Trao đổi với Zing bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ngày 21/10, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, bày tỏ băn khoăn vì sao Chính phủ chưa mạnh dạn cho phép tiêm vaccine dịch vụ để doanh nghiệp tư nhân phát huy khả năng vốn có.
Dễ tiêu cực vì chậm cho tiêm dịch vụ
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết những tháng đầu năm 2020, Chính phủ và Bộ Y tế đã bàn đến chuyện mua vaccine. Tuy nhiên trên thực tế gặp phải những khó khăn, cơ chế thủ tục không tương thích.
Bà Lan cho rằng Chính phủ cần đặt câu hỏi tại sao tư nhân mua được, họ theo đến cùng mục đích để mua vaccine. Thế nhưng với Chính phủ lại chưa quyết liệt.
"Chúng ta không thể ngủ yên trên những thành tích ban đầu là đã khoanh vùng, dập dịch với số ca đã khống chế được thấp hơn so với thế giới. Không bệnh này thì còn bệnh khác, với các bệnh truyền nhiễm, vaccine vẫn là chìa khóa”, bà Lan đánh giá.
Theo bà Lan, điều này cũng liên quan vấn đề xã hội hóa của Bộ Y tế. Trong báo cáo đánh giá bài học của Chính phủ có đề cập việc tăng cường cơ chế xã hội hóa để tăng nguồn vaccine. Tuy nhiên đến nay, cả nước vẫn chưa có chính sách tiêm vaccine dịch vụ cũng như cơ chế khám chữa bệnh ngoài công lập.
Đại biểu Quốc hội TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Hiếu Duy. |
"Chúng ta vẫn cứ Nhà nước lo hết, ngân sách lo hết. Thế nhưng chúng ta lo nổi không, trong khi xã hội còn nhiều nhu cầu khác nhau. Cũng không hiểu vì sao đến giờ Chính phủ, Bộ Y tế vẫn chưa cho tiêm vaccine dịch vụ để công ty tư nhân phát huy thế mạnh”, bà Lan đặt vấn đề và cho rằng việc chậm cho tiêm vaccine dịch vụ trên thực tế dễ phát sinh tiêu cực.
Điều này cũng giống như xã hội hóa ngành y tế. Các doanh nghiệp với thế mạnh bản thân sẽ có động lực nhập về và tiêm cho người có nhu cầu. Người ta sẵn sàng trả mức giá dịch vụ cao hơn, đôi bên cùng có lợi.
"Y tế dự phòng gãy đổ, điều trị phải trả giá"
Vấn đề thứ hai được đại biểu quan tâm tại buổi làm việc là xây dựng hệ thống y tế dự phòng chưa tương xứng. Bà nhìn nhận đại dịch đã và đang diễn ra như một phép thử để bộc lộ những yếu kém trong hệ thống y tế.
Theo bà Lan, trong 3 nhánh của ngành y tế, y tế dự phòng vẫn là lĩnh vực yếu nhất về cả chất lượng và số lượng.
Nói rõ hơn, nữ đại biểu cho hay y tế dự phòng không thu hút được nguồn nhân lực và chưa tạo được sự tin cậy trong cộng đồng. Bà cho rằng các địa phương trước mắt cần đầu tư trên nền cơ sở sẵn có là 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, thay vì tập trung vào các mũi nhọn điều trị…
“Ngành y tế dự phòng không sinh ra lợi nhuận, nên nếu kêu gọi xã hội hóa rất khó khăn. Mà khó thì buộc Nhà nước phải làm”, bà Lan nói.
Theo bà, Chính phủ cần xem lại cơ chế y tế cơ sở, các trạm y tế thuộc các trung tâm y tế dự phòng thế nào, biên chế có hay không. TP hiện vẫn còn chịu biên chế theo địa lý mà chưa có biên chế dựa trên quy mô dân số. Đây là một sai lầm trong khi dân càng nhiều thì càng phải lo nhiều chứ không thể đánh đồng các phường, xã trên cả nước.
Bà Lan lưu ý quan trọng nhất là cơ chế tài chính trong y tế dự phòng để bác sĩ yên tâm làm việc. Còn nếu y tế dự phòng gãy đổ thì điều trị phải trả giá.
Người dân TP Thuận An (Bình Dương) tiêm vaccine mũi 1. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bà Lan cho rằng dù chủ ý của Chính phủ rất tốt đẹp là miễn phí điều trị cho toàn dân nhưng cơ chế tài chính trong chữa trị Covid-19 cũng đi kèm nhiều bất cập. "Nói thẳng ra hệ thống y tế chúng ta vẫn thiếu, yếu, nhờ nỗ lực mới có thể cầm cự đến giờ”, bà Lan nhận định.
Nữ đại biểu dẫn chứng với người điều trị tại những cơ sở y tế công lập, rất khó bóc tách chi phí nào là chữa Covid-19, chi phí nào là chi phí bệnh nền khác gây ách tắc ở bệnh viện.
Còn đối với y tế tư nhân, khi họ đầu tư cơ sở y tế khám chữa bệnh, họ sẽ phải thu lại giá dịch vụ tương xứng. Nếu yêu cầu y tế tư nhân cũng miễn phí hay lấy ngân sách Nhà nước chi trả theo biểu giá của y tế tư nhân cho bệnh nhân Covid-19 thì không nổi.
"Cho nên, Nhà nước phải tập trung nguồn lực lo cho an sinh xã hội, đối tượng yếu thế nhất, còn lại hãy trả về đúng vị trí của nó. Covid-19 là căn bệnh và cần được khám chữa, chi trả theo chính sách, trong đó có xã hội hóa. Như vậy, người dân sẽ danh chính ngôn thuận được chăm sóc tốt hơn”, bà Lan nêu quan điểm.