Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu sẽ giơ biển để tranh luận ở nghị trường

Theo Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, tại các phiên thảo luận ở QH, sẽ kéo dài thêm để tận dụng tối đa ý kiến của đại biểu, đặc biệt sẽ thiết kế hình thức giơ biển xin tranh luận.

Chiều 18/10, tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV, trả lời câu hỏi của phóng viên về những đổi mới của QH, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết để các dự án luật chất lượng và thực sự đi vào cuộc sống, ngay trong quá trình thẩm tra, đã mở hội nghị chuyên trách để các đại biểu trao đổi, đồng thời tranh thủ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia.

Nếu thấy chưa thực sự yên tâm khi thông qua dự án luật, QH sẽ tiếp tục thảo luận, lắng nghe. Chẳng hạn như Bộ luật Hình sự tại kỳ họp này, nếu thấy còn nhiều ý kiến khác nhau, sẽ kéo tiếp sang kỳ họp sau.

Tại các phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ông Phúc cho biết sẽ cố gắng thiết kế làm sao để các cuộc thảo luận trở thành tranh luận sôi nổi ở hội trường. Ngoài đăng ký phát biểu sẵn, ĐBQH có thể đăng ký phát biểu tranh luận bằng cách giơ tấm biển xin tranh luận.

Với mỗi dự án luật, QH sẽ mời cơ quan trình luật, bộ trưởng sẽ trực tiếp trả lời và cùng trao đổi với các đại biểu để làm sáng tỏ vấn đề. Tại các phiên chất vấn, đặc biệt các phiên thảo luận có truyền hình trực tiếp về kinh tế xã hội, có thể sẽ kéo dài hơn so với thời gian quy định là 17h như trước đây, làm sao để các đại biểu có thể phát biểu hết ý kiến.

Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV kéo dài từ 20/10 – 23/11. Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật, 1 nghị quyết. QH sẽ dành 10 ngày thảo luận các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/dai-bieu-se-gio-bien-de-tranh-luan-o-nghi-truong-1063832.tpo

Theo Luân Dũng/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm