Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã trở nên sôi động trước sự đổ bộ ồ ạt của hàng loạt “đại gia” ngành bán lẻ thế giới cùng với nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập đình đám.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các chuỗi bán lẻ nước ngoài đang chiếm thị phần khá lớn, họ vẫn sẽ tiếp tục đổ tiền vào đầu tư, đặc biệt ở những trung tâm thương mại đô thị lớn của Việt Nam.
Ông Doanh cho rằng điều này tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các chuỗi siêu thị của Việt Nam, bởi những doanh nghiệp này vốn ít được ưu đãi lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như lãi suất tín dụng cao, chi phí vận tải và bốc xếp cao hơn các nước ASEAN khác...
Bên cạnh đó, ông Doanh cũng bày tỏ sự lo ngại đối với hàng hóa do Việt Nam trước nguy cơ bị đẩy khỏi các hệ thống siêu thị. “Các siêu thị của nước ngoài rõ ràng sẽ ưu tiên tiêu thụ hàng hóa của nước họ. Điều này sẽ gây sức ép rất lớn đối với sản xuất của chúng ta”, ông Doanh nói.
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, kinh tế thị trường phân phối và bán lẻ có ý nghĩa quyết định đối với việc tiêu thụ sản phẩm và đối với sản xuất, không giống như kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây chỉ lo sản xuất, không phải lo tiêu thụ.
Đừng nghĩ đến cấm đoán!
Đồng quan điểm với ông Doanh, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, sau khi mua lại các siêu thị, hàng hóa của họ sẽ theo sau. “Trong khi đó, hàng hóa do Việt Nam sản xuất lại bị gây khó dễ khi muốn vào những siêu thị này bởi chiết khấu quá cao”, ông Cung nói.
Do vậy, theo ông Cung, ngoài chống chuyển giá, trốn thuế thì đối với những doanh nghiệp bán lẻ ngoại, đừng nghĩ đến ngăn cấm hay hạn chế họ, mà cần có những chính sách ngăn chặn, loại bỏ các phân biệt bất bình đẳng hay cạnh tranh không lành mạnh.
“Không phải là vấn đề sợ nhà bán lẻ nước ngoài. Vấn đề ở đây không phải là tình hình căng thẳng, mà phải cái kiểm soát được họ, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và có những điều kiện ràng buộc đối các nhà đầu tư”, ông Cung nói.
Theo ông Cung, công cụ quản lý cạnh tranh, kiểm soát độc quyền hữu hiệu nhất chính là Cục quản lý cạnh tranh, cần phát huy vai trò của cơ quan này. “Phần lớn các kiến nghị đều cho rằng nền hạn chế, cấm đoán đối với các nhà bán lẻ nước ngoài, tôi cho rằng không nên như vậy”, ông Cung nói.
Trong khi đó, ông Doanh cho rằng, trước sức ép mạnh mẽ từ các doanh nghiệp ngoại lại càng đòi hỏi các tập đoàn bán lẻ trong nước phải vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước và là kênh tiêu thụ để trụ vững trên thị trường trong nước.
“Nếu không làm được như vậy người Việt Nam sẽ tiêu thụ hàng nước ngoài, trả lương cho công nhân nước ngoài và làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài ngay trên quê hương mình”, ông Doanh cho rằng, đây là kịch bản xấu và phải ngăn để không xảy ra.