Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đặc điểm lũ ở trung du Bắc bộ và Bắc khu IV

Mùa lũ trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình thường xuất hiện sớm so với các vùng khác, từ tháng 5 đến tháng 9.

lu lut anh 1

Một khu vực tại xã Lại Vật, huyện Ba Vì bị cô lập do nước dâng cao.

Sông Hồng và sông Thái Bình có diện tích khu vực 164.300 km2, trong đó phần lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam là 87.400 km2 bao gồm 23 tỉnh, thành phố, chiếm 75,7% diện tích tự nhiên của toàn Bắc Bộ.

Mùa lũ trên hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình thường xuất hiện sớm so với các vùng khác, từ tháng 5 đến tháng 9.

Trung bình mỗi năm có từ 3 đến 5 trận lũ xuất hiện trên lưu vực này. Tùy theo quy mô của trận lũ mà có thời gian kéo dài từ 8 đến 15 ngày. Những trận lũ lớn trên sông Hồng do 3 sông là sông Đà, sông Thao, sông Lô tạo thành.

Trong đó sông Đà có vai trò quyết định và thường chiếm tỷ lệ 37% - 69% lượng lũ ở Sơn Tây (bình quân 49,2%), sông Lô có tý lệ lượng lũ 17- 41,5% (binh quân là 28%), sông Thao chiếm tỷ lệ ít nhất 13 - 30% (trung bình 19%).

Lũ sông Thái Bình do 3 sông Cầu, Thương, Lục Nam và một phần nước từ sông Hồng qua sông Đuống. Biên độ mực nước lũ trên hệ thống sông Hồng dao động mạnh, tại Hà Nội dao động ở mức trên 10 m. Dao động mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức trên 6 m.

Sông Mã: Phía thượng nguồn sông Mã có 2 nhánh lớn là sông Mã và sông Chu. Tính từ thượng nguồn đến cửa sông, toàn sông dài 486 km, trong đó phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam là 400 km; riêng địa phận Thanh Hóa dài 242 km.

Toàn bộ diện tích lưu vực sông Mã là 28.123 km2, trong đó phần chảy bên Lào là 7.913 km2, phần bên Việt Nam 20.210 km2, riêng Thanh Hóa chiếm khoảng 9.000 km2. Sông Mã có nhiều nhánh sông lớn nhỏ như: sông Chu, sông Luống, sông Lò, sông Bưởi, sông Cầu Chày.

Sông Cả có chiều dài 523 km, chảy trên địa phận Việt Nam là 361 km. Diện tích lưu vực là 28.590 km2, riêng phần lưu vực trên lãnh thổ Việt Nam là 17.860 km2. Hệ thống sông Cả gồm nhiều sông nhánh lớn nhỏ, như phía hữu ngạn có 39 nhánh cấp 1 và cấp 2, phía tả ngạn có 47 nhánh thuộc cấp 1 và 2.

Đáng chú ý trong đó có 2 sông có độ dài đáng kể là sông Côn dài 228 km, diện tích lưu vực 5.340 km2 bên bờ trái và sông Ngàn Sâu dài 135 km, diện tích lưu vực 3.210 km2 bên bờ phải. Diện tích rừng núi chiếm 77% diện tích toàn lưu vực; đại bộ phận là rừng già. Hướng sông chính chảy theo Tây Bắc - Đông Nam, sông năm lệch về phía tả ngạn, có độ uốn khúc từ 1,4 - 1,7, thượng lưu lớn và giảm dần về hạ lưu.

Do đặc điểm địa lý, các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh năm ở khu vực giáp ranh giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nên lũ trên hệ thống sông Mã, sông Cả vừa mang đặc tính lũ đồng bằng Bắc Bộ, vừa mang đặc tính của lũ các sông miền Trung như: mùa lũ bắt đầu muộn hơn khoảng gần 1 tháng và cường suất lũ lên nhanh hơn.

Lũ ở các sông thuộc khu vực Thanh Hóa - Hà Tĩnh xảy ra chủ yếu bởi mưa do bão, áp thấp nhiệt đới và các nhiều động khác, đặc biệt sẽ rất nguy hiểm khi bão hoặc áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa đông bắc. Mùa mưa lũ ở khu vực Thanh Hóa - Hà Tĩnh kéo dài từ 3 đến 4 tháng (tháng 6 đến tháng 10). Việc dự báo lũ khó khăn hơn nhiều so với các sông Bắc Bộ do thời gian tập trung lũ nhanh hơn.

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương/NXB Xây dựng

Bình luận

SÁCH HAY