Năm nay, việc đánh giá học sinh bậc tiểu học sẽ có sự điều chỉnh theo cách kết hợp nhận xét của giáo viên với các bài kiểm tra cuối học kỳ và năm học.
Thầy cô không phải nhận xét vào vở của học sinh nhiều như trước. Quy định mới cho phép họ nhận xét trực tiếp với học sinh trên lớp để các em biết mình làm tốt và chưa tốt ở đâu. Từ đó, giáo viên hướng dẫn lại kiến thức, kỹ năng cho các em. Số lượng sổ sách giáo viên phải theo dõi cũng giảm đi nhiều.
Trong sổ liên lạc của học sinh lớp 5, trường Tiểu học thị trấn Thứa (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), phần "Các em sợ điều gì?", hầu như em nào cũng chọn ô "sợ bị la mắng" hoặc "trách phạt". Có lẽ chính vì thế, việc không còn bị chấm điểm hàng ngày là điều khiến học sinh thích nhất.
"Khi học chương trình cũ, mỗi ngày, em phải cố gắng đạt điểm 9, 10 để khoe với bố mẹ. Bây giờ, cô giáo sẽ đưa ra lời nhận xét, góp ý hàng ngày để em cố gắng hơn trong học tập", Nguyễn Như Ý, học sinh lớp 5, trường Tiểu học thị trấn Thứa, nói.
Sự điều chỉnh của Bộ GD&ĐT trong cách đánh giá học sinh tiểu học năm nay được cho là tích cực, giúp chính sách này triển khai hiệu quả hơn trong thực tế. Ngoài ra, quy định mới cũng bổ sung các mức độ về chuẩn kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất của học sinh để giáo viên có căn cứ đánh giá chính xác hơn những nỗ lực của học sinh trong cả năm học.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên trường Tiểu học thị trấn Thứa, cho biết: "Khi thực hiện đánh giá này, phụ huynh sẽ ít thắc mắc hơn so với Thông tư 30 vì cha mẹ sẽ thấy rõ con mình đã hoàn thành việc học tập ở mức độ nào".
Với những hạn chế cơ bản được khắc phục, năm nay, học sinh được đánh giá cụ thể hơn, chính xác hơn, giáo viên cũng có nhiều thời gian tập trung các hoạt động chuyên môn.
Cách nhận xét và đánh giá học sinh tiểu học hàng ngày của giáo viên vẫn còn chung chung, công thức. Ảnh cắt từ clip. |
Tuy nhiên, một số phụ huynh ở Hà Nội cũng cho biết các nhận xét hàng ngày, được ghi trong vở của con em họ vẫn còn khá chung chung và công thức.
Một số giáo viên chỉ nhận xét: "Đạt" hay "Chưa đạt". Những câu như: "Con cần cố gắng phát huy", "Con hãy nỗ lực nhé" cũng được sử dụng khá phổ biến. Hàm lượng thông tin nhận xét trong những câu này không nhiều. Nguyên nhân là do ở nhiều trường học, sĩ số lớp quá đông.
Những lớp học lên tới gần 60 em diễn ra khá phổ biến ở các trường tiểu học công lập tại Hà Nội. Với sĩ số đông như vậy, giáo viên phải làm việc rất vất vả khó có những nhận xét cụ thể cho từng người.
Bà Nguyễn Ngọc Diệp, phụ huynh học sinh, chia sẻ: "Chúng tôi mong có sự thay đổi vì việc cô giáo đánh giá học sinh rất quan trọng đối với phụ huynh. Nhà trường cần có sự tương tác với cha mẹ tốt hơn, từ đó chất lượng giáo dục sẽ được nâng cao hơn".
Ngoài ra, một số phụ huynh cũng phản ánh hiện nay, tại một số trường, điểm tổng kết của học sinh tiểu học được chấm ở mức cao, đa số đạt 9, 10 điểm. Lý do được đưa ra là để động viên, khuyến khích các em trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, ông Tạ Ngọc Trí, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho rằng cách làm này hoàn toàn không đúng với tinh thần đánh giá học sinh tiểu học. Mỗi khi các em mắc lỗi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, giáo viên sẽ trực tiếp trao đổi để các em tự nhận ra lỗi của mình, từ đó định hướng để học sinh tự tìm cách giải quyết.
Để việc đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét có thể triển khai hiệu quả như mong muốn, việc đảm bảo sĩ số lớp học đúng tiêu chuẩn từ 30 đến 35 em là một trong những điều kiện quan trọng. Thế nhưng, đây là vấn đề nan giải đối với giáo dục tại Hà Nội, nơi quỹ đất của thành phố dành cho việc xây dựng trường lớp chưa phải ưu tiên hàng đầu.