Ở bang Michigan, các đại cử tri của đảng Dân chủ được cảnh sát hộ tống khi bước ra khỏi xe để tới trụ sở chính quyền bang, nơi họ chính thức bỏ phiếu cho ông Joe Biden.
Ở bang Arizona, việc bỏ phiếu được tổ chức ở một địa điểm không được tiết lộ vì lý do an toàn.
Ở bang Delaware, bang nhà của tổng thống đắc cử Joe Biden và vốn ngả hẳn về Dân chủ, không gây tranh cãi, giới chức cũng chuyển địa điểm bỏ phiếu sang một nhà thi đấu của trường đại học. Địa điểm này được coi là dễ đảm bảo an ninh hơn.
Từ trước đến nay, các đại cử tri chỉ có vai trò thủ tục, đi bỏ phiếu chỉ để chính thức ấn định kết quả bầu cử diễn ra đầu tháng 11. Họ không nhận được nhiều sự chú ý, nhưng vai trò đại cử tri vẫn thường được coi là vinh dự, là một cách để các đảng vinh danh những ai có đóng góp cho chính trị.
Nhưng năm nay, đại cử tri đoàn lại trở thành một bước nữa trong tiến trình bầu cử bị vướng vào dòng xoáy của những cáo buộc không có bằng chứng mà Tổng thống Trump liên tục đưa ra, theo New York Times.
Ba đại cử tri của bang Vermont bỏ phiếu ở trụ sở chính quyền bang vào sáng 14/12. Ảnh: AP. |
Bước thủ tục bỗng được dư luận chú ý
Do các cáo buộc không có căn cứ về gian lận bầu cử, giờ đây một số đại cử tri đang bị sách nhiễu hoặc phải làm quen với các biện pháp an ninh nghiêm ngặt hơn. Vai trò đại cử tri từng được coi là vinh dự, giờ có thể trở thành nỗi đau đầu.
Ngoài vấn đề đảm bảo an toàn, quá trình bỏ phiếu của đại cử tri cũng trở thành chủ đề cho báo chí, khác hẳn những năm trước. Giới chức các bang đang phải chuẩn bị tinh thần khi bị dư luận dõi theo chặt chẽ, dù là thông qua phát hình trực tiếp bên trong phòng bỏ phiếu hay những người biểu tình bên ngoài điểm bỏ phiếu.
Sự chú ý của dư luận cũng gợi lại các tranh luận cho rằng người Mỹ không mấy ủng hộ hệ thống bầu cử dựa vào phiếu đại cử tri, nhất là phía đảng Dân chủ cho rằng phiếu đại cử tri không đại diện cho ý chí của người dân Mỹ. Trong 20 năm qua, các tổng thống George W. Bush và Donald Trump thắng cử dù đã thua số phiếu phổ thông.
Các buổi bỏ phiếu ngày 14/12 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai đảng. Tổng thống Trump liên tục khởi kiện kết quả bầu cử, nhưng các vụ kiện đều bị tòa án bác bỏ vì không có bằng chứng. Dù vậy, hầu hết quan chức đảng Cộng hòa vẫn đi theo những cáo buộc của ông Trump, hoặc giữ im lặng để ông Trump tiếp tục gieo rắc thuyết âm mưu.
Vào ngày 12/12, hàng nghìn người ủng hộ ông Trump biểu tình ở Washington, D.C. và một số thủ phủ các bang khác, nhằm phản đối kết quả. Nhiều người đem theo biển hiệu có hình ông Trump và la hét: “Bốn năm nữa”.
Bị nhắn tin đòi đảo ngược phiếu
Đối với những người Dân chủ, phiếu đại cử tri sẽ là bước cuối cùng khẳng định thất bại của một vị tổng thống mà họ cho là đã hủy hoại nền móng của nền dân chủ Mỹ.
“Tòa án và các định chế của chúng ta đã đứng vững”, Tổng chưởng lý bang Pennsylvania Josh Shapiro, cũng là một đại cử tri, cho biết.
“Không một chính trị gia nào - dù có cái tôi cao đến đâu, dù có nói dối trắng trợn đến thế nào - có thể làm ngược lại ý chí của người dân”, ông nói.
Tổng chưởng lý bang Pennsylvania Josh Shapiro. Ảnh: New York Times. |
Đa phần các đại cử tri bị ràng buộc bởi quy định luật pháp cũng như cam kết phải bầu cho người chiến thắng phiếu phổ thông ở bang đó. Ngày mà đại cử tri bỏ phiếu từng bị coi là nhàm chán, chỉ là thêm một nghi thức nữa trong cả quá trình chuyển giao tổng thống.
Nhưng năm nay không như vậy. Chẳng hạn, 16 đại cử tri sẽ bỏ phiếu cho ông Biden ở bang Michigan dự kiến sẽ phải đi qua đám đông người biểu tình tin vào lời nói sai sự thật của Tổng thống Trump rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, trong đó có những người mang vũ khí.
“Thật tệ khi đe dọa người khác như vậy”, Bobbie Walton, 84 tuổi, một nhà hoạt động chính trị lâu năm ở Michigan, và là đại cử tri lần đầu, nói với New York Times.
“Tôi có thể phải mặc chiếc áo phông ưa thích của tôi: ‘Đừng đẩy, tôi già rồi’”, ông nói.
Ở bang Wisconsin, các đại cử tri phải tuân theo biện pháp an ninh tăng cường, bao gồm đi vào trụ sở chính quyền bang thông qua một cửa bên.
Khary Penebaker, đại cử tri Dân chủ từ bang Wisconsin, sẽ bỏ phiếu cho ông Biden, cho biết ông nhận được hàng loạt đề nghị qua email và trên mạng xã hội đòi ông đảo ngược phiếu của mình. 9 đại cử tri khác của Wisconsin cũng nhận được hàng loạt tin nhắn tương tự.
Hơn nửa số bang đang có kế hoạch phát trực tiếp lễ bỏ phiếu, tạo sự minh bạch cũng như cố gắng đẩy lui các thuyết âm mưu mà giới chức dự đoán là sẽ tiếp tục phát tán.
Khary Penebaker, đại cử tri Dân chủ từ bang Wisconsin. Ảnh: New York Times. |
Chứng kiến lịch sử diễn ra
Van Johnson, Thị trưởng thành phố Savannah, bang Georgia, cho biết đoàn cận vệ của ông đã được tăng cường, vì ông cũng là một đại cử tri. Nhưng ông nói không gì có thể cướp mất “sự hứng khởi và khiêm tốn” của việc là một trong 16 đại cử tri Dân chủ của bang Georgia - lần đầu tiên Georgia cử nhóm đại cử tri Dân chủ trong gần ba thập kỷ.
Shelia Stubbs, một ủy viên hội đồng bang Wisconsin, nói bà đã khóc vì sung sướng khi được chọn là một đại cử tri lần này.
“Là một phụ nữ gốc Phi, được là đại cử tri để chứng kiến Thượng nghị sĩ Kamala Harris trở thành phó tổng thống... tôi rất phấn khởi”, bà nói với New York Times.
Quy trình chọn đại cử tri khác nhau tùy vào bang, nhưng thường là do đảng ở mỗi bang chọn ra. Mỗi bang có số đại cử tri bằng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ gộp lại. Riêng Đặc khu Columbia tuy không có nghị sĩ trong Quốc hội, nhưng vẫn có ba đại cử tri.
Không có yêu cầu nào cụ thể để trở thành đại cử tri, ngoài việc đóng góp và gắn bó với đảng chính trị, dù là nhà hoạt động, tài trợ tiền, chính khách hay tình nguyện viên. Những người được mời làm đại cử tri có thể là một nhân viên công tác xã hội hay cựu Tổng thống Bill Clinton.