Liên quan đến bê bối gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay xảy ra tại Sơn La, mới đây, báo chí thông tin "chi phí" để rút bài thi nhằm sửa, nâng điểm cho mỗi trường hợp là 1 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 27/5, đại biểu Triệu Thế Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết đây là thông tin rất đáng lưu tâm.
Ông Hùng nói phải làm rõ thông tin "giá nâng điểm cho mỗi thí sinh là 1 tỷ đồng".
Ông Trần Xuân Yến - một trong 8 bị can vụ gian lận điểm thi ở Sơn La. Ảnh: Minh Hoàng. |
"Câu chuyện ở đây không phải 1 tỷ đồng hay 1.000 đồng, mà đã là tiêu cực, dùng tiền để gian lận trong giáo dục, trong thi cử thì đều nghiêm trọng. Vì vậy, cần phải xử lý đến nơi đến chốn để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật", ông Hùng nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng chung quan điểm.
Ông đánh giá vụ gian lận thi cử tại Sơn La là rất nghiêm trọng, bởi phần lớn những người sai phạm đều nằm trong danh sách cán bộ quản lý, thanh tra, lãnh đạo của ngành giáo dục và cả những cơ quan, ban ngành của tỉnh.
Theo ông Cường, bất kể cá nhân nào có dấu hiệu của vi phạm đều phải bị điều tra đến cùng, đặc biệt phải điều tra nhanh.
“Càng xử lý sớm bao nhiêu thì chúng ta sẽ càng ngăn chặn được tiêu cực, không chỉ với kỳ thi trước mà còn cho cả những kỳ thi tốt nghiệp tới đây”, ông Cường nói.
Theo vị đại biểu đoàn Hà Nội, cơ quan điều tra cần sớm công bố con số chính thức về giá tiền chạy điểm là bao nhiêu, những ai là người tham gia. Bởi có thể có những người dùng tiền, nhưng cũng có những người dùng quyền lực, quan hệ của mình để tạo ra ảnh hưởng, tác động đến việc sửa điểm thi.
“Tất cả những trường hợp này đều có thể quy vào hành vi tham nhũng, hối lộ, cần phải được công khai để xử lý”, ông Cường nói.
Mới đây, Công an tỉnh Sơn La đã kết thúc điều tra vụ án gian lận thi cử xảy ra tại địa phương này, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 8 bị can về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong số các bị can có Phó giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Sơn La Trần Xuân Yến.
Theo kết quả điều tra, ông Yến đã nâng điểm cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, do đồng nghiệp và người quen gửi gắm.
Đáng chú ý, bị can Yến khai trong số 13 thí sinh này có 8 trường hợp do chính Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Sơn La "gửi".