Theo South China Morning Post, Ctrip hiện có vốn hóa thị trường khoảng 16,5 tỷ USD. Lãnh đạo của công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc đã liên hệ và đề nghị một số nhà đầu tư, bao gồm các doanh nghiệp tư nhân và hãng công nghệ trong nước gia nhập thương vụ rút niêm yết.
Động thái của Ctrip diễn ra khi các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ phải đối mặt với sự giám sát nghiêm ngặt và yêu cầu kiểm toán chặt chẽ hơn từ phía chính quyền Mỹ. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng leo thang. Điều này khiến một số công ty Trung Quốc rút niêm yết khỏi sàn giao dịch Mỹ và chuyển về thị trường gần quê nhà hơn.
Một nguồn tin cho biết, phi vụ thương thảo hiện ở giai đoạn đầu và vẫn có thể thay đổi. Đại diện của Ctrip từ chối bình luận về thông tin này.
Ctrip là công ty du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc với mức vốn hóa 16,5 tỷ USD. Ảnh: AFP. |
Theo số liệu của Refinitiv, từ đầu năm 2020 đến nay, có tới 6 công ty Trung Quốc đăng ký niêm yết tại Mỹ. Tổng giá trị của các công ty này trên thị trường đạt khoảng 9,1 tỷ USD.
Ngày 27/7, đại diện của Sogou cho biết Tencent đã mở lời mua toàn bộ số cổ phần còn lại của công ty truyền thông Internet Trung Quốc này. Sogou được định giá ở mức khoảng 3,5 tỷ USD.
Trước đó, hồi tháng 5, Reuters cũng đưa tin gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Baidu đang thảo luận về việc rút niêm yết khỏi sàn giao dịch tại Mỹ.
Theo thông tin từ Reuters hồi tháng 1, cả Ctrip và Baidu đều đã tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ với Sàn Giao dịch Hong Kong về khả năng niêm yết chứng khoán thứ cấp tại thị trường của đặc khu này.
Theo đại diện của Ctrip, hãng này cân nhắc hủy niêm yết tại sàn giao dịch Mỹ vì đại dịch Covid-19 khiến việc kinh doanh của Ctrip thiệt hại nặng nề trong nửa đầu năm 2020, gây sức ép đáng kể lên giá trị công ty.
Theo báo cáo của Ctrip, trong quý đầu năm 2020, doanh thu ròng của công ty giảm 42% so với năm 2019, trong khi lỗ ròng khoảng 754 triệu USD. Ctrip dự báo doanh thu ròng quý II sẽ giảm khoảng 67-77% do tác động của đại dịch Covid-19. Từ đầu năm 2020 đến nay, giá cổ phiếu của hãng này giảm 17%.
Danh sách cổ đông đa dạng của Ctrip là thách thức lớn để giành được sự ủng hộ tuyệt đối nhằm hủy bỏ niêm yết. Theo báo cáo thường niên cuối năm 2019 của công ty, Baidu là cổ đông lớn nhất tại Ctrip, nhưng chỉ sở hữu 11,7% cổ phần.
Được thành lập vào năm 1999, Ctrip bắt đầu niêm yết trên sàn Nasdaq vào năm 2003. Công ty là một trong những đại diện đầu tiên của làn sóng các hãng công nghệ Trung Quốc đăng ký niêm yết tại thị trường nước ngoài.