Các cửa hàng thực phẩm Bắc đang tăng cường các mặt hàng hương vị riêng như măng vầu, măng lưỡi lợn, mộc nhĩ, nấm hương, miến dong, thịt đông, cá chép kho riềng, chân giò nấu giả cầy... đến tương bần Hưng Yên, Nghệ An (15.000-18.000 đồng/chai); miến dong Bắc Cạn 12.000 đồng/200g, măng lưỡi lợn (75.000 đồng/200g), măng nứa (70.000 đồng/200g)…
Thậm chí, nhiều nơi còn cung cấp cả mặt hàng trái cây tươi đặc trưng cho ngày Tết miền Bắc. Cụ thể một số cửa hàng trên đường Trần Quốc Toản (quận 3) đang nhận đặt hàng các loại trái cây như cam Canh (90.000 đồng/kg), bưởi Diễn (100.000 đồng/quả), phật thủ (180.000-220.000 đồng/kg)... đối với những sản phẩm này khách phải trả tiền trước.
Các loại đặc sản Hà Nội tại TP.HCM được tăng cường số lượng để bán Tết. |
Tại khu chợ Bà Hoa (quận Tân Bình) và một số cửa hàng bán món ăn miền Trung, đặc sản miền Trung cũng đã tập kết hàng vào Sài Gòn với các loại bánh tráng, bánh tét, thịt heo bó lá chuối, chả bò... ; giá cũng đã tăng thêm từ 10.000-30.000 đồng/kg.
Ngoài những món ăn thì thức uống cũng được nhiều người săn tìm để làm đa dạng cho bữa ăn ngày Tết, đặc biệt là các loại rượu. Đặc sản rượu từ Bắc vào Nam đều được bày bán như rượu nếp cái Làng Vân, rượu Nàng Hương (143.000 đồng/chai 200ml), Phú Lễ (100.000 đồng/lít), Xuân Thạnh (45.000 đồng/520ml), rượu Sim Sơn (205.000 đồng/700ml). Bênh cạnh đó, một số cửa hàng bán thêm trà Bắc cao cấp, như trà cổ thụ Suối Giàng có giá trên 2 triệu đồng/kg, trà cổ thụ Lũng Phìn giá từ 500.000-600.000 đồng/kg.
Vào những ngày bình thường trong năm, đặc sản miền Tây Nam Bộ đã xuất hiện nhiều tại TP.HCM nên dịp Tết, tiểu thương cố gắng trình làng những sản phẩm lạ hơn năm trước để hút khách.
Chủ của hàng đặc sản miền Tây trên đường Ngô Tất Tố (Bình Thạnh) cho biết đã chuẩn bị sẵn 40 sản phẩm đặc sản độc, lạ phục vụ cho dịp Tết này. Cụ thể, năm nay có thêm hai loại khô mới là “mỹ nữ chân dài” (khô nhái - 400.000 đồng/kg) và khô rắn (260.000 đồng/kg) hay các mặt hàng mới như bánh tét lá cẩm (90.000 đồng/cặp), bánh tét Trà Cuông (120.000 đồng/cặp). Đặc biệt, thương hiệu lạp xưởng Hữu Châu có sản phẩm mới là lạp xưởng tươi làm từ tôm đất và thịt heo, có vị chua cay phù hợp cho những người không thích ăn béo (119.000 đồng/500g).
Anh Nguyễn Trường Chinh, chủ cơ sở chả hoa Năm Thụy (đặc sản Trà Vinh) tiết lộ: “Chúng tôi đã chuẩn bị kho đông lạnh, dự trù nguyên liệu, từ ngày 20 tết sẽ tung ra thị trường 3 tấn chả, tăng gấp 6 lần so với thường ngày. Đây chủ yếu là chả hoa, chả lụa pate, chả trứng muối... cung cấp cho khu vực miền Tây và TP.HCM”.
Sản phẩm đa dạng nhưng việc kiểm soát chất lượng cũng như giá cả cho các đặc sản này cũng không phải là điều dễ. Với thói quen mua đặc sản làm quà biếu nhiều người dân tại TP.HCM cũng bị cuốn theo những lời quảng cáo cũng như giá cả bị đội lên nhờ gắn mác đặc sản và dựa hơi Tết để tăng giá. Đặc biệt là các loại đặc sản dùng làm quà biếu đang “chạy nước rút” hét giá cao.
Trên nhiều trang mạng, rất nhiều sản phẩm được cho là đặc sản chào bán với mức giá khá cao, tuy vậy việc xác định nguồn gốc thật sự vẫn còn là dấu hỏi lớn. Ví như thịt trâu gác bếp 650.000 đồng/kg, thịt bò Lào gác bếp 700.000 đồng/kg, bánh tẻ Phú Nhi 80.000 đồng/chục, phần lớn đều không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.
Một số cử hàng bán đặc sản cũng thú nhận, việc hàng hóa khó có thể nhập về với số lượng lớn nên nhiều sản phẩm vẫn sản xuất ở TP.HCM để bổ sung. Có nơi thì thuê hẳn người gốc bắc chế biến, có nơi thì học công thức rồi về làm. Như vậy nếu sử dụng những sản phẩm này người tiêu dùng bỏ tiền ra chỉ mua được tên gọi đặc sản, còn nguyên liệu và chế biến tại chỗ.