Đá phiến dầu: Con bài năng lượng của Trung Quốc
Hồi tháng 3/2012, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc - Sinopec thông báo một kế hoạch mới nhằm khai thác khí đốt từ đá phiến dầu.
Nguồn năng lượng mơ ước
Từ thời tiền sử, đá phiến dầu đã được sử dụng để làm nhiên liệu vì nó được đốt trực tiếp mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào. Theo đánh giá của cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ, tài nguyên đá phiến dầu trên toàn thế giới đạt khoảng 411 tỷ tấn - đủ để sản xuất 2,8 đến 3,3 ngàn tỷ thùng (520 km³) dầu, hơn hẳn trữ lượng dầu truyền thống trên toàn thế giới, ước tính khoảng 1,317 ngàn tỷ thùng (209,4 km³).
Đây có thể là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi và con bài năng lượng do ảnh hưởng tiềm năng của nó đối với vấn đề an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Sinopec, đá phiến dầu của Trung Quốc tập trung chủ yếu ở khu vực Yuanba, tỉnh Tứ Xuyên. Đây được xem là một bước tiến gần hơn của Trung Quốc tới mục tiêu khai thác được 3.4 tỷ m3 khí đốt mỗi năm trong vòng 3 năm tới tại khu vực Yuanba. Khi Trung Quốc sở hữu một vũ khí năng lượng và kinh tế mới cũng đồng nghĩa với việc nước này sẽ giảm bớt được sự lệ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu trong bối cảnh giá năng lượng luôn ở mức cao trong thời gian gần đây.
Trong số các quốc gia có tiềm năng khí đá phiến được phát hiện, Trung Quốc được đánh giá là nước có các mỏ khí đá phiến có thể khai thác lớn nhất thế giới với tổng trữ lượng khoảng 25 nghìn tỷ m3.
Một báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho biết Trung Quốc sở hữu 7 mỏ đá phiến dầu, trong đó mỏ Yuanba tại tỉnh Tứ Xuyên và mỏ Tarim ở khu tự trị Tân Cương có tiềm năng sản xuất khí đốt với quy mô lớn. Hai mỏ này sẽ là chìa khóa cho tham vọng của Bắc Kinh là tạo ra được 6.5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho tới năm 2015 và con số này sẽ tăng lên là 80 tỷ vào năm 2020.
Tới nay, Mỹ vẫn là nước đi đầu trong việc sản xuất khí đá phiến với 136 tỷ m3 mỗi năm. Một nghiên cứu của Đại học Rice do Bộ năng lượng Mỹ bảo trợ cho biết nhờ việc Mỹ gia tăng sản xuất khí đốt từ đá phiến dầu thị phần khí đốt của Nga tại Tây Âu đến năm 2040 sẽ giảm xuống còn khoảng 13% so với mức gần 30% hiện nay. Còn với Mỹ, việc khai thác kịp thời nguồn khí đá phiến sẽ hạn chế được nhu cầu nhập khẩu khí hóa lỏng ít nhất 20 - 30 năm. Nhờ đó, Mỹ sẽ giảm được sức ép về năng lượng, giảm thâm hụt mậu dịch với cả nền kinh tế Mỹ.
Amy Myers Jaffe, một trong những tác giả của đề án nghiên cứu trên, phát biểu: "Kết quả địa chính trị của việc Mỹ mở rộng hoạt động sản xuất khí đá phiến sẽ là vô cùng to lớn. Bằng cách tăng nguồn cung thay thế cho châu Âu dưới dạng khí hóa lỏng từ phía Mỹ thì sức mạnh xăng dầu của Nga, Venezuela và Iran đối với châu lục này đang giảm đi".
Vũ khí mới trên bàn cờ năng lượng
Hiện tại, Trung Quốc sản xuất được khoảng 94 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm. Tuy nhiên, con số này chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu năng lượng của nền kinh tế thứ hai thế giới. Thống kê cho biết lượng khí ga tự nhiên chỉ chiếm có 4% tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ của Trung Quốc và than đá vẫn là nguồn cung năng lượng chính của quốc gia này, đảm bảo 70% nhu cầu.
Để khắc phục sự mất cân đối đó, Bắc Kinh đang tìm cách nâng tỷ lệ tiêu thụ khí tự nhiên lên 6% trong vòng 10 năm tới và khí đá phiến tại Tứ Xuyên có thể sẽ là một lựa chọn để Bắc Kinh giảm áp lực từ nguồn cung bên ngoài. Với tiềm lực của mình, Trung Quốc có thể sản xuất thành công khí đá phiến trong tương lai, nhưng hiện tại có một vài nhân tố bất lợi mà nước này cần phải vượt qua.
Việc đầu tiên là Trung Quốc cần làm là phát triển được kỹ thuật chiết tách khí đốt từ đá phiến dầu. Với tầm nhìn của mình, Trung Quốc có vẻ như đã tính đến điều này từ lâu. Hiện nay, các công ty dầu khí của Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư vào nhiều doanh nghiệp phương Tây có kinh nghiệm trong việc chiết tách khí đá phiến. Chẳng hạn, Petro China, tập đoàn năng lượng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, đã mua lại 50%cổ phần trong một dự án khí đốt ở Canada với giá 5,4 tỷ USD, trong khi tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia CNOOC đã kịp có cổ phần trong các dự án năng lượng khai thác đá phiến dầu Eagle Ford của Công ty năng lượng Chesapeake tại bang Texas, Mỹ.
Ngoài ra, một số hãng dầu khí như Shell (Hà Lan), Chevron (Mỹ) cũng đang đầu tư vào các công ty Trung Quốc và tham gia vào các dự án khai thác khí đá phiến. Các phương tiện truyền thông đưa tin Chevron đang khai thác mỏ đá phiến dầu tại Hàng Châu, nơi cũng được đánh giá là có trữ lượng rất tiềm năng. Các công ty liên doanh này sẽ là cánh cửa để Trung Quốc tiếp cận với công nghệ khai thác khí đá phiến.
Chuyên gia, công nghệ hay vốn không phải là trở ngại lớn với Trung Quốc vì họ đã đầu tư nhiều tiền của vào các cơ sở sản xuất khí đá phiến của phương Tây. Nhưng một trở ngại với Trung Quốc là các mỏ đá phiến dầu của Trung Quốc thường nằm sâu trong lòng đất và tình hình địa chất tại các mỏ khai thác của Trung Quốc phức tạp hơn so với các cơ sở khai thác tại Mỹ.
Việc triển khai đường ống dẫn khí với Trung Quốc cũng không dễ dàng một phần bởi yếu tố địa lý không thuận lợi và khí ga tự nhiên dầu sao vẫn mới chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường. Tuy nhiên, Trung Quốc đã và đang đầu tư hàng tỷ USD xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí, điển hình là hệ thống đường ống Đông - Tây 2 mới đi vào hoạt động từ 30/6/2011 đi qua 15 vùng lãnh thổ Trung Quốc. Nước này còn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí Tây - Đông thứ ba. Kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí Tây - Đông thứ 4 và thứ 5 với công suất tổng cộng 30 tỉ m3 khí/năm dự kiến sẽ bắt đầu sau năm 2015.
Nước là nhân tố sống còn khi khai thác là cần hàng triệu tấn nước sạch. Đây là một vấn đề hóc búa với bồn địa Tarim rất khô cằn của Tân Cương để khai thác đá phiến dầu. Nhưng với Tứ Xuyên, nguồn nước ở vùng cận nhiệt đới này lại rất dồi dào nhờ có lượng mưa hàng năm lớn và nguồn cung ổn định từ sông Dương Tử. Bên cạnh đó, Tứ Xuyên còn sở hữu cơ sở hạ tầng đường ống phát triển nhất Trung Quốc do công cuộc khai thác khí đốt ở đây đã khá phát triển. Do đó, Tứ Xuyên có thể sẽ là nơi đầu tiên Trung Quốc triển khai việc sản xuất khí đá phiến quy mô lớn.
Tóm lại, Trung Quốc sẽ cần vài năm nữa để đạt được trình độ và có kỹ nghệ cần thiết để chiết tách khí đốt từ đá phiến. Kế hoạch vừa công bố của Sinopec sẽ là bước cụ thể hóa tham vọng và mục tiêu chủ động về năng lượng trong tương lai của quốc gia này.
Theo VEF