Đặc sản Tết Việt xuất ngoại
Cứ mỗi độ Tết đến, hàng loạt đặc sản Tết Việt cũng được các nhà sản xuất trong nước cung ứng cho các chuyến xuất ngoại, mang hương vị Tết quê hương đến với kiều bào.
Mỗi năm danh sách các mặt hàng xuất khẩu tết lại dài thêm, số lượng mỗi mặt hàng nhiều hơn. Thế nhưng, gần như toàn bộ hàng xuất khẩu không được mang thương hiệu người làm mà phải ghi thương hiệu của người phân phối.
Tấp nập đơn hàng
"Chiếc bánh chứa đựng hạt nếp, miếng thịt từ quê nhà gửi đi khắp nơi trên thế giới với mong muốn kiều bào cũng có cái tết mang hương vị quê nhà" - Anh Trần Thanh Toàn (chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia) nói. |
Trước tết hơn hai tháng, toàn bộ công nhân của công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Đông (Thủ Đức, TP.HCM) đã hối hả bước vào giai đoạn cao điểm làm hàng tết xuất khẩu đi châu Âu và Úc. Năm nay khách đặt hàng nhiều và thêm nhiều hàng mới nên ông bà chủ của công ty phải tất tả chạy nhiều nơi để lo cho đủ nguyên liệu chế biến. “Công ty đã xuất khẩu 2 tấn bánh chưng loại 1kg/cái và 0,5kg/cái sang châu Âu. Bây giờ đang tiếp tục chuẩn bị xuất khẩu các mặt hàng khác như bánh ít, hàng khô, chuối La Ba...” - anh Trần Thanh Phú, giám đốc công ty Tân Đông cho biết.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thắng, chủ cơ sở sản xuất bánh tét, bánh dừa (huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết: tết năm nay có 20 - 30 đơn hàng từ các đơn vị xuất khẩu với sản lượng 10.000 - 30.000 chiếc bánh tét, bánh dừa để xuất đi nước ngoài. “Do đơn hàng lớn hơn nên toàn bộ nhân công trong gia đình đều đã được huy động để sản xuất kịp đơn hàng” - anh Thắng nói.
Đặc sản Việt mang hương vị Tết quê hương đến với kiều bào. |
Ngoài các sản phẩm làm sẵn để kiều bào chỉ cần rã đông và nấu lại bằng lò vi sóng sử dụng ngay, các cơ sở còn xuất khẩu các loại nguyên liệu để người Việt ở xa tổ quốc tự tay chuẩn bị các món ăn cho ngày tết. Bên cạnh 45 tấn bánh chưng đã được xuất khẩu, cơ sở bánh chưng Trần Gia (Biên Hòa, Đồng Nai) còn xuất khẩu lá dong, lạt buộc kèm theo quy trình gói bánh để tạo điều kiện cho kiều bào tự gói. So với năm ngoái, sản lượng bánh tại cơ sở Trần Gia tăng rất mạnh, tổng đơn hàng đã tăng hơn 50% do mở rộng thị trường, còn tại các thị trường cũ sản lượng cũng tăng khoảng 10 - 15%.
Ngoài bánh chưng, công ty Tân Đông còn xuất khẩu thêm hầu hết các loại đặc sản tết như bánh tét, mứt, giò lụa chay... Đặc biệt theo chị Bạch Ngọc Hà - Phó giám đốc công ty Tân Đông, năm nay nguồn tôm khô Thái Lan sang châu Âu bị giảm mạnh nên khách hàng tới tấp gọi điện về mua loại hàng này. “Chỉ đợt tết này mà công ty tôi đã xuất khẩu được 3 tấn tôm khô sang châu Âu. Ngoài ra công ty cũng xuất khẩu thêm 50 tấn chuối La Ba, đặc sản của Lâm Đồng” - chị Hà nói.
Bao giờ hàng tết Việt có thương hiệu?
Để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu, các cơ sở sản xuất phải kỹ càng ngay từ khâu tuyển chọn nguyên liệu và phụ liệu, từ chiếc lá dong đến hạt nếp, hạt đỗ đều phải có nguồn gốc rõ ràng và kiểm định chất lượng trước khi đưa vào sản xuất. “Sau khi luộc xong và kiểm tra chất lượng, công ty sẽ hút chân không rồi cấp đông bánh chưng đóng vào container và đưa xuống tàu. Trước đó, mọi khâu từ chuẩn bị nguyên liệu đến chế biến đều phải kiểm tra kỹ càng điều kiện vệ sinh thực phẩm vì tiêu chuẩn của châu Âu rất cao, nếu vi phạm họ sẽ trả lại liền” - anh Trần Thanh Phú cho biết.
Theo anh Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia: “Làm bánh chưng xuất khẩu mang nhiều dư vị đặc biệt, nó không chỉ là chiếc bánh đơn thuần mà còn là chiếc bánh chứa đựng hạt nếp, miếng thịt từ quê nhà gửi đi khắp nơi trên thế giới với mong muốn kiều bào cũng có cái tết mang hương vị quê nhà”. Điều khiến nhiều chủ cơ sở sản xuất chạnh lòng nhất là dù đã tốn nhiều tâm huyết cho sản phẩm, nhưng trên bao bì những chiếc bánh chưng này chỉ ghi tên bánh và thành phần, còn thương hiệu nhà sản xuất, thậm chí đến địa chỉ sản xuất, cũng phải bỏ trống.
Theo tiết lộ của một chủ cơ sở gia công hàng tết tại quận Tân Phú (TP.HCM), sang đến nước nhập khẩu thì hàng tết Việt Nam sẽ được dán thương hiệu của các công ty bên đó rồi đưa vào hệ thống các siêu thị và cửa hàng thực phẩm châu Á. Như vậy, người mua chỉ biết tới tên thương hiệu trung gian chứ không biết thật sự hàng hóa được sản xuất từ đâu.
Còn chị Bạch Ngọc Hà cho rằng quy mô của các công ty sản xuất hàng tết trong nước đều rất nhỏ nên không có khả năng tiếp thị ở nước ngoài. Do đó, có đơn hàng về để gia công đã là một sự may mắn, có lời là làm chứ đâu nghĩ được đến khâu làm thương hiệu. Tuy nhiên, chị Hà cũng cho rằng sau thời gian dài làm gia công, trong thời gian tới công ty sẽ thiết lập một thương hiệu riêng của mình khi đưa sản phẩm đặc sản tết nói riêng và đặc sản Việt nói chung vào thị trường châu Âu.
Người nước ngoài ít biết bánh chưng Anh Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở bánh chưng Trần Gia, kể trong dịp dự hội nghị tại Phan Thiết (Bình Thuận) cách nay một năm, anh đã tình cờ gặp một vị khách người Pháp. Biết được công việc của anh Toàn là sản xuất bánh chưng để đưa ra nước ngoài, vị khách này tỏ ra vô cùng thích thú. Tuy nhiên, cũng chính “ông Tây” ấy đã đặt rất nhiều câu hỏi cho chiếc bánh chưng khiến anh Toàn phải trăn trở. “Ông ấy hỏi tại sao người Việt có thể biết đến sản phẩm truyền thống của nước ngoài như pizza (Ý), sushi (Nhật)... trong khi bánh chưng lại ít được khách nước ngoài biết đến” - anh Toàn nhớ lại. |
Theo Tuổi trẻ