Hóa kiếp chiến hạm là công việc thường ngày ở xưởng tháo dỡ tàu Esco Marine nằm ở Brownsville, bang Texas, Mỹ. Những tàu chiến nhiều năm góp mặt trong biên chế hải quân được đưa về đây để xẻ thịt nếu chúng không được sử dụng vào mục đích khác. |
Xưởng Esco Marine nằm trên một con kênh sâu trong đất liền ở mũi đất phía nam vịnh Mexico, nơi thuận tiện để lai dắt các chiến hạm bị loại khỏi biên chế. Tuy nhiên, quá trình tháo dỡ tàu phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn tác động xấu tới môi trường tự nhiên quanh xưởng. |
Trong giai đoạn tái chế, mỗi chiến hạm sẽ được đưa vào một âu tàu riêng biệt. Tại đây, người ta sẽ tiến hành loại bỏ các chất độc hại khỏi tàu trước khi tháo dỡ từng phần thân chiến hạm khổng lồ. Thép sẽ được chở tới các xưởng luyện kim ở Monterrey, Mexico bằng đường sắt. Chúng có thể trở thành một phần của chiến hạm hiện đại hơn của Mỹ. |
Esco là một trong 5 xưởng phá tàu nằm trên con kênh dài 27 km ở Brownsville. Tại Mỹ, chỉ 8 công ty được cấp phép tháo dỡ tàu chiến. Ngoài những chiến hạm thời Thế chiến II, xưởng cũng được cấp phép xẻ thịt siêu chiến hạm thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ như các tàu sân bay USS Saratoga, USS Forrestal và USS Constellation. Hôm 17/1/2015, hàng không mẫu hạm USS Constellation đã được tàu kéo đưa tới xưởng Esco chờ hóa kiếp. |
Người ta có thể thu được 60.000 tấn kim loại phế liệu từ xác một chiếc tàu sân bay. Nó cũng tạo ra khối lượng công việc khổng lồ. Trong khi đó, luật pháp Mỹ cấm đưa các chiến hạm sang tháo dỡ ở nước ngoài nên công nhân ở Esco luôn có việc làm. |
Chính phủ Mỹ ý thức rõ những tác hại nếu để một công ty nước ngoài tháo dỡ tàu chiến của mình. Lầu Năm Góc quan ngại giới chức quân sự Trung Quốc sở hữu công nghệ đóng tàu Mỹ từ việc tháo dỡ các chiến hạm cũ. |
Dù có máy móc hỗ trợ nhưng việc xẻ thịt tàu chiến vẫn là công việc vô cùng nặng nhọc đối với các công nhân. Họ phải cắt nhỏ từng phần kim loại tàu trước khi đưa chúng tới nơi tái chế. |
Hiện tại, ngành công nghiệp tái chế tàu chiến đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nó giúp cảng Brownsville trở thành nơi xuất và nhập khẩu thép lớn thứ 3 của Mỹ. Tuy nhiên, nó không được người dân chào đón vì để lại khá nhiều phiền toái cho cuộc sống của họ. |