Theo New York Times, ngày đáng sợ nhất trong cuộc đời bà Maria Del Carmen bắt đầu bằng một cuộc điện thoại. Người giúp việc gốc Mexico có hàng chục khách hàng thường xuyên trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đến tháng 4, bà chỉ còn ba khách hàng. Bà Del Carmen phải nuôi bản thân và ba người con.
Để kiếm thêm tiền, bà bắt đầu khâu và bán khẩu trang. Vào một ngày giữa tháng 8, cặp vợ chồng giáo sư làm việc tại Đại học Pennsylvania gọi điện nhờ bà đến dọn dẹp căn nhà. Không có ai ở nhà khi bà Del Carmen tới.
Bà bắt đầu kỳ cọ, giặt giũ và ủi quần áo. Sau vài giờ, bà Del Carmen ra ngoài để vứt rác. Một người hàng xóm nhận ra bà và hét lên thảng thốt: "Maria, bà làm gì ở đây?". Người hàng xóm nói cả hai giáo sư và con cái họ đều đã nhiễm Covid-19.
"Tôi vô cùng hoảng sợ", bà Del Carmen kể lại. "Tôi bật khóc. Sau đó, tôi về nhà, cởi hết quần áo, tắm rửa, lên giường và đợi virus tới", bà nói.
Những người giúp việc mất khách hàng khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: New York Times. |
Không còn khách hàng
May mắn là bà không bị nhiễm Covid-19. Ở tuổi 58 và thừa cân, bà Del Carmen biết mình ở trong nhóm có nguy cơ cao. Đó là lý do bà không bao giờ tháo khẩu trang vào ngày hôm đó. Có lẽ sự cẩn thận này đã cứu bà. "Có rất nhiều người không muốn khử trùng nhà riêng. Nên họ gọi người giúp việc tới làm", bà chia sẻ.
Đại dịch đã giáng đòn lên mọi ngành nghề, nhưng giúp việc là một trong những nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo một cuộc khảo sát của Liên minh Người giúp việc gia đình Quốc gia Mỹ, 70% người cho biết đã mất tất cả khách hàng vào tuần đầu tiên của tháng 4.
Có một số người may mắn vẫn được khách hàng trả tiền. Tuy nhiên, những người khác thậm chí không được phản hồi tin nhắn. Kể từ tháng 7, số yêu cầu dọn nhà bắt đầu tăng lên dù vẫn không đáng là bao so với thời trước dịch Covid-19. Người giúp việc cũng nhận mức lương thấp hơn.
Bà Maria Del Carmen, 58 tuổi, là một người giúp việc gốc Mexico. Ảnh: New York Times. |
"Tỷ lệ thất nghiệp của các thành viên khoảng 40%", bà Ai-jen Poo, Giám đốc điều hành Liên minh Người giúp việc gia đình Quốc gia, tiết lộ.
"Hầu hết đều không có giấy tờ tùy thân. Vì vậy, họ không thể nhận hỗ trợ từ chính phủ. Chúng ta đang nói về một cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn diện", bà nhận định.
Những gì mà cộng đồng người giúp việc phải đối mặt là minh chứng điển hình cho tình trạng bất bình đẳng trầm trọng mà đại dịch gây ra. Nhiều người giàu rời khỏi nhà cũ để đến ngôi nhà thứ hai, một số khác làm việc tại nhà và không muốn có người khác ở cùng.
Rất ít người giúp việc có tiền tiết kiệm để sống sót qua dịch. Những người giúp việc khắp nước Mỹ mô tả cảm giác "sợ hãi" và "tuyệt vọng" trong sáu tháng qua. Một trong số đó là bà Vicenta, 42 tuổi, một người gốc Mexico sống ở Los Angeles.
Trong 10 năm qua, bà kiếm được 2.000 USD/tháng nhờ công việc dọn dẹp hai ngôi nhà sang trọng ở Malibu (California). Năm 2018, khi một đám cháy khiến hai ngôi nhà chìm trong tro bụi, bà Vicenta phải đến dọn dẹp cả hai nơi ba tuần một lần.
Tuy nhiên, bà không nhận được thêm khoản tiền nào trong những tuần vất vả này. Hai gia đình thậm chí còn không mời bà Vicenta một ly nước. "Trời nóng kinh khủng, miệng và cổ họng tôi rất đau. Đáng lẽ tôi nên đi khám bác sĩ. Nhưng chúng tôi không có bảo hiểm", bà than thở.
"Sợ hãi" và "tuyệt vọng"
Bà Vicenta tưởng rằng những ngày tháng làm việc vất vả của bà sẽ được đền đáp. Nhưng đến tháng 5, cả hai gia đình gọi điện, thông báo rằng bà không thể đến và dọn dẹp. Người giúp việc 42 tuổi hỏi lại song không được phản hồi.
"Tôi thấy rất buồn. Các con tôi đã sinh ra ở đây và được nhận phiếu ăn uống. Nhưng chồng tôi bị mất việc làm, chúng tôi vẫn chưa thể trả ba tháng tiền thuê nhà", bà chia sẻ. "Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", bà than thở.
Người giúp việc từ lâu đã phải chịu đựng cảnh bấp bênh trên thị trường lao động Mỹ. Viện Chính sách Kinh tế Mỹ cho biết 2,2 triệu người giúp việc gia đình, nhân viên chăm sóc trẻ em và người chăm sóc sức khỏe tại nhà ở nước này kiếm trung bình 12,01 USD/giờ. Họ chịu nhiều thiệt thòi so với những người lao động tự do khác.
Bà Magdalena Zylinska, một người giúp việc sống ở Chicago. Ảnh: New York Times. |
Họ cũng không được hưởng những quyền lợi như nghỉ ốm, bảo hiểm y tế, hợp đồng lao động chính thức hay bảo vệ chống sa thải bất công.
Đại dịch Covid-19 đã phơi bày tính dễ tổn thương của những công việc này trước các cú sốc kinh tế. Một số người lao động cho biết nhiều khách hàng không thuê những người giúp việc từng nhiễm Covid-19 dù họ đã khỏe mạnh trở lại.
Người giúp việc luôn bị chủ nhà "soi" kỹ về tình trạng sức khỏe. Ngược lại, họ không biết liệu khách hàng của mình có thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch nghiêm ngặt không.
Bà Magdalena Zylinska, một người giúp việc ở Chicago, than thở: "Thời gian qua tôi ế việc. Ngay cả khi không làm việc và được trả tiền, tôi vẫn phải mua thức ăn, thanh toán hóa đơn và tiền điện nước".
Bà Zylinska từ Ba Lan đến Chicago vào 20 năm trước và hiếm khi nhận được một khoản tiền thưởng dịp lễ tết. Lần gần nhất là năm 1997, khi một cặp vợ chồng trao cho bà 900 USD bao gồm tiền công và tiền thưởng nhân dịp Giáng sinh.
"Họ trao và nói: 'Chúc mừng Giáng sinh, Maggie'. Tôi vẫn nhớ đã đếm đi đếm lại số tiền bốn lần", bà nhớ lại.