Chuyện không lạ
Một ngân hàng cổ phần mới hoàn tất giai đoạn đầu của tái cơ cấu để xuất hiện trong một hình hài mới khi hầu hết các cổ đông cũ đã ra đi thay vào đó là những cổ đông mới. Tuy nhiên, thấp thoáng trong đó người ta lại thấy bóng dáng những ông chủ đang có chân ở những ngân hàng khác. Một số ít đứng tên nhưng đa số nhờ người khác đứng tên và đó cũng thường là những người đã từng xuất hiện trong thành phần lãnh đạo các ngân hàng khác.
Một chuyên gia từng công tác ở Ủy Ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, đây không có gì là chuyện lạ, phải lật tìm đến mấy đời cũng chưa rạch ròi hết sở hữu chéo. Trên thực tế, một doanh nhân dù không có tên trong danh sách cổ đông nhưng vẫn được biết đến là người rất có quyền lực ở ngân hàng (NH) đó. Hay tại sao lại có một cô thư ký, anh lái xe, bà giúp việc đứng hộ tên cổ phần, cổ phiếu cho ông chủ ngân hàng…
Trong một thời gian ngắn, để tăng được lượng vốn hàng nghìn tỷ đồng là không đơn giản. Trong nhiều cách, có một cách là lách quy định thông qua sở hữu chéo. |
Trao đổi mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết: "Nếu nhìn vào cơ cấu sở hữu của các NH trước và sau khi tái cấu trúc sẽ thấy có những ngân hàng sau khi hợp nhất thì cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi hoặc tăng tính phức tạp về sở hữu chéo. Tức là, đằng sau các nhóm cổ đông đó là doanh nghiệp phi tài chính nắm quyền kiểm soát các ngân hàng này trước đó thì giờ vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát".
Thực tế, qua các vụ sáp nhập, hợp nhất gần đây do việc tìm kiếm các nhà đầu tư mới là không dễ, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế đã dẫn đến tình trạng không có những nhà đầu tư thực sự để thay thế các cổ đông hiện hữu. Để lách luật, nhóm cổ đông mới phải tham gia dưới nhiều nhóm cổ đông khác nhau, thông qua các tổ chức khác nhau, nhưng các tổ chức này thực sự cũng có liên quan. Và như vậy một cấu trúc sở hữu chéo cũ được thay bằng một cấu trúc sở hữu chéo mới.
Một tình huống khác đã xảy ra trong hệ thống NH là trong một thời gian ngắn, các ngân hàng đã phải cấp tập tăng vốn điều lệ tối thiểu đến năm 2008 là 1.000 tỷ đồng và hạn cuối là 31/12/2010 là 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, yêu cầu tăng vốn lên 3.000 tỷ là một thách thức lớn khi rơi đúng vào thời kỳ chứng khoán khó khăn, kinh tế xuất hiện nhiều bất ổn.
Bằng cách nào và lực lượng nào đã huy động một số vốn lớn hàng chục ngàn tỷ cho các ngân hàng. Một nghi vấn đã được đặt ra: trong một thời gian ngắn, để tăng được lượng vốn hàng nghìn tỷ đồng là không đơn giản. Trong nhiều cách, có một cách là lách quy định thông qua sở hữu chéo.
Một chuyên gia dẫn chứng, cổ đông ngân hàng A vay vốn ngân hàng B để đầu tư vào B và ngược lại; hoặc tổng công ty X sở hữu doanh nghiệp Y, đồng thời sở hữu doanh nghiệp Z, khi doanh nghiệp Y và Z cùng đầu tư vào ngân hàng A thì đương nhiên, X là chủ sở hữu của ngân hàng A, trong đó, Y và Z là sở hữu trực tiếp, còn X là sở hữu gián tiếp. Như thế, dù có ghi nhận tăng vốn nhưng số tiền chỉ chảy qua, chảy về giữa “túi nọ”, “túi kia”, giá trị tăng chỉ trên sổ sách, còn thực tế thì không tăng.
Mục tiêu tái cơ cấu: Cắt sở hữu chéo
Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD ở Việt Nam đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. |
Nếu như giai đoạn đầu của tái cơ cấu ngân hàng, mục tiêu an toàn thanh khoản, lành mạnh hóa tài chính để tránh đổ vỡ là số 1 thì trong giai đoạn tiếp theo, tái cơ cấu sở hữu chính là vấn đề cốt lõi. Chính vì thế, trong đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) 2011 – 2015, Ngân hàng Nhà nước đã chọn đây làm điểm đột phá.
Cơ quan thanh tra NHNN cho biết, bắt đầu từ cuối 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành phân loại hàng loạt ngân hàng “có vấn đề” trong việc tăng vốn điều lệ và tiến hành khoanh vùng số này. Công việc này rất phức tạp, các chuyên gia NHNN đã phải lần theo dòng tiền để xác định đường đi của dòng vốn điều lệ mà các cổ đông đã góp vào các ngân hàng; tiến hành bóc tách để nhận diện. Từ đó, những ngân hàng nào đã cho vay “ảo” qua kênh tín dụng nhưng thực tế không được thừa nhận là tín dụng thì phải bị trừ vào vốn. Sau khi trừ đi, nếu mức vốn tối thiểu không đủ 3.000 tỷ đồng như quy định sẽ phải nộp cho đủ, nếu không thể nộp đủ, sẽ phải liệt vào dạng tái cơ cấu thông qua sáp nhập, hợp nhất. Thực tế, ngoài 9 đơn vị trong diện tái cơ cấu, NHNN đã tái cơ cấu thêm ngân hàng Đại Tín, ngân hàng Kiên Long theo phương thức mời cổ đông cũ ra, kêu gọi cổ đông mới vào thay thế.
Trong văn bản trả lời gửi tới các đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận: Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD ở Việt Nam đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống TCTD nói chung, gây cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Tuy nhiên, người đứng đầu NHNN cho biết, việc xử lý sở hữu chéo phải là thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định từng TCTD và hệ thống các TCTD. Hiện nay, đang tồn tại 6 cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau; 34 TCTD có cổ đông một chiều là TCTD khác, trong đó một số ngân hàng thương mại cổ phần có một số cổ đông là TCTD khác.
Theo ông Bình, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của các đối tượng có sở hữu chéo: NHNN giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các TCTD có liên quan để một mặt đánh giá khả năng tài chính của cổ đông; mặt khác, ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng dẫn đến vi phạm giới hạn cấp tín dụng cho cổ đông và người liên quan...
Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, xác định nguồn lực tài chính của các cổ đông của TCTD khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại TCTD. Để đảm bảo nguồn vốn của các cổ đông là cá nhân, tổ chức đầu tư vào TCTD là hợp pháp và phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của họ, khi xem xét việc tăng vốn điều lệ của các TCTD, NHNN tăng cường công tác xác minh nguồn tiền của các cổ đông và người có liên quan khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các TCTD…