Đặc khu hành chính Hong Kong những ngày trước tuổi 20
Thứ ba, 27/6/2017 20:38 (GMT+7)
20:38 27/6/2017
Hơn 80 triệu USD được chi ra cho công tác an ninh và các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong trở về với Trung Quốc.
Ngày 1/7/2017 sẽ đánh dấu 20 năm Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc. 20 năm cũng là khoảng thời gian nơi này trở thành một đặc khu hành chính của Trung Quốc dưới quy chế "một quốc gia, hai chế độ". Ảnh: AFP.
Theo thông tin hồi tháng 4, chính quyền Hong Kong sẽ chi 640 triệu HKD (hơn 82 triệu USD) cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày về với Trung Quốc. Số tiền này gấp 9 lần con số 69 triệu HKD được chi ra cho dịp kỷ niệm 10 năm hồi năm 2007. Ảnh: AFP.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ đến Hong Kong vào dịp kỷ niệm năm nay và chứng kiến lễ nhậm chức của đặc khu trưởng mới, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga. An ninh tại Hong Kong đang được thắt chặt để chuẩn bị cho chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong ảnh, đoàn xe cảnh sát diễn tập trước Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hong Kong, nơi diễn ra lễ nhậm chức vào ngày 1/7 tới. Chủ tịch Tập và phu nhân Bành Lệ Viện sẽ di chuyển trên 2 chiếc limousine chống đạn. Ảnh: Reuters.
Rào chắn lớn được dựng lên quanh khách sạn Grand Hyatt, nơi ông Tập sẽ lưu lại. Căn phòng ông ở cũng được lắp cửa kính chống đạn. South China Morning Post dẫn các nguồn tin an ninh cho biết hơn 500 phòng của khách sạn này sẽ đóng cửa và không ai được phép lưu trú trong 3 đêm chủ tịch Trung Quốc ở lại đây. Ảnh: Reuters.
Khoảng 11.000 người trong số 29.000 cảnh sát của Hong Kong sẽ được huy động để đảm bảo an ninh cho dịp lễ này. Trong ảnh, một cuộc diễn tập chống khủng bố của cảnh sát Hong Kong hồi tháng 5. Ảnh: AFP.
Hơn 300 sự kiện sẽ được tổ chức khắp Hong Kong cùng 200 sự kiện khác tại Trung Quốc đại lục và nước ngoài
. Ảnh: Reuters.
Ngoài công tác an ninh, nhiều hoạt động ăn mừng cũng được chuẩn bị trên khắp đặc khu. Trong ảnh, người dân ở một ngôi làng treo cờ Trung Quốc và cờ Hong Kong lên một thân cây lớn hôm 24/6. Ảnh: Reuters.
Một con tem in hình binh sĩ quân đội Trung Quốc được phát hành nhân dịp này. Ảnh: AFP.
Mặc cho nhiều lo ngại trước năm 1997, Hong Kong sau khi trở về với Trung Quốc vẫn là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Trong 20 năm qua, tổng giá trị sản phẩm nội địa (GDP) của Hong Kong đã tăng gần gấp đôi với bến cảng luôn đông đúc và sân bay vẫn thuộc top những phi trường bận rộn nhất thế giới. Ảnh: AFP.
Dù vậy, Hong Kong cũng đối mặt với khoảng cách giàu nghèo ngày càng trầm trọng. Hồi tháng 6, South China Morning Post dẫn cuộc điều tra của chính quyền Hong Kong cho thấy khoảng cách giàu nghèo ở đây đã đạt mức kỷ lục trong 46 năm và cao thứ hai thế giới, chỉ sau New York. Giá nhà đất ở Hong Kong đắt đỏ bậc nhất thế giới và hàng chục nghìn người nghèo phải sống trong những chiếc chuồng lưới. Ảnh: AFP.
Đặc khu trưởng sắp nhậm chức, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng nội các mới sẽ phải giải quyết các nỗi lo của người Hong Kong về tình trạng thất nghiệp, khoảng cách giàu nghèo, không khí ô nhiễm và sự chia rẽ đang gia tăng trong dân chúng. Ảnh: AFP.
Người Anh đã chịu thua trước quyết tâm của Trung Quốc, chấp nhận trả lại Hong Kong trong một cuộc thương thảo bí mật trước năm 1997 và không có mặt người Hong Kong.