Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại dịch Covid-19 tác động ra sao tới đơn vị làm sách?

Sự bùng phát của các đợt dịch Covid-19 kéo theo nhiều hệ lụy tới ngành xuất bản. Người làm sách phải đương đầu nhiều khó khăn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cũng như bao lĩnh vực khác, ngành xuất bản, in và phát hành gặp không ít thách thức.

Trên thực tế, nhiều cơ sở phải đóng cửa, tạm dừng kinh doanh. Ảnh hưởng của ngành xuất bản nói chung và các đơn vị phát hành, nhà sách nói riêng tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển văn hóa đọc của đất nước.

Kho khan cua nganh xuat ban anh 1

Dịch bệnh khiến lượng bạn đọc đến các nhà sách giảm hẳn. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Hàng loạt thách thức

Ở thời điểm hiện tại, bạn đọc hạn chế đến các nhà sách. Nhiều liên kết xuất bản phải thực hiện dưới hình thức trực tuyến. Nhu cầu mua sách của người dân không phải mối ưu tiên hàng đầu.

Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ, đây là năm thứ hai liên tiếp đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mọi mặt đời sống của người dân, buộc chúng ta phải thắt chặt chi tiêu, trong đó có chi tiêu cho văn hoá.

“Đợt dịch trở lại đây khiến nhiều nhà sách thực địa không nhập sách, dẫn đến hàng tồn kho, dòng tiền lưu thông chậm. Trước khó khăn này, NXB Phụ nữ buộc phải điều tiết sản xuất, ưu tiên đẩy mạnh các sách đã xuất bản và thận trọng cho ra đời đầu sách mới”, bà Phượng nói.

Bà Trần Thị Bích Hường - Phó trưởng phòng Phát hành NXB Thông tin và Truyền thông - cho biết việc tiếp cận trực tiếp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để phát hành gặp khó khăn, khi mà “ưu tiên hàng đầu hiện nay là phòng chống dịch".

Sự quan tâm tới sách, xuất bản phẩm, tài liệu bị giảm. Điều đó có thể thấy rõ rệt trong đợt cao điểm nhà xuất bản phát hành tài liệu phục vụ Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 (tháng 5).

Ông Trần Quốc Thắng - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Phát hành NXB Chính trị quốc gia Sự thật - chia sẻ rằng hệ thống bán lẻ của đơn vị đang bị ảnh hưởng nặng nề. Từ sau dịp nghỉ lễ 30/4 đến nay, lượng khách hàng đến mua trung bình chỉ 3-4 người mỗi ngày.

Là đơn vị chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng với đối tác để làm nội dung, bà Mai Thị Thanh Hằng - người đứng đầu NXB Lao động - cho biết doanh thu của đơn vị cũng giảm hẳn do số lượng đầu sách phát hành liên kết không nhiều.

“Chúng tôi không có mảng sách kinh doanh, doanh thu chính là nhờ liên kết xuất bản. Đợt dịch tái bùng phát này, doanh thu của chúng tôi không giảm mạnh bằng đợt dịch đầu tiên. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, dự kiến con số thu về còn sụt giảm nhiều hơn nữa”, bà Hằng nói.

Kho khan cua nganh xuat ban anh 2

Nhiều đơn vị đẩy mạnh phát hành sách trên các sàn thương mại điện tử để cố gắng "bù lỗ". Ảnh: Nguyễn Trang.

Phát hành sách online có “bù lỗ” được cho toàn ngành?

Người đứng đầu NXB Phụ nữ cho biết trước tình hình khó khăn chung của dịch bệnh, đơn vị đang tăng cường tham gia các chương trình bán hàng trên các trang thương mại điện tử, kết hợp mở các kênh online trực tiếp từ các cộng tác viên bán hàng trên mạng xã hội, tổ chức các chương trình ưu đãi, tri ân khách hàng vào các ngày lễ, tết.

Ông Trần Quốc Thắng cũng chia sẻ rằng với việc lượng bạn đọc tìm mua sách giảm rõ rệt, nhà xuất bản của ông tập trung chủ yếu vào phát hành sách online, kết hợp trên sàn book365.vn, Tiki, và Lazada (con số bán được qua sàn book365.vn đạt gần 1000 đầu sách, tính từ ngày mở sàn đến 15/5).

Đối lập với bức tranh nhiều mảng tối trên thị trường sách thực địa, hoạt động xuất bản tìm thấy điểm sáng khi phát hành online. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là phát hành sách online liệu có lấp đầy những khoảng trống mà các địa điểm bán sách truyền thống để lại?

Ngành xuất bản đang trong những bước đi đầu của công cuộc chuyển đổi số. Thời gian để thích nghi cũng tạo nên thách thức cho người làm kinh doanh sách khi phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, marketing online, truyền thông qua mạng xã hội và kênh KOLs.

Trong mùa dịch, nhiều đơn vị chuyển mình sang hướng phát hành online. Tuy vậy, người làm sách phải có tính toán trước cho những “bài toán tương lai”: Phát hành sách online thời hậu Covid-19, nâng cấp cơ sở hạ tầng của các kênh online, để đáp ứng được nhu cầu dài lâu của khách hàng.

Hướng phát triển cho ngành xuất bản trong mùa dịch

Đại dịch Covid-19 khiến ngành xuất bản gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, phát hành sách online được xem là hướng đi tốt, đem lại sức sống cho giới làm sách.

Huế Trần

Bạn có thể quan tâm