Một trong những doanh nghiệp bia có thị phần lớn trên thị trường là Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) công bố kết quả kinh doanh quý I với kỷ lục buồn trước tác động của “cú sốc kép” là Nghị định 100 và dịch Covid-19.
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu bia Hà Nội và Trúc Bạch đạt 770 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa so với cùng kỳ 2019. Doanh thu sụt giảm trong khi tỷ suất lãi gộp cũng thấp hơn 2%, lợi nhuận gộp của Habeco “bốc hơi” 56%, chỉ còn 150 tỷ đồng.
Nguồn thu giảm mạnh nhưng tổng chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp của Habeco lên tới 270 tỷ, giảm chưa đến 1%. Một số khoản còn tăng so với quý I/2019 như chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ; nhân viên bán hàng, quản lý.
Hậu quả là doanh nghiệp báo lỗ ròng 100 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, Habeco có lãi sau thuế 60 tỷ. Con số âm 100 tỷ xác lập kỷ lục buồn về lợi nhuận của chủ sở hữu Bia Hà Nội trong một quý hoạt động.
Bia Hà Nội lỗ kỷ lục | ||||||||||
Lợi nhuận của Habeco theo quý | ||||||||||
Nhãn | I/2018 | II | III | IV | I/2019 | II | III | IV | I/2020 | |
Lợi nhuận sau thuế | tỷ đồng | 110 | 215 | 184 | 10 | 64 | 241 | 170 | 67 | -98 |
Trong văn bản giải trình, ban lãnh đạo Habeco cho rằng nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm 160 tỷ đồng sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp bia của thủ đô giảm mạnh từ tác động kép của quy định mới về sử dụng rượu bia và đại dịch Covid-19.
Do ảnh hưởng một phần từ việc thua lỗ cùng với phải tăng giá trị hàng tồn kho, tăng chi tiền mặt cho các khoản phải trả, dòng tiền kinh doanh trong kỳ của Habeco âm 1.000 tỷ đồng. Quý I/2019, chỉ tiêu này của doanh nghiệp âm 430 tỷ. Lượng tiền mặt của công ty cuối kỳ theo đó giảm từ mức 1.300 tỷ xuống 430 tỷ sau 3 tháng.
Đến cuối tháng 3, tổng tài sản của ông lớn ngành bia phía Bắc là 6.800 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 1.700 tỷ, giảm 900 tỷ trong quý I.
Khó khăn ngành bia rượu phải đối mặt trong năm 2020 là điều đã được báo trước. Người anh em một thời của Habeco là Sabeco, doanh nghiệp bia có thị phần lớn nhất Việt Nam, chứng kiến lợi nhuận sụt giảm hơn 40% trong quý I.
Từ khi Nghị định 100 với mức xử phạt nặng hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm, sản lượng tiêu thụ bia bắt đầu sụt giảm đáng kể.
Trước giai đoạn Tết Âm lịch vốn là cao điểm tiêu thụ bia rượu hàng năm, nhiều siêu thị, cửa hàng tạp hóa phải khuyến mãi để giảm hàng tồn kho. Riêng trong tháng 1, doan số của Habeco giảm 30% theo báo cáo của SSI.
Sau đó, lĩnh vực bia, rượu tiếp tục hứng chịu cú sốc từ dịch bệnh Covid-19. Các quán bar, pub, beer club, vũ trường ở nhiều tỉnh thành đóng cửa. Những sự kiện tụ tập đông người như hội nghị, tiệc tùng không được tổ chức. Người tiêu dùng ở nhà, hạn chế ra ngoài.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của SSI có quan điểm lạc quan trong dài hạn, cho rằng lượng tiêu thụ bia sẽ quay lại tốc độ tăng trưởng bình thường khi người tiêu dùng hồi phục niềm tin sau khi dịch bệnh kết thúc và thay đổi thói quen để thích nghi với quy định mới.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của Habeco hiện giao dịch ở thị giá 56.000 đồng, thấp hơn vùng giá gần 80.000 đồng hồi đầu năm.