiền đủ để hỗ trợ một ngành công nghiệp với rất nhiều ông chủ. Ông Liam Bailey của Knight Frank nhận định: “Nếu một vài năm trước, không gian vũ trụ chỉ là chút đam mê riêng thì nay nó đã được nhìn nhận nghiêm túc như một cơ hội đầu tư thương mại. Chúng ta không ngạc nhiên về xu hướng nổi lên trong nhóm một số tỷ phú giàu nhất thế giới bỏ tiền vào lĩnh vực du lịch thương mại trong vũ trụ. Rất nhiều người trong số đó phất lên nhờ công nghệ, bản thân họ đã chứng nghiệm thành công việc vượt qua mọi ranh giới, điều đó khiến họ phấn khích. Nhưng tổ chức dịch vụ thương mại đi lại trong vũ trụ là một bước tiến vào vùng chưa biết đến với họ, nó là một câu chuyện rất lớn khác”.
Dù còn đó nhiều băn khoăn, ông chủ Tập đoàn Virgin vẫn tin tưởng rằng, đầu tư kinh doanh trong vũ trụ sẽ là “một trong những thị phần đầu tư hấp dẫn nhất trong khoảng 20 năm tới. Cũng đã có những bằng chứng cho thấy các thành viên dẫn đầu cuộc chơi này đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng đầu tư và có được những đánh giá tích cực thể hiện tin tưởng vào sự phát triển trong tương lai”.