Hôm 16/10, tiếng la ó của các nhà ngoại giao Cuba át cả tiếng phát biểu của bà Kelly Currie, đại diện Mỹ, buộc bà phải yêu cầu sự giúp đỡ của bảo vệ.
Các nhà ngoại giao hô to khẩu hiệu “Dỡ bỏ cấm vận với Cuba!” và “Cuba có, cấm vận không”. Một trong những người biểu tình đập sách trên bàn trong khi người khác còn đập búa để lấn át lời phát biểu của đại diện Mỹ.
“Các bạn có thể đưa họ ra khỏi phòng không? Tôi sẽ tạm ngừng trong khi bảo vệ đưa những nhân tố gây cản trở ra khỏi phòng”, AFP dẫn lời bà Currie.
Nhà ngoại giao Cuba yêu cầu Mỹ dỡ bỏ cấm vận. Ảnh: AFP. |
Lực lượng bảo vệ tại Liên Hợp Quốc liên tục yêu cầu các nhà ngoại giao dừng cuộc biểu tình nhưng họ vẫn tiếp tục bày tỏ sự phản đối trong suốt cuộc họp, vốn là sự kiện có liên quan đến chủ đề Cuba. Bà Currie sau đó nói với phóng viên rằng các đại diện Cuba đã hành xử theo lối “côn đồ”, điều này “gây sửng sốt và náo loạn”.
“Nó khiến bạn tự hỏi nếu các nhà ngoại giao của chính phủ cư xử như vậy, thì cảnh sát sẽ còn hành động thế nào?", bà nói.
Trên Twitter, Carlos Fernandez de Cossio, Vụ trưởng Vụ các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba, tuyên bố cuộc biểu tình huyên náo là một “thắng lợi” và nhận định nỗ lực của Washington “nhằm thao túng Liên Hợp Quốc đã phản tác dụng”.
Thành viên phái bộ Cuba biểu tình phản đối tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP. |
Đại sứ Cuba tại Liên Hợp Quốc, bà Anayansi Rodriguez Camejo lên án cuộc họp là “hài kịch chính trị”. Bà nói với phóng viên rằng nó “dựa trên những lập luận giả liên quan tới những nhân vật có quá khứ đen tối nhằm phục vụ cho quyền lực nước ngoài”.
Đại sứ trước đó đã chính thức ra thông cáo phản đối sự kiện của Mỹ, đồng thời yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hủy bỏ cuộc họp với lý do vi phạm quy định của Liên Hợp Quốc. Theo quy định, các sự kiện được tổ chức ở Liên Hợp Quốc phải phi thương mại, cũng như “nhất quán với mục đích và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc”.
Sự kiện diễn ra vài tuần trước cuộc bỏ phiếu thường niên của Đại hội đồng về việc dỡ bỏ cấm vận của Mỹ với Cuba. Năm 2017, 191 nước đã bỏ phiếu thuận, chỉ có Mỹ và Israel bỏ phiếu chống.
Hồi năm 2016, Mỹ bỏ phiếu trắng, đánh dấu sự thay đổi lớn khi chính quyền cựu tổng thống Barack Obama nỗ lực chấm dứt hàng chục năm thù địch với Havana.