Trước những thông tin cho rằng giá xử lý rác ở bãi Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP HCM) cao "ngất trời", ông Hoan khẳng định giá này đã bao gồm đầy đủ các chi phí. “Các nhà đầu tư nước ngoài đã tính rất kỹ, bao gồm cả chi phí vận hành sau khi đóng cửa 24 năm. Có nghĩa là sau khi đóng cửa, họ vẫn phải vận hành xử lý triệt để mùi, không khí, nước, trước khi bàn giao lại cho thành phố sử dụng vào mục đích khác như làm công viên”.
Ông Hoan cũng thừa nhận, giai đoạn đầu của dự án chi phí có cao hơn nhưng đến thời điểm này là bằng nhau hết.
Về việc đóng cửa bãi rác số 3 Phước Hiệp (huyện Củ Chi) ông Hoan cho biết, một nguyên nhân rất lớn xuất phát từ việc quy hoạch khu đô thị Tây Bắc. Tuy nhiên, do nằm bên cạnh một bãi rác lớn, việc kêu gọi đầu tư thực sự khó khăn. Ông Hoan cũng khẳng định: “Nói đóng cửa là ngưng tiếp nhận rác với số lượng lớn chứ vẫn tiếp nhận rác với số lượng nhỏ. Có nghĩa là bãi rác Phước Hiệp vẫn tiếp tục hoạt động nhưng sẽ giảm dần. Kèm lộ trình đó còn phải giải quyết những vấn đề về môi trường, giải bài toán người lao động nữa”.
Theo Chánh văn phòng Uỷ ban, quyết định đóng cửa đã được cân nhắc theo các tiêu chuẩn chứ không phải vì một hai lời nói.
Ông Hoan cũng thông tin thêm, liên doanh Hàn Quốc là đơn vị thi công bãi rác số 3 Phước Hiệp. Đây không phải là đơn vị góp vốn nên không có chuyện phải bồi thường. “Tổng dự án 970 tỷ, trừ dự phòng phí còn cỡ 720 tỷ. Từ thời điểm triển khai dự án đến nay đã chi phí khoảng 60% tức 400 tỷ. Vừa làm vừa thi công vừa tiếp nhận rác, quá trình chúng ta đã khấu hao, khấu trừ”.
Ông Hoan cũng khẳng định, bãi rác số 3 Phước Hiệp vẫn giữ chức năng là bãi rác dự phòng của thành phố. “Phải tính đến vấn đề an ninh bãi rác. Tức là nếu bãi rác chính xảy ra chuyện gì thì phải có bãi rác dự phòng để sử dụng”.