Quan điểm được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, sáng 14/11. Dự thảo luật sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp này.
Lo ngại núp bóng du lịch
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng quy định miễn thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài vào các khu kinh tế ven biển có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nó còn dẫn đến nguy cơ cao hơn về sự xâm nhập của người nước ngoài núp dưới danh nghĩa du lịch
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng). Ảnh: Hải Quân. |
“Việc mở cửa biên giới cho người nước ngoài cần đi liền với tăng quản lý trong phạm vi lãnh thổ. Nguyên tắc tối thượng là không vì tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và các lý do kinh tế mà làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”, bà Thúy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các quy định về nhập cảnh, cư trú và sở hữu nhà lỏng lẻo hoặc không thể thực hiện được trong thực tế có thể dẫn đến ở những nơi này dân số nước ngoài nhiều hơn người Việt Nam.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng vấn đề không phải miễn, mà phải làm quy trình cấp thị thực một cách đơn giản, thuận lợi. “Không phải miễn thị thực là thu hút được khách. Chúng ta phải thu hút du lịch bằng các sản phẩm du lịch, phải tổ chức xã hội một cách an toàn, có văn hoá… Thêm nữa, cần nghiên cứu đối tượng nào cần thu hút để có định hướng ưu tiên, chọn lọc”, ông Nghĩa góp ý.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM). Ảnh: Hải Quân. |
Đại biểu này cũng nhắc lại câu chuyện Thái Lan đã phải đóng cửa một số thiên đường du lịch để phục hồi môi trường bị ô nhiễm, dù thiệt hại hàng tỷ đô la. Đó là nhằm phát triển bền vững.
“Càng mở cửa, du lịch càng tăng thì càng phải quản lý việc xuất nhập cảnh chặt chẽ hơn. Người vào đông sẽ có người tốt, người vi phạm. Trong số người vi phạm có người vô tình, người cố tình như các phần tử khủng bố, ma tuý, cờ bạc quốc tế”, ông Nghĩa cảnh báo.
Ông kể câu chuyện từ thực tế của bản thân đã đi nước ngoài rất nhiều, dù là đại biểu Quốc hội vẫn phải xin thị thực, có giấy mời, phải chứng minh điều kiện tài chính, mua bảo hiểm, chứng mình đã đặt vé đi, vé về... Từ đó, đại biểu cho rằng nếu quản lý thị thực chặt thì công tác quản lý tạm trú, tạm vắng sẽ “bớt việc” đi rất nhiều.
Đề cập đến điều kiện miễn thị thực ở khu kinh tế ven biển, ông Nghĩa băn khoăn khi người vào không có bất kỳ điều kiện nào.
“Nếu theo quy định này thì cứ vào khu kinh tế ven biển là đương nhiên được miễn thị thực. Như vậy quá lỏng lẻo”, ông Nghĩa cảnh báo.
Phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết
Nữ đại biểu đoàn Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh nhắc đến tình trạng ngày càng nhiều người nước ngoài sang Việt Nam dưới vỏ bọc doanh nghiệp, đầu tư, du lịch… Từ đó, họ tận dụng nhà trọ, khách sạn để lắp đặt các thiết bị để điều hành các đường dây đánh bạc rất tinh vi, khó kiểm soát, số lượng tiền và ngoại tệ thu giữ lớn.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Ảnh: Hải Quân. |
Nhắc đến chính sách đặc thù ở đảo Phú Quốc khi người nước ngoài được miễn thị thực 30 ngày, bà Khánh nêu nhiều vấn đề về tình hình quản lý đất đai, phân lô bán nền trên đất rừng đặc dụng và ô nhiễm môi trường.
“Chúng ta đã nhìn thấy tình trạng xây dựng phá nát quy hoạch của Phú Quốc trong nhiều năm qua. Nhiều người lo rằng, Phú Quốc không còn là đảo ngọc mà chúng ta mong muốn như ngày xưa, tình hình rất nguy hiểm”, bà Khánh nói.
Bà đề nghị cần siết chặt quản lý Nhà nước, tránh sơ hở, gây khó khăn cho công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật của người nước ngoài ở Việt Nam.
Đại biểu Khánh ủng hộ quan điểm không miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển và nhấn mạnh phải đặt lợi ích của quốc gia, của nhân dân lên trên hết.