Nhiều đại biểu, nguyên đại biểu Quốc hội đều chia sẻ sự bức xúc khi việc câu kết thổi giá kit xét nghiệm nhằm trục lợi của Công ty Việt Á diễn ra ngay giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh.
"Các cơ quan tố tụng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong ngành y tế", Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long nói với Zing.
Bộ Y tế có trách nhiệm rất lớn
Theo đại biểu Nguyễn Công Long, ngoài sở y tế các địa phương thì trách nhiệm của Bộ Y tế trong quản lý là rất lớn. Đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ rất yếu kém. Trong lúc cả nước đối mặt với dịch bệnh thì họ cố tình lợi dụng mọi kẽ hở của pháp luật để trục lợi.
"Đây là hành vi rất đáng lên án và cần xử lý nghiêm", đại biểu Nguyễn Công Long nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp. Ảnh: Quốc hội. |
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Thị Minh Hiền (Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) nhìn nhận sự việc bê bối về bộ kit test Covid-19 của công ty CP Công nghệ Việt Á làm mất niềm tin của người dân, thậm chí gây hoang mang hệ thống phòng, chống dịch các cấp.
“Không phải ai tham gia vào lực lượng tuyến đầu cũng hiểu rõ quy trình ‘luồn lách như lươn chạch’ của bộ kit test này”, bà nói.
Bà Hiền nêu nghịch lý đắng lòng khi trong suốt 2 năm ròng rã qua, y bác sĩ và các lực lượng khác gần như kiệt sức chống dịch nhưng chưa nhận được chế độ hỗ trợ tương xứng. Trong khi đó, có những thành phần “ăn” không chừa một thứ gì từ đại dịch, trục lợi bất chấp nỗi mất mát của đồng bào.
Đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan điều tra Bộ Công an, bà Hiền cho rằng sẽ rất khó chấp nhận những sơ suất hay sai sót của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp bộ trong vụ việc này. Bởi hồ sơ của một sản phẩm thiết bị y tế muốn lưu hành phải qua rất nhiều khâu sát hạch tiêu chuẩn của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ mới được cấp phép.
“Riêng đối với bộ kit test của Công ty Việt Á, hồ sơ sản phẩm chưa được WHO chấp nhận cho lưu hành nhưng đã tùy tiện thao túng thị trường với giá trên trời ngay trong lúc các nơi đều gặp khó khăn, lúng túng trong việc mua sắm thiết bị y tế”, bà Hiền bức xúc.
Xử lý nghiêm để chấm dứt việc “móc túi” người dân
Ông Lê Như Tiến (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội) cho rằng việc thổi giá xét nghiệm trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng trên cả nước là hành vi đáng lên án.
“Trong khi cả nước gồng mình chống dịch, nhân dân khốn khó mà họ lại thổi giá nhiều lần để trục lợi, bỏ túi cá nhân, đó là phi nhân tính. Rõ ràng với mục tiêu trục lợi như vậy, số kit xét nghiệm được tiêu thụ càng nhiều thì tiền chảy vào túi cá nhân càng lớn”, ông Tiến nói.
Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á sản xuất và cung ứng ra thị trường hiện nay. |
Theo ông, việc câu kết tạo thành đường dây thổi giá kit xét nghiệm là hành vi tham nhũng có tổ chức, không chỉ có Công ty Việt Á, CDC nhiều địa phương mà còn liên quan nhiều sở, ngành và cơ quan giám sát, thẩm định về giá.
“Mỗi nơi cứ lót tay tham nhũng 30 tỷ như ở CDC Hải Dương thì không biết tiêu tốn bao nhiều tiền của nhân dân, của Nhà nước”, ông Tiến nói.
Đánh giá có nhiều nguyên nhân dân tới tình trạng này, ông Tiến cho rằng có sự buông lỏng quản lý Nhà nước. Ông nhắc tới trách nhiệm quản lý về lĩnh vực Y tế của Bộ Y tế, quản lý Nhà nước về giá của Bộ Tài chính và quản lý về tính khoa học của Bộ Khoa học Công nghệ. Ông đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của những cơ quan này.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh các cơ quan thanh tra, kiểm tra cần phải vào cuộc ngay, tìm cho ra không chỉ một mắt xích mà cả đường dây vi phạm có tổ chức.
Đặt vấn đề nghi vấn có người bảo kê, chống lưng nên một doanh nghiệp nhỏ mới có thể lộng hành trong thời gian rất nhanh, ông Tiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm khắc, triệt để vi phạm để chấm dứt tình trạng “móc túi” người dân.
Khi tiếp cận hồ sơ các sản phẩm y tế trong quá trình kêu gọi vận động ủng hộ nguồn lực phòng chống dịch, bà Phạm Thị Minh Hiền (áo trắng) cho rằng có nhiều quy định chưa rõ ràng về đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Ảnh: NVCC. |
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Thị Minh Hiền cũng đề nghị có một cuộc thanh tra liên ngành rõ ràng về quy trình cấp phép lưu hành đối với sản phẩm liên quan đến thiết bị, đồ bảo hộ cá nhân trong lĩnh vực y tế...
“Khi tiếp cận hồ sơ các sản phẩm y tế trong quá trình kêu gọi vận động ủng hộ nguồn lực phòng chống dịch, nhóm thiện nguyện của chúng tôi nhận thấy có quá nhiều quy định chưa rõ ràng về đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm", bà Hiền đề nghị và tin sẽ có rất nhiều sự thật được phơi bày nếu cơ quan chức năng vào cuộc.
Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/12, nhiều đại biểu đã lên tiếng về vụ việc thổi giá kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kể cả một số bộ và xử lý nghiêm minh, công khai kết quả. Theo ông, ở nhiều địa phương, giá đấu thầu rất cao với khoảng 500.000 đồng/kit, thậm chí dẫn đến loạn giá kit xét nghiệm, dư luận rất bức xúc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng đây là vấn đề được người dân quan tâm và đề nghị trong kỳ họp này (dự kiến đầu tháng 1/2022) nên có báo cáo bằng văn bản trước Quốc hội.