Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu muốn Chính phủ mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông

Ngày 8/6, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, nhiều đại biểu đã dành thời gian để nêu sự quan tâm đặc biệt của mình về chủ quyền biển đảo.

Đại biểu Bế Xuân Trường (đoàn Bắc Kạn) đề nghị, Chính phủ phải có cơ chế, chính sách đặc biệt đối với quần đảo Trường Sa, có cơ chế đặc thu để người dân có kế sinh nhai, lập nghiệp ổn định, lâu dài trên đảo.

"Chúng ta cần đầu tư trung tâm dịch vụ nghề cá gắn với xây dựng âu tàu, tàu cảng để biến Trường Sa thành trung tâm hậu cần vừa giúp ngư dân bám biểm đánh bắt xa bờ vừa là trung tâm phòng chống bão lụt, gắn với du lịch biển đảo" - trung tướng Bế Xuân Trường nói.

Đại biểu, Bế Xuân Trường
Đại biểu, trung tướng Bế Xuân Trường. Ảnh: K.A.

Trung tướng Trường đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu tập trung lựa chọn để thành lập các doanh nghiệp mạnh, tổ chức chỉ huy tập thể để đánh bắt cá trên biển, trang bị các tàu bọc thép công suất lớn, từng bước xây dựng thế trận nhân dân trên biển. Ông đề nghị các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, tăng cường nguồn nhân lực làm kinh tế biển.

Cùng chủ đề, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa  (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ hơn về chiến lược Biển Đông. "Chính phủ cần chủ động với diễn biến tình hình, sớm đưa ra dự báo, giải pháp nhằm đối phó trong tình hình hiện nay; tiếp tục cân đối nguồn lực, đầu tư toàn diện hệ thống tuyến đảo, tạo hệ thống liên lạc giữa các đảo của nước ta” - đại biểu Nghĩa kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho biết, Chính phủ có Nghị định 67 để tạo nguồn cho ngư dân phát triển nhưng sản xuất còn nhiều khó khăn, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Thay mặt cử tri, ông kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ ngư dân một cách tối đa trước sự truy đuổi của tàu Trung Quốc.

Sáng cùng ngày, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Trà Vinh Trần Quốc Tuấn đã mạnh mẽ tố cáo các hành động của Trung Quốc đang đơn phương tiến hành ở Biển Đông. 

Đai biểu Trần Quốc Tuấn. Ảnh: VOV
Đai biểu Trần Quốc Tuấn. Ảnh: VOV.

"Hành động cải tạo các bãi đã ngầm không thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc và nghiêm trọng hơn, việc đem vũ khí hạng nặng ra các bãi đá ở Trường Sa, là hành động đi xâm chiếm" - đại biểu Trần Quốc Tuấn nói.

Ông cho rằng, cả thế giới cần lên án kịch liệt hành động trên và yêu cầu Trung Quốc phải có lòng tự trọng của một chính quyền nước lớn, phải biết xấu hổ khi đi xâm chiếm chủ quyền của các nước khác trong kỷ nguyên hiện đại.

Vị đại biểu Trà Vinh nhấn mạnh, trước bối cảnh trên, toàn thể cử tri và nhân dân cả nước mong muốn Đảng, Quốc hội và Chính phủ có những quyết sách đúng đắn hơn, phù hợp hơn. 

"Trước mắt cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, tương tự như phát ngôn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công du xuyên ba châu lục tại 4 quốc gia Kazakhstan, Algieria, Bồ Đào Nha và Bulgaria vừa qua, đồng thời tăng cường nhiều hơn các chuyến đi thăm ngoại giao của lãnh đạo nước ta đến các quốc gia khác trên thế giới", ông nói.

Theo đại biểu Tuấn, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên tổ chức các hội thảo về Biển Đông, cung cấp các bằng chứng lịch sử về quyền và chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Đề nghị Quốc hội phản ứng việc TQ xây dựng ở Trường Sa

Ngày 1/6, đại biểu Dương Trung Quốc đã gửi thư tới Chủ tịch Quốc hội, đề nghị Quốc hội có phản ứng chính thức trước việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.

Khánh An

Bạn có thể quan tâm