Thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) sáng 15/11, đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) đề cập đến ngành nghề kinh doanh nhiều lần gây tranh cãi, đó là nghề mại dâm. Theo ông, luật hiện hành quy định mại dâm là ngành nghề bị cấm kinh doanh, nhưng thực tế hoạt động này vẫn diễn ra khá phổ biến.
Cấm mại dâm làm ảnh hưởng đến du lịch
"Cấm phải ra cấm chứ đưa vào danh mục ngành nghề cấm rồi mà hoạt động mại dâm vẫn diễn ra bình thường ở nhiều nơi, cho thấy luật thực thi chưa nghiêm", ông Vảng góp ý.
Cũng đề cập tới câu chuyện này, đại biểu Vũ Trọng Kim - Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội lại cho rằng việc cấm kinh doanh mại dâm đang làm ảnh hưởng tới du lịch. Ủy viên Ủy ban Tư pháp dẫn chứng Thái Lan đang cho phép kinh doanh mại dâm. Trong khi đó, tại Việt Nam, vì vấn đề văn hóa, truyền thống nên không cho phép kinh doanh ngành nghề này.
Đại biểu Vũ Trọng Kim - Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Ảnh: Hải Quân. |
“Với một nền kinh tế hội nhập mà nghề này bị cấm thì sẽ có ảnh hưởng và khó quản lý tệ nạn xã hội”, ông Kim nhận định.
Ông nêu thực tế dù ngành nghề này bị cấm nhưng hiện vẫn được kinh doanh và đang trà trộn vào tất cả các nơi.
Từ đó, đại biểu đề nghị cần phải suy nghĩ có nên cho phép kinh doanh mại dâm hay không. “Tôi chưa ngả về phía nào. Rất khó phát biểu vì nếu nói cho phép thì bảo ông này bỏ hết văn hóa truyền thống dân tộc. Nhưng ngược lại thì tệ nạn, bệnh tật rất nhiều và quản lý không được, cũng mất khoản thu”, ông Kim băn khoăn.
Ông đề nghị trong vấn đề này, Việt Nam phải hình thành đề tài nghiên cứu tầm cỡ quốc gia để đưa ra cơ chế phù hợp.
Có nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê?
Dịch vụ đòi nợ thuê cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều đại biểu băn khoăn có nên đưa dịch vụ này vào doanh mục cấm đầu tư, kinh doanh hay không.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng ẩn đằng sau hình thức kinh doanh này là hoạt động kiểu xã hội đen, đòi nợ không lành mạnh, để lại hậu quả xã hội lớn, nên cấm là đúng.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: Hải Quân. |
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng nhu cầu về dịch vụ đòi nợ thuê là có, đã được thể chế hóa thành Nghị định 104 của Chính phủ từ năm 2007.
Tuy nhiên, đại biểu này nhấn mạnh hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã biến tướng, gây nhiều hệ lụy. Vì thế, bà đồng tình cấm loại dịch vụ này.
Trong khi đó, đại biểu Vũ Trọng Kim lại cho rằng cần có hành lang pháp lý để giảm bớt tệ nạn xã hội và hoạt động của các băng nhóm xã hội đen, tổ chức tự phát. “Cần ghi vào luật để công nhận tính pháp lý của hình thức kinh doanh này và Chính phủ ban hành quy định cụ thể để quản lý”, ông Kim nói và nhấn mạnh không nên cấm vì “cái gì cấm là phát triển rất mạnh”.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định vừa qua, kinh doanh dịch vụ đòi nợ bị lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Ví dụ như tín dụng đen, đứng sau tổ chức đòi nợ thuê là các nhân vật cộm cán, dẫn đến bắt bớ, gây mất trật tự.
“Cái đó rõ ràng phải nghiêm trị, nhưng dịch vụ đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, luật phải quy định cụ thể ai được làm và làm thì cần tuân thủ cái gì, vi phạm thì xử lý ra sao, chứ cấm là không hợp lý”, ông Hiển nói.