Ngày 28/4, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết A/RES/75/273 về phòng chống đuối nước trên quy mô toàn cầu, theo NPR.
Nghị quyết được đệ trình bởi Bangladesh và Ireland và nhận được sự ủng hộ của 79 quốc gia khác.
Đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người mỗi năm. Ảnh: Reuters. |
Nghị quyết này yêu cầu các quốc gia thành viên thành lập một cơ quan đầu mối quốc gia về phòng chống đuối nước, xây dựng một kế hoạch quốc gia với các mục tiêu cụ thể, xây dựng một chiến lược phòng chống đuối nước theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong công tác này.
WHO có trách nhiệm hỗ trợ các quốc gia trong nỗ lực phòng chống đuối nước, cũng như điều phối các biện pháp đối phó với vấn đề này trong hệ thống Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, nghị quyết cũng quy định ngày 25/7 hàng năm là Ngày Thế giới Phòng chống Đuối nước.
Mỗi năm có trên 235.000 người thiệt mạng vì đuối nước, theo số liệu của WHO. Tổ chức này từng gọi đuối nước là một “đại dịch thầm lặng” do sự thiếu nhận thức của người dân, cũng như các chính trị gia về vấn đề này.
Hơn 90% vụ đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tỉ lệ đuối nước trên dân số ở châu Phi là cao nhất, gấp từ 15-20 lần các quốc gia phát triển như Đức hay Anh.
“Đuối nước là một vấn đề sức khỏe công cộng chưa được nhận thức đầy đủ”, bà Kelly Henning, Giám đốc Sức khỏe Công cộng tại Quỹ Từ thiện Bloomberg nhận xét.